Nhức nhối bệnh trầm cảm sau sinh, nhìn từ vụ mẹ ôm con nhảy từ tầng 24

18/10/2017 - 08:31

PNO - Trầm cảm sau khi sinh ảnh hưởng đến phụ nữ trên khắp thế giới, nhưng ở Trung Quốc điều này còn tạo ra một vấn đề xã hội phức tạp.

Cô gái ấy là một người nội trợ 27 tuổi, sống cùng chồng và con trai trong một ngôi nhà cao tầng ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây.

Vào một ngày tháng trước, cô ôm con nhảy xuống đất từ tầng 24 của tòa nhà, cả hai mẹ con đều chết. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin người phụ nữ là nạn nhân của chứng trầm cảm sau sinh đứa con trai 5 năm trước.

Cái chết thảm thương của hai mẹ con làm nóng trở lại vấn đề trầm cảm sau sinh vốn đang là đề tài thu hút sự chú ý của công chúng ở Trung Quốc trong những tháng gần đây.

Nhuc nhoi benh tram cam sau sinh, nhin tu vu me om con nhay tu tang 24
Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng đến phụ nữ trên khắp thế giới, nhưng ở Trung Quốc đại lục điều này còn tạo ra một vấn đề xã hội phức tạp - Ảnh: SCMP

Nhiều bà mẹ bị rối loạn tâm trạng sau khi sinh con, nhẹ là “nỗi buồn sau niềm vui có em bé”, còn nặng là trầm cảm.

Các triệu chứng có thể bao gồm cảm giác ngưng kết nối, cảm giác tội lỗi hoặc không liên kết với em bé, nguyên nhân gây ra tình trạng này rất phức tạp, nhưng có thể là sự kết hợp các yếu tố sức khỏe, cảm xúc và môi trường.

Trầm cảm sau sinh là một vấn đề phổ biến đối với các bà mẹ trên toàn thế giới, nhưng phụ nữ Trung Quốc còn phải đối mặt với những “thách thức kèm theo”, do kỳ vọng xã hội và thái độ đối với việc tư vấn.

Theo nhà xã hội học học Zhou Yun, một trong những thách thức đó là áp lực phải phù hợp với giới tính và vai trò trong gia đình trong khi vẫn phải đi làm bên ngoài xã hội.

Cô Zhou cho biết tỷ lệ đi làm của phụ nữ Trung Quốc khá cao so với các nước châu Á khác, đặc biệt đối với những phụ nữ hoàn thành giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, nhiều người phải làm thêm “ca hai” tại nhà.

"Nghiên cứu cho thấy phụ nữ Trung Quốc làm việc nhà và nuôi dạy con cái nhiều hơn nam giới. Nhiều phụ nữ còn phải làm thêm công việc thứ hai, khiến họ phải mang trên vai gánh nặng gấp đôi”, cô Zhou nói.

"Ở nhà, những người mẹ thường làm những công việc không tên nhưng kéo dài từ ngày này sang ngày khác, trong khi những ông bố đôi khi được coi là chia sẻ gánh nặng với vợ chỉ bằng việc …chơi với con”.

Định nghĩa của xã hội về "cha mẹ tốt" cũng khác nhau khi nói về nam giới hay phụ nữ.

Nhuc nhoi benh tram cam sau sinh, nhin tu vu me om con nhay tu tang 24
Phụ nữ Trung Quốc làm việc nhà và nuôi dạy con cái nhiều hơn nam giới - Ảnh: Getty Images

"Chẳng hạn, có một truyền thống lâu đời ngợi ca những 'người mẹ vĩ đại' vì sự tận tụy quên mình của họ.

Về cơ bản, điều này thúc đẩy ý tưởng về một người mẹ hy sinh nhu cầu của chính bản thân mình cho những thành viên khác trong gia đình. Nhưng khó đưa ra tiêu chuẩn tương tự cho những người đàn ông”, cô Zhou nói.

Ji Longmei, chuyên gia tư vấn tâm lý cao cấp tại Trung tâm tư vấn sức khoẻ tâm thần “Vườn tâm hồn” ở Thượng Hải cho biết, một yếu tố khác góp phần tạo nên các trường hợp trầm cảm sau sinh là tập quán truyền thống “tọa nguyệt tử”, tức là tuân thủ chế độ ăn uống và những kiêng cữ trong sinh hoạt sau khi sinh.

Cụ thể là, trong tháng đầu tiên sau sinh, sản phụ không được phép gội đầu, không uống nước lạnh và không ra khỏi nhà. Tập tục này đảm bảo cho người mẹ được nghỉ ngơi tuyệt đối, nhưng theo ông Ji, nó có thể gây nên những tác hại nhất định về tâm lý.

Ông cho biết, tập tục này có khả năng gây trầm cảm hay tâm trạng nặng nề, khi những người mới làm mẹ bị “giam cầm” ở nhà suốt cả ngày. Tâm trạng xấu sẽ không còn là vấn đề khi những phụ nữ này tận hưởng ánh nắng và khí trời, trò chuyện với bạn bè hoặc tập thể dục.

Trầm cảm sau sinh trở nên phức tạp hơn bởi thái độ của người Trung Quốc đối với sức khoẻ tâm thần.

Nhuc nhoi benh tram cam sau sinh, nhin tu vu me om con nhay tu tang 24
Nhiều bà mẹ bị rối loạn tâm trạng sau khi sinh con, nhẹ là “nỗi buồn sau niềm vui có em bé”, còn nặng là trầm cảm - Ảnh: Getty Images

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh Hoa Kỳ (CDC), 11-20% phụ nữ mới sinh con ở Mỹ báo cáo các triệu chứng chứng trầm cảm sau sinh. Mặc dù không có số liệu chính thức của Trung Quốc, nhưng theo các chuyên gia y tế con số này có thể dao động trong khoảng 10-15%.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý Ji Longmei, con số này ở Trung Quốc có thể cao hơn nhiều vì nhiều người không tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên môn.

Người Trung Quốc thường xấu hổ khi nói đến bệnh tật, và nhiều cha mẹ sẽ giữ bí mật nếu con của họ bị trầm cảm, bởi vì họ nghĩ rằng điều này sẽ ảnh hưởng không tốt khi con cái họ tìm việc làm hay ai đó muốn kết hôn.

Mặc dù có định kiến, nhưng số người đến gặp ông Ji để xin giúp điều trị trầm cảm sau sinh đã tăng lên trong những năm gần đây.

Còn theo cô Zhou, chuyên gia xã hội học, ngày càng nhiều phương tiện truyền thông nói về trầm cảm sau sinh là một dấu hiệu tốt, cho thấy mọi người bắt đầu chú ý hơn đến vấn đề này.

Tuy nhiên, trọng tâm lúc này là cần tập trung vào vấn đề chữa trị trầm cảm và đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh của các bà mẹ, chứ không phải đổ lỗi cho người phụ nữ làm tổn thương bản thân mình và con cái khi mắc bệnh.

Cẩm Hà (Theo South China Morning Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI