Những cái ôm thời COVID-19

26/02/2021 - 14:46

PNO - Những cái ôm thời COVID-19 không giống những cái ôm thời xã hội còn bình yên. Nó được “chuyển đổi số” bằng những ATM gạo, những cứu trợ tức thời… kể cả bằng những thứ tưởng chừng như “vô bổ”: những cái like, cái share trên mạng xã hội.

Không phải đến lúc Hà Nội rộn rã giải cứu nông sản cho nông dân Hải Dương hay Thái Bình hỗ trợ Hải Dương trang thiết bị phòng, chống COVID-19 trị giá 1 tỷ đồng… mới là cả nước thương Hải Dương, hướng về Hải Dương. Trước đó, đào tết Hải Dương hay những đội ngũ nhân viên y tế từ Đà Nẵng, Hà Nội cũng đã lên đường. Hải Dương chưa bao giờ cô đơn. Những cái ôm dành cho Hải Dương chưa khi nào thu hẹp lại. Dẫu COVID-19, dù Hải Dương phải cách ly thì những cái ôm, bằng nhiều hình thức vẫn được gửi trao, mỗi ngày.

Nông sản từ Hải Dương đã được cộng đồng giải cứu nhanh chóng - Ảnh: INternet
Nông sản từ Hải Dương đã được cộng đồng giải cứu nhanh chóng - Ảnh: Internet

Những cái ôm thời COVID-19 không giống những cái ôm thời xã hội còn bình yên. Nó được “chuyển đổi số” bằng những ATM gạo, những cứu trợ tức thời… kể cả bằng những thứ tưởng chừng như “vô bổ”: những cái like, cái share trên mạng xã hội.

Like miễn phí thật, share miễn phí thật, chúng không thể đổi thành gạo, mì, tiền bạc nhưng khi được đặt đúng chỗ thì giá trị… không tiền nào mua được. Như khi đó là lời kêu gọi giải cứu nông sản cho nông dân Hải Dương. Mỗi cái like lúc đó trở thành công cụ truyền thông hữu hiệu, giúp bài viết lan tỏa hơn.

Chẳng thế mà điểm giải cứu nông sản số 157 Lạc Nghiệp, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tấp nập từ 8g sáng. Chính những cái like, share đã giúp nhiều người biết đến, tới nơi; riêng nhóm thiện nguyện Mùa thu và những người bạn đã tiêu thụ được gần 2,9 tấn ổi Thanh Hà, hơn 1 tấn su hào, gần 700kg cà chua, 600kg bắp cải, 5.000 quả trứng gà.

Nếu không có những cái like, share, liệu cuộc giải cứu đó có thành công?

Chị Nguyễn Thu Hoài (30 tuổi) nói với báo chí rằng: “Mình cùng chồng đến điểm bán ủng hộ nông sản giúp bà con Hải Dương vì mình hiểu hoàn cảnh người nông dân đang rất khó khăn. Mua xong, mình nhắn ngay lên mạng xã hội để mọi người đến ủng hộ nhiều hơn nữa”.

Mỗi Facebooker đã trở thành một que diêm cùng thắp lên ngọn lửa và lan tỏa hơi ấm đến hàng vạn, hàng triệu bạn bè khắp nơi. 

Những cái ôm số thời COVID-19 có giá trị tương đương cái ôm thực sự ngoài đời. Người ta chẳng phải dùng cái ôm để truyền đi thông điệp ủng hộ, vỗ về, yêu thương và tin cậy đó sao? Nên những bài viết kêu gọi không kỳ thị, phân biệt đối xử hay trách cứ Hải Dương luôn nhận được nhiều cái ôm như thế bằng hàng chục ngàn like, hàng chục ngàn share.

Tôi tin rằng, bất cứ ai là người Hải Dương hẳn sẽ ấm lòng khi đọc và thấy số like, số share lớn như thế. 

Ngày mọi người trở lại thành phố làm việc sau kỳ nghỉ tết, giữa những lời này tiếng nọ từ sự lo lắng “người từ vùng dịch Hải Dương”, tôi lại thấy chính những người Hải Dương kêu gọi nhau nghiêm túc đi xét nghiệm và khai báo y tế. Những người Hải Dương ở khắp nơi trên đất nước đều hướng về Hải Dương bằng việc xây dựng hình ảnh người Hải Dương. Xét nghiệm không chỉ vì an toàn cho chính bản thân mà còn là để không có người Hải Dương nào mang dịch lây cho người khác, dù họ đang sống ở bất cứ đâu trên đất nước này và tết rồi họ chưa về quê. Đó là một hành động quá đẹp trong việc hướng về quê nhà. Để đánh tan đi những lời này tiếng nọ về người Hải Dương.

Vậy thì sao chúng ta, những người không phải quê Hải Dương lại không học tập họ bằng việc khai báo y tế, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, rửa tay khử khuẩn, giữ khoảng cách như thông điệp 5K của Bộ Y tế? Đó cũng là một hành động thiết thực hướng về Hải Dương đấy thôi, rằng chúng ta an toàn để đội ngũ nhân viên y tế tập trung lo cho Hải Dương, để lời hẹn ngày 5/3/2021 Hải Dương sạch bóng COVID-19 sẽ thành hiện thực, tại sao không? 

Hoàng Anh Tú

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI