Những bạn trẻ mang giấc mơ nông sản Việt

21/01/2023 - 07:17

PNO - Dù ở đồng bằng hay miền núi, họ - những người trẻ có chung ước muốn nâng cao giá trị nông sản địa phương, giúp bà con nông dân tránh cảnh “được mùa, mất giá”. Họ đã mạnh dạn thành lập hợp tác xã, chuyển đổi cách canh tác, ứng dụng công nghệ, tận dụng nguồn nguyên liệu tưởng chừng bỏ đi... để tạo nên những sản phẩm chất lượng, tiêu thụ tốt ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Niềm vui của cô gái Tày sinh năm 1977 Phan Thị Tố Mười là đã tạo được việc làm cho bà con  khi cùng tham gia sản xuất bún ngũ sắc
Niềm vui của cô gái Tày sinh năm 1997 Phan Thị Tố Mười là đã tạo được việc làm cho bà con khi cùng tham gia sản xuất bún ngũ sắc

Từ mận ruby tới bún ngũ sắc

Là cô giáo dạy hóa nhưng chị Bùi Phương Thanh (sinh năm 1985, ở xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) luôn trăn trở trước cảnh những quả mận hậu, lê, hồng, nhãn... gia đình mình và bà con nông dân trồng phải bán giá rẻ, bị thương lái ép giá. Nguyên nhân là do chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đó là lý do chị quyết tâm tìm cách đổi mới để nâng cao giá trị cho đặc sản quê hương.

Nghĩ là làm, cách đây 8 năm, dù dạy học bận rộn, Thanh vẫn tranh thủ thời gian rảnh để làm vườn, và cùng bà con quy hoạch vùng trồng mận hậu canh tác hữu cơ, ứng dụng công nghệ, tạo ra giống mận ruby có giá trị cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. 

Với sản lượng trung bình khoảng 200 tấn mận/năm, hợp tác xã của chị Thanh hiện cung cấp mận Ruby cho nhiều đơn vị chuyên phân phối lớn khắp cả nước, đồng thời đã xuất khẩu sang Singapore, Malaysia... và đang ấp ủ kế hoạch xuất khẩu mận Ruby sang EU trong năm tới. Ngoài mận hậu, hợp tác xã còn có giống mận Punhi (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) được nhiều người tiêu dùng so sánh “không thua kém cherry”.

Bùi Phương Thanh tự hào giới thiệu sản phẩm mận Ruby chất lượng do chị và bà con địa phương quy hoạch trồng để tăng giá trị cho đặc sản mận hậu Sơn La
Bùi Phương Thanh tự hào giới thiệu sản phẩm mận Ruby chất lượng do chị và bà con địa phương quy hoạch trồng để tăng giá trị cho đặc sản mận hậu Sơn La

Trong khi đó, câu chuyện “Chế biến bún ngũ sắc” của cô gái Tày Phan Thị Tố Mười (sinh năm 1997, ở Bắc Kạn) là điển hình cho thanh niên khởi nghiệp miền núi khu vực phía Bắc. Sản phẩm bún khô được làm từ gạo Bao Thai do bà con dân tộc Tày ở xã Công Bằng trồng nên bún làm ra có hương thơm đặc trưng, sợi dai và độ trong nhất định. Chất tạo màu cho bún được làm từ các loại rau củ quả như: bí đỏ, lá cẩm, hoa đậu biếc, chùm ngây… Bún khô ngũ sắc khi nấu lên, ngoài hương vị, màu sắc đẹp, đặc biệt vẫn giữ được độ dai như bún truyền thống. 

“Hiện, sản phẩm bún khô của chúng tôi đã có tem truy xuất nguồn gốc và có mặt tại nhiều tỉnh, thành như TPHCM, Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Bắc Ninh….” - chị Tố Mười chia sẻ.

Món lạ từ mít, sữa

Từ nguyên liệu chủ lực là trái mít, cô cử nhân hóa học Cao Thị Cẩm Nhung (sinh năm 1987, ở Hậu Giang) có thể làm ra các sản phẩm khô mít, snack mít, pa tê mít, bánh phồng mít, thác lác mít, dưa chua mít, chả mộc mít... với thương hiệu Lemit Foods và bán rộng khắp cả nước, được người tiêu dùng đón nhận. Đặc biệt, các thành phần múi, xơ, hạt, cùi... mít đều được sử dụng làm nguyên liệu chế biến sản phẩm. Nhung còn nghiên cứu kết hợp mít với khoai sọ, nấm, đậu, rau mùi, gia vị... để tăng độ ngon cho sản phẩm, và tránh dùng chất bảo quản, hương liệu.

Bắt đầu với 10ha mít của gia đình ở Hậu Giang, Nhung liên kết với bà con mở rộng thêm vùng nguyên liệu dự kiến lên 30ha, vừa bán mít nguyên trái, vừa tận dụng lượng mít phải cắt bỏ đi để tạo ra các sản phẩm kể trên. Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc trong ngành thực phẩm, Nhung quyết định ứng dụng công nghệ, “biến” mít thành pa tê để thay thế thịt động vật, đồng thời làm thêm nhiều sản phẩm khác cũng từ mít với mong muốn đa dạng nhóm thực phẩm chay, thêm lựa chọn cho người tiêu dùng.

Nguyễn Trường Thịnh tự tin sản phẩm sữa chua đông khô mà anh và cộng sự làm được sẽ cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại nhập khẩu
Nguyễn Trường Thịnh tự tin sản phẩm sữa chua đông khô mà anh và cộng sự làm được sẽ cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại nhập khẩu

Chàng trai trẻ sinh năm 1992 Nguyễn Trường Thịnh (TPHCM) cũng không thể ngồi yên khi chứng kiến cảnh nông dân phải đổ bỏ sữa bò khi dịch COVID-19 ập đến, việc buôn bán khó khăn. Với truyền thống gia đình hơn 25 năm làm phô mai từ sữa tươi cung cấp cho nhà hàng, khách sạn; cộng với chuyên môn học ngành kinh tế và mày mò tìm hiểu, từ năm 2020, Thịnh quyết tâm ứng dụng công nghệ sấy đông khô vào sản xuất chế biến nông sản, bắt đầu với sản phẩm sữa chua đông khô - mặt hàng khá phổ biến trên thế giới nhưng lại có ít ở thị trường Việt Nam. 

Hiện, Thịnh và cộng sự thu mua trung bình 500 lít sữa/ngày/hộ của một số hộ tại huyện Hóc Môn, TPHCM. Ngoài làm sản phẩm sữa chua đông khô, nhóm bạn còn chuyển giao quy trình sản xuất phô mai và sấy khô sữa chua cho các hộ chăn nuôi. Cuối năm 2020, công nghệ đã chuyển giao thành công cho những hộ nông dân nuôi dê ở Hậu Giang và Tiền Giang. Theo Thịnh, việc kết hợp 4 công nghệ chăn nuôi, chế biến, lên men, sấy thăng hoa vào một quy trình giúp tạo được sản phẩm chất lượng, có giá thành tốt.

Niềm vui của chàng trai này là đã đồng hành cùng bà con nông dân vượt qua khó khăn trong mùa dịch, và xây dựng, áp dụng quy trình chăn nuôi tối ưu để cho nguyên liệu sữa đạt chất lượng mới làm ra được sản phẩm chất lượng. Sau nhiều khó khăn, hiện Thịnh đã nhận được sự tin tưởng, đồng hành của nông dân. Các hộ làm theo đúng quy trình chăn nuôi Thịnh đề nghị, đảm bảo từ thức ăn chăn nuôi, thuốc, chuồng trại tới thời gian, quy cách vắt sữa cho nguyên liệu sữa chất lượng, phù hợp để làm sản phẩm.

Cao Thị Cẩm Nhung cho biết  sẽ cùng nông dân sản xuất  nguyên liệu, cung ứng  cho những đơn vị  chuyên chế biến  thực phẩm để đạt  hiệu quả doanh thu,  giúp bà con có thu nhập  ổn định
Cao Thị Cẩm Nhung cho biết sẽ cùng nông dân sản xuất nguyên liệu, cung ứng cho những đơn vị chuyên chế biến thực phẩm để đạt hiệu quả doanh thu, giúp bà con có thu nhập ổn định

Bằng nhiệt huyết, kiến thức và nỗ lực không ngừng, những bạn trẻ ấy đang làm ra các sản phẩm độc đáo, chất lượng nâng cao từ các nguyên liệu quen thuộc, đủ để bước vào cuộc cạnh tranh trên thị trường trong nước và sẵn sàng tiến ra thế giới. 

Những dự án khởi nghiệp từ miền núi của các bạn trẻ có giá trị rất lớn. Ngoài mang giá trị văn hóa cộng đồng, dự án còn chứa đựng nhiều tiềm năng tài nguyên cụ thể của từng khu vực miền núi, chuyển tải được thông điệp rõ ràng: “Các sản phẩm của đồng bào dân tộc nói chung còn dư địa và tiềm năng phát triển rất lớn; được thị trường đón nhận, đặc biệt là những sản phẩm đạt chất lượng cao, tạo được thương hiệu đặc sản vùng miền”.

Ông Hà Việt Quân, Chánh văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia

Hiện nay, có khá nhiều bạn trẻ khởi nghiệp nông nghiệp đã đưa công nghệ chế biến vào sản phẩm, góp phần tạo nên sản phẩm mới lạ, làm gia tăng giá trị trên thị trường. Điều này đang đi đúng xu hướng thế giới.

Chuyên gia Trần Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu ứng dụng và Đổi mới sáng tạo 3AI

Bài và ảnh: Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI