Những loại thuốc nên và không nên sử dụng sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19?

12/08/2021 - 14:43

PNO - Sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19, những loại thuốc sau có thể hỗ trợ bạn trước tác dụng thường thấy như đau đầu, nhức mỏi cơ, sốt...

 

Một người sau tiêm ngừa vắc xin ngừa COVID-19 có thể gặp các phản ứng thông thường như sốt, đau đầu, nhức mỏi cơ,...
Một người sau tiêm ngừa vắc xin ngừa COVID-19 có thể gặp các phản ứng thông thường như sốt, đau đầu, nhức mỏi cơ,...

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 là một trong những giải pháp phòng chống, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Một người sau tiêm vắc xin có thể xuất hiện các phản ứng thông thường như nóng sốt, sưng đau vị trí tiêm, nôn ói, nhức đầu... đây là những triệu chứng thông thường do phản ứng của hệ miễn dịch sau tiêm. Hầu hết các triệu chứng sẽ giảm hoặc khỏi hoàn toàn sau vài ngày tiêm.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, một người không có bệnh nền, không mắc các bệnh mạn tính, cơ địa không dị ứng thuốc... nếu sốt cao trên 38,5 độ C có thể sử dụng thuốc hạ sốt thông thường. Hiện nay, thuốc paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt được khuyên dùng sau tiêm.

Liều dùng của thuốc có thành phần paracetamol trong giảm đau hạ sốt với một người trưởng thành là 10-15mg/kg/lần, mỗi lần dùng cách nhau 4-6 tiếng, không uống quá 5 viên một ngày. Với trẻ nhỏ, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng.

Các bác sĩ lưu ý thêm, khi sốt cao trên 38 độ C, cơ thể dễ mất nước, vì vậy người tiêm ngừa nên uống nhiều nước để bù vào lượng nước đã mất. Mọi người có thể chuẩn bị nước trái cây, nước ép, nước chanh, cam, bưởi,... cung cấp vitamin cần thiết. 

Bên cạnh đó, chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh, uống sữa,... cũng giúp cơ thể thoải mái hơn, sớm cân bằng sức khỏe trở lại. Trường hợp người sau tiêm vắc xin liên tục sốt cao trên 39°C, sốt kéo dài, đã uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ, sưng nhiều, sưng đỏ tại chỗ tiêm, tăng hoặc tụt huyết áp, tim đập nhanh, khó thở... sau khi tiêm, hãy báo ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Với người có bệnh nền, đã từng hoặc đang mắc các bệnh mạn tính, bệnh tuyến giáp, rối loạn đông máu, rối loạn tâm thần, hen suyễn hay dị ứng thuốc... phải khai báo thành thật để có sự hướng dẫn cụ thể của bác sĩ khi sàng lọc trước tiêm.

Một người nếu đang sử dụng steroid hoặc thuốc ức chế miễn dịch, thuốc viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng, thuốc hen suyễn... Bệnh nhân đang sử dụng thuốc làm loãng máu như warfarin hoặc các thuốc chống đông máu mới càng phải tuân thủ tư vấn của bác sĩ về tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và thời gian sử dụng thuốc đặc trị sau tiêm ngừa.

Quan trọng, khi muốn uống bất kỳ loại thuốc giảm đau hạ sốt nào cũng phải có sự tư vấn kỹ càng của bác sĩ, bởi rất có thể thuốc bạn đang sử dụng phản ứng với thuốc giảm đau, chống viêm thông thường, như các thuốc điều trị bệnh tâm thần có thể gây phản ứng chống viêm, sử dụng liều cao chúng có thể gây giảm bạch cầu, người uống thuốc điều trị tuyến giáp có thể gây ức chế miễn dịch...

Việc quan trọng nhất sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19 là người dân nên ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để được nhân viên y tế theo dõi sức khỏe, kịp thời phát hiện các phản ứng, tác dụng phụ. Tuyệt đối không được tự ý bỏ về trước khi kết thúc theo dõi 30 phút tại cơ sở tiêm chủng, không tự điều khiển phương tiện giao thông cá nhân khi thấy không khỏe sau tiêm.

Ít nhất 12-14 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, cơ thể mới bước đầu sinh kháng thể. Sau tiêm mũi thứ 2, vắc xin đạt hiệu quả bảo vệ. Tuy nhiên, hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60-90% tùy theo từng loại vắc xin mà bạn được tiêm.

Vì vậy, sau khi tiêm chủng, tất cả mọi người vẫn có nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Do đó, người dân không được chủ quan, lơ là mà phải cần tuân thủ các biện pháp 5K để phòng dịch.

 An Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI