Những 'mắt xích' vô cảm

11/06/2018 - 17:21

PNO - Trong chương trình giáo dục phổ thông, có đủ các môn thể dục, mỹ thuật, âm nhạc và các hoạt động ngoài giờ lên lớp, nhưng mọi thứ đều diễn ra máy móc, rập khuôn và thiếu sức sống.

Dù không nhiều thời gian, nhưng phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trước Quốc hội hôm 6/6 vừa qua đã khái quát được phần nào nền giáo dục Việt Nam hiện tại. Đó là sự xuống cấp về đạo đức ở bậc phổ thông và chất lượng kém ở bậc đại học (ĐH). Để khắc phục, thiết nghĩ, phải tìm cách xóa đi thói vô cảm của nền giáo dục. 

Biểu hiện rõ ràng nhất của thói vô cảm là ở hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Đây là hoạt động nhằm giúp học sinh (HS) nhận biết năng lực, mối quan tâm, năng khiếu của bản thân… để từ đó chọn được con đường phù hợp nhất để có cảm hứng học tập, cảm hứng làm việc và cuối cùng là để có cuộc sống hạnh phúc. Giáo dục hướng nghiệp được xem như là môn học, nhưng được giảng dạy một cách rất hình thức, nên không mang lại kết quả. Nó thể hiện sự vô cảm của nội dung chương trình giáo dục. 

Nhung 'mat xich' vo cam
 

Trong chương trình giáo dục phổ thông, có đủ các môn thể dục, mỹ thuật, âm nhạc và các hoạt động ngoài giờ lên lớp, nhưng mọi thứ đều diễn ra máy móc, rập khuôn và thiếu sức sống. HS nào cũng “đạt” nhưng không HS nào vẽ được, đàn được hoặc chơi được một môn thể thao nào, nếu có thì cũng do các em học tập và rèn luyện bên ngoài nhà trường. 

Việc triển khai từng môn học và tính mục tiêu của từng bài học cũng vô cảm không kém. Việc dạy học của thầy và trò đều hướng tới việc đi thi sao cho đạt điểm cao mà không giúp HS hiểu được giá trị của bài học đối với cuộc sống và nghề nghiệp tương lai.

Một HS yếu toán và các môn khoa học tự nhiên, thay vì phải hướng nghiệp cho đúng, nhà trường lại “động viên” sang học các môn xã hội với hy vọng đậu ĐH, giúp trường có tỷ lệ đậu ĐH cao. Đây là một cách làm rất phản giáo dục nhưng gần như cả hệ thống giáo dục của chúng ta đang lao vào. 

Ở bậc ĐH, công tác tuyển sinh tại các trường lâu nay cũng chỉ cốt làm sao lôi kéo được nhiều người vào học để thu học phí. Khi chọn ngành đã không phù hợp, trường ĐH lại chỉ “dạy cái mình có chứ không dạy cái người học và xã hội cần”, dẫn đến hậu quả tất yếu là, rất nhiều sinh viên đã bỏ học hoặc bị đuổi học giữa chừng, nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH nhưng không làm được nghề mình đã học và cũng không tha thiết làm nghề, phải chấp nhận cảnh thất nghiệp. 

Nói về chất lượng đào tạo còn thấp khiến 200.000 cử nhân thất nghiệp, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, học phí ĐH của ta thấp (chỉ bằng 1/30 của Mỹ và bằng 1/5 của Trung Quốc) nên khó đòi hỏi chất lượng tốt.

Ông đưa ra giải pháp cho thời gian tới là “bộ sẽ tập trung tăng cường chất lượng giáo dục ĐH, tăng cường đào tạo theo hướng gắn với thị trường lao động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo; các trường ĐH không chỉ có trách nhiệm tuyển sinh đầu vào mà còn phải quan tâm đến đầu ra, có trách nhiệm với sinh viên cũng như thị trường lao động”.

Xin thưa, những giải pháp mà ông đưa ra đã quá cũ,  được nhắc tới từ lâu, nhưng vẫn chỉ nằm trên giấy, hoặc nếu có làm thì cũng chiếu lệ, mà suy cho cùng, cũng chỉ do thói vô cảm và vô trách nhiệm của từng “mắt xích” trong guồng máy GD-ĐT. 

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI