Như một lẽ tự nhiên

24/04/2023 - 06:11

PNO - Thời chiến tranh, cả dân tộc có chung niềm ước ao chiến tranh sớm kết thúc và đau đáu khát vọng hòa bình. Thời hòa bình, khát vọng phát triển, phồn vinh, hạnh phúc thôi thúc sự quan tâm chung của người Việt Nam đang sinh sống ở trong và ngoài nước.

Ngày 30/4/1975, Sài Gòn là điểm hẹn của hòa bình. Một cuộc chiến kết thúc mà thành phố gần như còn nguyên vẹn và ít đổ máu. Ông Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa - tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Tổng bí thư Lê Duẩn khi vào Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay, ông nắm tay đưa lên cao, nói với giọng đầy cảm xúc: “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai”. Trước đó, ông đã lưu ý: “Vấn đề lớn nhất cần phải làm sau chiến tranh là hòa hợp dân tộc”.

Buổi đầu của thời hòa bình, đất nước gặp vô vàn khó khăn, vì nhiều lý do, trong đó có lý do kinh tế, một bộ phận đã chọn ra đi và sau đó, nhiều người cũng đã trở về. Vượt lên mọi biến động và khó khăn, thử thách, nhiều người trong diện được bảo lãnh đã chọn ở lại vì biết rằng đất nước đang cần mình.

Từng tu nghiệp ở Mỹ, có gia đình bên vợ định cư ở nước ngoài, giáo sư, tiến sĩ y khoa Trần Đông A vẫn quyết định ở lại bởi “trẻ em Việt Nam cần tôi”. Ông đã có ít nhất 2 lần đứng trước sự lựa chọn đi hay ở (ngày 28/4/1975 có người sang nhà đón đi nước ngoài, năm 1980 có giấy bảo lãnh). Bất chấp lý lịch (từng là bác sĩ quân y chế độ cũ), bất chấp khó khăn, thiếu thốn về vật tư y tế, ông vẫn miệt mài làm việc, cống hiến, góp phần vào sự thành công của ca mổ tách cặp song sinh dính nhau Việt - Đức năm 1988 và nghiên cứu, thực hiện thành công những ca mổ ghép gan cho bệnh nhi sau này. Ông đã được bầu làm đại biểu Quốc hội 2 khóa XI, XII và được phong danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động. 

Sự phát triển, đổi mới đất nước chính là biểu tượng thuyết phục người dân sống trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Cao Kỳ - nguyên Phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa - đã trở về quê hương sau 30 năm xa xứ và rất vui vì thấy đất nước đổi mới, đi lên. Ông khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là chính sách đúng đắn của Chính phủ Việt Nam, trong đó xem kiều bào ta ở nước ngoài là một bộ phận của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Trong lần về nước năm 2008, ông đã lặng lẽ xếp hàng vào viếng tang đồng chí Võ Văn Kiệt tại hội trường Thống Nhất.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh - nguyên chuẩn tướng, Quyền tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa - luôn có những việc làm thiết thực, dù ở đâu, cương vị thế nào, vẫn luôn hướng về đất nước và dân tộc.

Thời của phát triển và hội nhập, đất nước thu hút nhiều sự đầu tư. Kiều bào trở về thăm thân nhân, đầu tư không chỉ tiền bạc mà còn chất xám, là mối dây liên hệ, nhịp cầu kết nối mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực về con người, về khoa học, công nghệ để xây dựng đất nước, quê hương. Có biết bao câu chuyện cảm động về sự đóng góp của kiều bào, trong đó có sự đóng góp hiệu quả vào công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa qua.

Chiến tranh đã lùi xa. Sự chung sức, đồng lòng đưa đất nước phát triển, phồn vinh, hạnh phúc đang là mối quan tâm chung của người Việt Nam. Sự khác biệt và khoảng cách trước đây - nếu có - trong một bộ phận người Việt giờ như được hóa giải, xích lại gần hơn bởi nhiều điểm tương đồng, bởi tấm lòng với quê hương, đất nước.

Hòa hợp dân tộc như một lẽ tự nhiên của những người cùng dòng dõi con Hồng cháu Lạc, cùng có truyền thống nhân văn, hòa hiếu. Sự hòa hợp dân tộc dựa trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt và không trái với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Hòa hợp dân tộc là hòa cùng nhịp với giai điệu tự hào của 2 tiếng Việt Nam. 

Phạm Phương Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI