Những đóa hồng ngát hương

20/12/2013 - 15:37

PNO - PN - Cũng như các kỳ SEA Games trước, các vận động viên (VĐV) nữ luôn góp công lớn vào thành công của thể thao Việt Nam. Đặc biệt, ở SEA Games 27 lần này, thành tích của những gương mặt nữ lần đầu tiên “trình làng” và cả những...

edf40wrjww2tblPage:Content

Sức bật tuổi thanh xuân

SEA Games 27 ghi nhận những cột mốc hết sức đặc biệt của thể thao Việt Nam và thật thú vị vì hầu hết đều được lập nên bởi những bóng hồng. Nguyễn Thị Ánh Viên là tay bơi nữ đầu tiên đoạt được huy chương vàng (HCV) SEA Games từ 54 năm nay, lại có đến ba HCV cùng hai kỷ lục đại hội. Phạm Thị Thu Hiền đoạt HCV môn Taekwondo ở tuổi 18, Phạm Thị Bình vượt qua chặng đường marathon 42,195km trên đôi chân trần, trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông quốc tế.

Nhung doa hong ngat huong

Nguyễn Thị Ánh Viên, 3 HCV, phá 2 KL SEA Games (ảnh: Dư Hải)

Cũng không thể không nhắc đến cái tên Lìu Thị Duyên, người mang về HCV boxing nữ đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam. Xuất thân từ một gia đình nghèo ở vùng địa đầu Lào Cai, Duyên theo nghiệp thể thao với hành trang chỉ có lòng đam mê và đôi chút năng khiếu. Thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, cô gái người dân tộc Mông vừa 20 tuổi này đã làm nên lịch sử, không chỉ cho bản thân mà cả cho môn quyền Anh Việt Nam.

Để vươn đến những thành tích đáng nể trên, Nguyễn Thị Ánh Viên từng chịu đựng biết bao gian khó. Xa người thân, xa bạn bè khi mới 15 tuổi, cô gái người Cần Thơ này theo suốt một chương trình tập huấn chuyên biệt tại Mỹ. Lịch tập luyện và thi đấu chiếm trọn thời gian của cô. Phần thưởng sau SEA Games của thầy trò Ánh Viên chỉ là vài ngày nghỉ Tết tại Việt Nam, chưa hết “mùng” đã khăn gói trở lại Mỹ, bước giai đoạn tập huấn tiếp theo.

HLV Đặng Anh Tuấn, người theo sát Ánh Viên trong quá trình tập luyện cho biết: “Ba HCV tại SEA Games không có ý nghĩa với lộ trình phát triển của Ánh Viên. Mục tiêu của Ánh Viên là Asian Games 2014 ở Hàn Quốc và sau đó là chiếc vé dự Olympic 2016”. Và rõ ràng “ao làng” SEA Games là quá chật hẹp đối với cô gái 17 tuổi này.

Nhung doa hong ngat huong

Nữ võ sĩ takekwondo 18 tuổi Phạm Thị Thu Hiền (ảnh: Dư Hải)

Nhiều người Việt ở nhà thi đấu Taekwondo không dám tin Phạm Thị Thu Hiền sẽ có một chỗ trên bục chiến thắng. Đây là lần đầu tiên cô gái Hà Nội mới 18 tuổi này “tự giới thiệu”. Để tìm HCV, Hiền phải vượt qua hai rào cản khó khăn, là VĐV người Thái Lan dày dạn kinh nghiệm, từng vô địch thế giới, và VĐV người Myanmar có sự “chống lưng” của trọng tài. Thu Hiền xứng đáng với lời khen của ông Lâm Quang Thành, trưởng đoàn thể thao Việt Nam: “Phạm Thị Thu Hiền là VĐV trẻ tiềm năng của Taekwondo Việt Nam, xứng đáng được đầu tư lâu dài để hướng đến mục tiêu Olympic 2016 và sau đó là chiếc HCV tại ASIAD 2019 mà Việt Nam đăng cai”.

Nhung doa hong ngat huong

Đôi chân trần của Phạm Thị Bình là tâm điểm của truyền thông quốc tế tại SEA Games 27 (ảnh: Dư Hải)

Sự trở lại ngọt ngào

Vũ Thị Hương và Vũ Thị Nguyệt Ánh đều từng trải qua những thời điểm khốn khổ vì bệnh tật và chấn thương. Hai cô vốn được xem là VĐV xuất sắc nhất trong thế hệ của mình, một người là “Nữ hoàng tốc độ”, người kia là “Nữ hoàng Karate”. Chấn thương đầu gối nặng đến mức phải lên bàn mổ, không ai dám tin Nguyệt Ánh lại thi đấu dịp này. Thế nhưng, Nguyệt Ánh vẫn thắng hết đối thủ này đến đối thủ khác… Cuối cùng, Nguyệt Ánh trở thành một trong những VĐV “giàu vàng” nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam với sáu chiếc HCV SEA Games và một HCV Asian Games. “Thế là quá đủ với tôi! Sau SEA Games này tôi sẽ giã từ sàn đấu để dành cơ hội cho đàn em”, Nguyệt Ánh nói.

Nhung doa hong ngat huong

Sự trở lại ngọt ngào của Vũ Thị Nguyệt Ánh...

Chỉ cách đây vài tháng, những ai biết Vũ Thị Hương vẫn còn nghĩ cô đã vĩnh viễn chia tay đường chạy. Không chỉ vì chấn thương khi tập luyện và thi đấu mà còn vì căn bệnh u nang buồng trứng, vốn ảnh hưởng lớn đến việc tập luyện với cường độ cao. Hương vừa giải phẫu để chữa bệnh cách nay vài tháng. Khi chỉ vừa tạm bình phục, cô trở lại sân tập trong sự ái ngại của mọi người. “Tôi làm được!”, Hương chỉ nói thế khi có ai hỏi về sức khỏe của mình. Hai chiếc HCV đã thật sự đưa Vũ Thị Hương trở lại danh hiệu “Nữ hoàng tốc độ”.

Nhung doa hong ngat huong

...và "nữ hoàng tốc độ" Vũ Thị Hương (ảnh: Dư Hải)

Khi Phạm Thị Bình bắt đầu những mét đầu tiên trong cuộc đua marathon, nhiều phóng viên không thể tin vào mắt mình: cô gái nhỏ bé đó chạy bằng đôi chân trần, “nuốt” chặng đường 42,195km trên những con đường đổ bê tông cứng (chứ không phải tráng nhựa). Việc một cô gái chạy chân trần ở nội dung marathon đã là quá kỳ lạ, nhưng từ kỳ lạ đã trở thành kỳ diệu khi Bình chiến thắng các đối thủ khác để đoạt HCV. “Từ nhỏ tôi đã quen chạy không giày dép gì cả. Nhà nghèo, làm gì có giày dép như bạn bè”, cô gái 24 tuổi người Quảng Ngãi này nói về thói quen chạy chân trần của mình đơn giản như thế.

Kỳ diệu hơn là cô thi đấu cự ly được xem là gian khổ nhất của môn điền kinh với trái tim tật nguyền. Phạm Thị Bình từng được các bác sĩ khuyến cáo ngừng việc tập luyện và thi đấu vì một khuyết tật ở tim nhưng, cô vẫn “ngoan cố” và xoay xở bằng mọi cách để phẫu thuật tim hồi năm 2010.

 THIỆN NGA (Từ Myanamar)

Quảng Ngãi: Thưởng nóng 45 triệu đồng cho vận động viên Phạm Thị Bình

Ngày 19/12, ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi cho biết, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đồng ý thưởng 45 triệu đồng kèm bằng khen cho vận động viên (VĐV) Phạm Thị Bình về thành tích đạt huy chương vàng chạy marathon nữ. Phạm Thị Bình là VĐV đem về chiếc huy chương vàng đầu tiên của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 27. Bình quê ở thôn Tuyến Diêm 2, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Theo tin từ Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi, Sở sẽ tổ chức đón Phạm Thị Bình tại sân bay, đồng thời tổ chức lễ tuyên dương khen thưởng cho VĐV này.

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI