Làm thơ để răn dạy con cháu
Trời trở lạnh, thay vì đi bộ tập thể dục như thường lệ, cụ Nguyễn Văn Miên - 103 tuổi, ở xã Nghi Thái, TP Vinh, tỉnh Nghệ An - lấy giấy bút ra bàn để làm thơ tặng con cháu.
“Cùng nhau chồng vợ thuận hòa/ Nuôi con khôn lớn, cửa nhà lo toan/ Biết điều giữ đạo tam tòng/ Làm sai biết sửa mới là người khôn…”. Cụ Miên chậm rãi viết những dòng vừa sáng tác ra giấy để chúc mừng vợ chồng cháu dâu mới cưới từ nước ngoài về quê. Trên trăm tuổi, cụ vẫn có sức khỏe tốt, đầu óc minh mẫn, mắt sáng, viết chữ rất đẹp và vẫn thích làm thơ.
 |
Cụ Nguyễn Văn Miên cùng chắt nội làm thơ |
Cầm trên tay 2 tập thơ của mình được con cháu in thành sách, cụ Miên nói mình không phải nhà thơ mà chỉ viết để thỏa mãn đam mê. Những dịp đặc biệt, cụ vẫn thường làm thơ, viết ra giấy làm quà tặng cho con cháu, bạn bè.
“Con cháu đi làm cả ngày, mình rảnh, ở nhà cũng không biết làm gì nên ngồi đọc sách hoặc làm thơ cho vui thôi. Như thế này tôi thấy vui và khỏe hơn nhiều so với nằm trên giường” - cụ nói.
Thói quen này được cụ duy trì hàng chục năm qua. Thông qua những lời thơ mộc mạc, cụ Miên không chỉ làm lan tỏa tinh thần lạc quan, yêu đời mà còn nhẹ nhàng gửi gắm tới con cháu những điều hay lẽ phải.
Nguyễn Văn Quang - 15 tuổi, chắt nội cụ Miên - cho biết, cụ có thể “xuất khẩu thành thơ”, nội dung chủ yếu xoay quanh các vấn đề trong cuộc sống, phong cảnh quê hương và chúc thọ. Không mê thơ nhưng sau nhiều năm đọc thơ của cụ, Quang dần thích rồi mê. Không chỉ học được nhiều điều hay lẽ phải, Quang còn nhận được nhiều năng lượng tích cực mỗi khi cùng cụ làm thơ.
“Nhiều bữa trời lạnh quá, em chỉ muốn nằm đắp chăn xem phim cho ấm nhưng cụ vẫn ngồi đọc sách, làm thơ như bình thường. Chỉ cần nhìn cách cụ sống là em đã học được rất nhiều điều, đặc biệt là tính chịu khó, luôn cố gắng học tập” - Quang nói.
Ông Nguyễn Văn Ngọ - 75 tuổi, con trai cụ Miên - cho biết, cụ Miên sống bằng nghề nông, từng rất vất vả để nuôi 7 người con ăn học. Tuy vất vả nhưng cụ luôn căn dặn các con phải tu chí học hành, rèn luyện đạo đức. Cụ không bao giờ dùng đòn roi mà thường mượn chữ nghĩa để uốn nắn, răn dạy con cái.
Vâng lời dạy của cụ, cả 7 người con đều tu chí học hành, có việc làm ổn định trong cơ quan nhà nước. Truyền thống hiếu học đó được tiếp nối đến các thế hệ sau, nhiều cháu, chắt của cụ học đến tiến sĩ.
“Ông rất thích làm thơ tặng cho người thân, cháu, chắt. Có những cháu đi làm ăn xa, vài năm mới về thăm 1 lần nhưng chỉ cần nhìn một lúc là ông nhớ và tặng cho bài thơ ngay. Thơ ông làm có thể không hay nhưng luôn là những lời dạy bảo đắt giá để các thế hệ trong gia đình trui rèn đạo đức, tu chí học hành, đoàn kết, yêu thương nhau” - ông Ngọ nói.
Dịp tết, cháu chắt ở xa về thăm, biếu tiền nhưng cụ Miên đều từ chối vì “tuổi này lấy tiền làm gì nữa”. Cụ chỉ mong cháu chắt tu chí làm ăn, ổn định cuộc sống.
Truyền năng lượng tích cực
97 tuổi, cụ Nguyễn Thị Huynh - ở xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh - vẫn “nổi như cồn” trên mạng xã hội, trở thành nguồn cảm hứng sống tích cực cho cộng đồng.
 |
Cụ Nguyễn Thị Huynh đều đặn đến phòng gym tập thể dục, chạy bộ |
Cụ Huynh được cư dân mạng biết đến với biệt danh “cụ Tứ”. Không chỉ rất minh mẫn, cụ còn đều đặn đi bộ mỗi sáng, đi bơi, tập gym hăng say và đặc biệt là đi du lịch “tung tăng khắp miền” cùng con cháu. Ở mỗi điểm đến, cụ không ngại khoác lên mình những bộ đồ bản xứ, tạo dáng chụp hình, quay phim.
Cụ Huynh rất mê tập thể dục, đặc biệt là bơi, chạy bộ. Cụ nói, trước đây, cụ sống vất vả, lam lũ với đồng ruộng nên thường tranh thủ chạy bộ quanh làng để rèn luyện sức khỏe. Thói quen đó vẫn được cụ duy trì đều đặn đến nay. Ngoài tập thể dục, cụ thường giành quét nhà, rửa chén, hái rau... bởi “ngồi một chỗ là thấy buồn chân buồn tay”.
Cụ nói: “Tập thể dục đều đặn giúp mình cảm thấy khỏe, tinh thần thoải mái, ăn uống ngon miệng hơn. Tôi thường kéo cháu, chắt chạy bộ cùng để rèn luyện sức khỏe”.
Anh Võ Tá Nam - cháu nội cụ Huynh - cho biết, cụ Huynh vẫn đều đặn đi bộ, chạy bộ từ 15-30 phút sáng và chiều, chỉ trừ những hôm mưa to: “Sáng nào, bà cũng dậy từ 5g30 để tập thể dục. Đây là điều mà con cháu trong nhà học theo”.
Gần đây, thời tiết thất thường, sợ để cụ chạy bộ ngoài trời không tốt, anh Nam chở cụ đến phòng gym để chạy bộ trên máy. Những ngày đầu, cụ hơi ngại vì phòng gym toàn người trẻ, nhưng lâu dần, cụ thấy thích, cười đùa vui vẻ với “bạn tập”. Gần 100 tuổi, sải bước của cụ vẫn dẻo dai, thuần thục. Ngoài chạy bộ, cụ còn tập nâng tạ, đu xà đơn, xà kép có trợ lực theo hướng dẫn của huấn luyện viên.
Cụ Huynh cũng không ngại đi ăn vặt cùng cháu chắt, tạo kiểu dáng khi du lịch cùng con cháu. Nửa năm qua, các video chạy bộ, tập thể dục, bơi, tập gym của cụ Huynh được con cháu quay lại, đăng lên mạng xã hội, thu hút hàng triệu lượt xem. Nhiều người ngỡ ngàng, bày tỏ sự khâm phục với cụ và chúc cụ luôn vui, khỏe, hạnh phúc và mong muốn con cháu cụ đăng nhiều video hoặc phát video trực tiếp (live stream) lên mạng để có động lực tập thể dục.
Thỉnh thoảng, cụ Huynh cũng tham gia các hoạt động thể dục, thể thao do UBND phường Thạch Trung tổ chức và cùng con cháu tham gia một số giải chạy marathon để truyền cảm hứng cho mọi người. “Bà thích lắm, nhưng chúng tôi chỉ đăng ký để bà chạy cho vui thôi chứ không đặt nặng thành tích” - anh Nam nói.
Cùng vợ nấu ăn, làm vườn ở tuổi 87 Hơn 2 năm qua, ông Nguyễn Văn Bảy - 87 tuổi, ở xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An - được nhiều cư dân mạng xem như thần tượng bởi những video “tình bể bình” do cháu ngoại đăng tải trên mạng xã hội. Đều đã ngoài 80 tuổi nhưng vợ chồng ông Bảy vẫn ngày ngày chăm sóc nhau, vun vén tình cảm, tìm niềm vui từ những điều giản dị nhất như cùng nhau nấu ăn, làm vườn, chăm đàn gà…  | Ông Nguyễn Văn Bảy vừa trò chuyện, vừa chải tóc cho vợ |
Chị Vũ Thị Cẩm Ly - 27 tuổi, cháu ngoại ông Bảy - nói, ông bà ngoại là thần tượng của cháu chắt, truyền năng lượng tích cực cho cháu chắt. Thỉnh thoảng, ông gọi các cháu tới nhà nấu và ăn những món ăn xưa để nhắc nhở thế hệ trẻ về những ngày gian khó của cha ông mình, từ đó nỗ lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Chị Cẩm Ly từng là nhân viên văn phòng, từng chán nản do áp lực công việc nhưng khi về quê, nhìn cách ông bà chăm sóc nhau, thấy cuộc sống trôi qua nhẹ nhàng, hạnh phúc, chị mới tìm được năng lượng tích cực. Năm 2023, chị quyết định nghỉ việc, về quê lập nghiệp. Những lúc rảnh, chị Cẩm Ly quay lại những khoảnh khắc ông bà ngoại chăm sóc nhau, đặc biệt là cảnh ông Bảy vào bếp nấu những món ăn dân dã cho vợ. Không ngờ, khi đăng lên mạng (kênh TikTok “Bếp có ông”), các video này nhận được rất đông lượt xem, lượt thích (like). Chị cho hay, ngoài mục đích lưu giữ những khoảnh khắc đẹp của ông bà, chị cũng muốn những thước phim bình dị này có thể giúp những người gặp áp lực trong cuộc sống tìm được những khoảnh khắc bình yên. |
Phan Ngọc