Những bước tiến mới trong nghiên cứu ung thư

08/01/2023 - 06:00

PNO - Thế giới đã có những bước ngoặt mới, từ tính khả thi của vắc xin cho đến các tiến bộ trong liệu pháp miễn dịch nhằm ức chế tế bào ung thư phát triển.

 

 

Vắc xin dựa trên công nghệ mRNA của Moderna giúp giảm 44% khả năng tái phát khối u ác tính, kết quả đáng khích lệ này giúp giới chuyên môn tiếp cận tốt hơn với phương pháp điều trị, tiến tới phòng ngừa ung thư - ẢNH: BIOPHARMA
Vắc xin dựa trên công nghệ mRNA của Moderna giúp giảm 44% khả năng tái phát khối u ác tính, kết quả đáng khích lệ này giúp giới chuyên môn tiếp cận tốt hơn với phương pháp điều trị, tiến tới phòng ngừa ung thư - Ảnh: BIOPHARMA

Quan hệ hỗ tương giữa công nghệ vắc xin COVID-19 và ung thư

Bình thường, hầu hết vắc xin cần ít nhất 10-15 năm để phát triển. Đại dịch COVID-19 đã giúp các loại vắc xin phòng SARS-CoV-2 được đưa ra thị trường toàn cầu trong chưa đầy 1 năm. Có được sự “thần tốc” này, một phần là do các nhà khoa học đã làm việc trong nhiều thập niên trước đây để phát triển các loại vắc xin tương tự trong nghiên cứu ung thư.

Một trong số các công nghệ phổ biến là mRNA giúp tế bào miễn dịch nhận biết và tiêu diệt những “kẻ xâm nhập” cơ thể, như vi rút hoặc khối u. Tuy nhiên, trong trường hợp ung thư, các tế bào đều không giống nhau và vắc xin ung thư được tiếp cận gần như một phương pháp điều trị hơn là phòng ngừa.

Với những bước nhảy vọt trong công nghệ mRNA và kiến thức thu được từ nghiên cứu thuốc phòng ngừa COVID-19, các nhà khoa học kỳ vọng sẽ vượt qua được các thách thức trên con đường tìm kiếm vắc xin ung thư.

Liệu pháp miễn dịch tế bào CAR-T chỉ được FDA Hoa Kỳ chấp thuận vào năm 2017, nhưng trước đó khá lâu, công nghệ này đã là một trong những phương pháp điều trị hứa hẹn nhất đối với nhiều loại ung thư. Vào năm 2010, hai bệnh nhân ung thư máu đã được áp dụng liệu pháp tế bào CAR-T. Đến nay, những bệnh nhân này vẫn đang sống và tình trạng bệnh đã thuyên giảm. Tại cuộc họp báo công bố kết quả hồi tháng 2/2022, bác sĩ David Porter (Đại học Pennsylvania, Mỹ) phải thốt lên: “Liệu pháp đã vượt quá tất cả mọi sự mong đợi điên rồ nhất của chúng tôi”.
Dù CAR-T không hiệu quả với tất cả mọi người, nhưng đã được chứng minh có hiệu quả cao đối với một số bệnh ung thư. Đến tháng 9/2022, các nhà nghiên cứu cho biết có 5 bệnh nhân mắc lupus tự miễn đã được điều trị bằng tế bào CAR-T và dường như đã thiết lập lại được hệ thống miễn dịch, loại bỏ các triệu chứng trước đó.

Toàn diện hơn trong các thử nghiệm ung thư vú 

Càng ngày, các nhà khoa học càng nhận ra các yếu tố như chủng tộc, dân tộc và giới tính ảnh hưởng thế nào đến nguy cơ mắc bệnh của một người và phản ứng sau đó đối với việc điều trị. Bác sĩ phẫu thuật ung thư vú Laura Esserman (Đại học California, Mỹ) đã đưa ra một thử nghiệm có tên WISDOM.

Qua đó, bà cho rằng thay vì phụ nữ phải đi tầm soát ung thư vú hằng năm, WISDOM sẽ tính toán “điểm rủi ro” kết hợp tuổi, tiền sử sinh sản, bệnh sử gia đình, mật độ và bối cảnh di truyền của một người để xác định tần suất họ nên chụp tuyến vú.

Thành phần tham gia thử nghiệm của Esserman là một nhóm đa dạng chủng tộc. Nghiên cứu của bà áp dụng cách suy nghĩ mới và tương tác với từng bệnh nhân, bao gồm ý kiến ​​đóng góp của những phụ nữ da đen. Các thử nghiệm lâm sàng trước đây thường có đến 90% người tham gia là phụ nữ da trắng. “Dù là bước tiến, công nghệ mới thì cũng phải xây dựng sự công bằng trong các thử nghiệm. Bằng không, các liệu trình có thể không giúp ích gì cho nữ bệnh nhân đa sắc tộc và trên thực tế còn khiến kết quả trở nên tồi tệ hơn” - Esserman nói.

Năm 2020, một số nhóm nghiên cứu độc lập lưu ý rằng, từ lâu các khối u được cho là vô trùng, thực tế chứa đầy vi khuẩn. Bên cạnh đó, qua việc xem xét thành phần hệ vi sinh vật khối u, trong năm 2022, các nhà khoa học còn chuyển sự chú ý sang phần nấm. Họ xác định nấm có trong khối u của hơn 40 loại ung thư khác nhau. Kết quả đã gây ngạc nhiên giới nghiên cứu. Kể từ đó, các nhà khoa học lưu ý rằng, tập hợp được tìm thấy trong một khối u, bao gồm vi rút, vi khuẩn và nấm… thường là duy nhất đối với loại ung thư nào đó. Nhờ vậy, giờ đây người ta có thể sử dụng hệ vi sinh vật của khối u để phát hiện và theo dõi ung thư sớm hơn, chẩn đoán các trường hợp khó và phát triển các liệu pháp điều khiển hệ vi sinh vật nhằm tiêu diệt ung thư hoàn toàn, hoặc ít nhất làm cho nó hiệu quả hơn với các phương pháp điều trị hiện có.

Nam Anh
(theo Science News, The New York Times, The Scientist)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI