Như chưa hề có cuộc chia ly: VTV đã lựa chọn “từ bỏ”?

10/07/2020 - 07:44

PNO - Một lần nữa, câu chuyện về truyền hình hiện đại, về giá trị công của truyền hình đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.

Chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) thông báo sắp phải ngừng phát sóng vì không có tài trợ. Hàng loạt báo đưa tin, nhiều người cảm thấy tiếc nuối, thậm chí không ít người đã khóc vì một cuộc chia ly đang chực chờ ngay trước mắt - với một chương trình - được xem là thương hiệu của VTV nhiều năm qua.

Ngay lập tức, kênh YouTube, trang fanpage của NCHCCCL nhận về một lượng bình luận, chia sẻ, thậm chí tin nhắn “bùng nổ”. Khán giả đề nghị được đóng góp để cứu lấy NCHCCCL. Với sự ủng hộ mạnh mẽ đó, chắc chắn, NCHCCCL sẽ được “giải cứu” bởi chính những khán giả ruột đồng hành với chương trình suốt 13 năm qua. Cần khẳng định, chỉ riêng điều đó thôi, đã là một thành công rất lớn của chương trình.

13 năm Như chưa hề có cuộc chia ly là 13 năm của những giọt nước mắt hạnh ngộ
13 năm Như chưa hề có cuộc chia ly là 13 năm của những giọt nước mắt hạnh ngộ

Nhưng NCHCCCL thành công (về mặt dư luận xã hội) bao nhiêu, càng cho thấy sự “thất bại” ngay chính sân nhà của mình bấy nhiêu. Nhiều người hỏi, vì sao, VTV - trong vị trí một đài truyền hình quốc gia - lại không “bảo vệ” cho chương trình? Sao sóng truyền hình “rộng đất” cho những gameshow hài, nhảm, vô bổ, lại “chật chội” với một chương trình nhân văn, tử tế? 

Như chưa hề có cuộc chia ly là lời nhắc nhở mạnh mẽ về giá trị công của truyền hình

NCHCCCL là chương trình hiếm hoi trong thời gian qua chứng minh được thế mạnh của truyền hình trong việc kể lại những câu chuyện lớn và giàu sức lay động về con người, xã hội và lịch sử Việt Nam trải suốt thế kỷ XX. Chương trình là lời nhắc nhở mạnh mẽ về giá trị công của ngành truyền hình.

Trước những khó khăn kinh tế và biến động nhanh chóng về hệ giá trị, hơn lúc nào hết, những người làm truyền hình cần phải liên tục tự vấn: chúng ta đang kể câu chuyện của ai? Chúng ta có cam kết đạo đức gì? Chúng ta phát sóng vì điều gì? Thế nào là một chương trình truyền hình hay? 

Từ rất lâu, những nhà nghiên cứu truyền thông trên thế giới đã chỉ ra rằng, rating và doanh thu quảng cáo chỉ là một trong vô số tiêu chí của một chương trình truyền hình hay. Một chương trình truyền hình tốt phải kể được câu chuyện của cuộc sống thường ngày, của những cộng đồng đa dạng, với chiều sâu lịch sử và vốn văn hóa dày dặn. Một chương trình truyền hình tốt đòi hỏi lao động thấu đáo, đặc biệt trong việc nghiên cứu và thu thập tư liệu. Một chương trình truyền hình tốt cần dung nạp vào nội dung của nó tiếng nói của những nhóm người thường bị gạt ra bên lề, những nhóm người thường bị lãng quên và kỳ thị. Một chương trình truyền hình tốt cần phải có năng lực kể chuyện bằng hình ảnh, phải làm chủ được đặc trưng thể loại, và phải có sức sáng tạo vượt xa hơn mục đích phục vụ thị trường. 

Chất lượng, sự thành công và sức lay động của NCHCCCL nhắc nhở chúng ta về tính giáo dục và tính nhân văn của truyền hình Việt Nam, điều tạo nên niềm tin và sự trân trọng của công chúng với ngành truyền hình. NCHCCCL là bằng chứng rõ ràng rằng một chương trình truyền hình tốt sẽ luôn được công chúng đón nhận và trân trọng, dù có thể không đạt được mức rating cao như một show truyền hình nhập format từ nước ngoài và đã bị thương mại hóa 
hoàn toàn”.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Giang, Viện Báo chí - Truyền thông, ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội

“VTV là một đài truyền hình, có thể chấp nhận bất cứ sáng kiến nào nhưng phải đúng chức năng của truyền hình. NCHCCCL không phải là show truyền hình, mà là hoạt động xã hội nhân đạo, ê-kíp chọn cách làm này thì chúng tôi phải gánh vác. Dừng lại là đề nghị của ê-kíp vì không đủ sức lo tiếp kinh phí cho việc tìm kiếm để tiếp tục. Trong chuyện dừng này không có lỗi của VTV“. Biên tập viên Thu Uyên nói đúng; nhưng chưa đủ. Khởi đi từ một sáng kiến, song với sự hiện hữu về mặt dấu ấn của mình suốt 13 năm qua, nhắc đến NCHCCCL, người ta luôn nhớ về nó như một thương hiệu của VTV. 

13 năm, bấy nhiêu con người đó, cả làm nội dung, cả xin tài trợ; hòng tạo ra và cố gắng gìn giữ một chương trình truyền hình ý nghĩa, đầy tính nhân bản, có sức lay động xã hội. Họ khiêm tốn gọi công việc của mình là một “sáng kiến”. 

Nếu không có tiền, thì chương trình sẽ phải dừng lại. 13 năm, họ thấp thỏm với số phận của nó cũng như của chính mình. Và thực sự, nó đã dừng lại trong 6 tháng cuối năm ngoái. Ngày 3/2 (29 Tết), chương trình trở lại, tiếp tục gắng gượng, nhưng cuối cùng vẫn phải kêu cứu mới đây.

NCHCCCL là chuyện của một nhóm người hay của toàn xã hội, cần chung tay? Khi chương trình đứng trước ngưỡng “tử”, VTV - “anh cả” của ngành truyền hình, cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng thông tin, sản xuất những chương trình truyền hình góp phần giáo dục, nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân - đã lựa chọn im lặng. 

Nên nhớ, trong lúc hàng loạt gameshow/chương trình truyền hình giải trí liên tục chễm chệ sóng khung giờ vàng trên các kênh truyền hình của VTV, thì NCHCCCL từ khung 20g của VTV1 bị chuyển sang khung 16g (thứ Bảy cuối mỗi tháng) trên kênh VTV9. Bằng quyết định chuyển dịch khung giờ phát sóng, VTV đã “rẻ rúng” luôn những thứ mà ta gọi là ý nghĩa, nhân văn hiếm có.   

3 tỷ đồng ủng hộ của ca sĩ Hà Anh Tuấn cũng “gia hạn” thêm một năm hoạt động của NCHCCCL, là con số rất nhỏ, so với giá quảng cáo giờ vàng của những bộ phim truyền hình và gameshow ăn khách mà VTV thu được trong những năm qua. Sao không tái đầu tư cho chính mình, để cân bằng chức năng giải trí và chức năng giáo dục thông qua những chương trình có sức nặng như NCHCCCL?    

Chúng ta khóc cho những người tử tế không được làm những điều tử tế cho cuộc đời. Nhưng cũng phải thẳng thắn mà nhìn ra, trong cuộc tiếp tạo giá trị ấy, VTV đã lựa chọn từ bỏ dần. Một lần nữa, câu chuyện về truyền hình hiện đại, về giá trị công của truyền hình đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. 

Bản cáo chung của những điều tử tế?

Ngày ba tôi mất, ông nói với mẹ: đừng bỏ cuộc. Hãy tìm luôn phần mộ bác tôi, vì ông sẽ chẳng thể nào yên lòng nhắm mắt nếu anh trai đang bơ vơ nơi nào đó. 

Chiến tranh, bà tôi mất, ba và bác lạc nhau. Từ đó, hễ gặp ai có chút liên quan, ba mẹ tôi cũng hỏi tin về bác. Ba mất, mẹ làm thay công việc dang dở đó. Thỉnh thoảng, mẹ lại ngồi trước hiên nhà, ánh mắt trống rỗng dán vào tàn cây trước mặt: “Không biết bác mày đang ở đâu?”. 

Đến một ngày, khi có người bảo “nghe đâu ở huyện X…”, chị dâu tôi vội vàng mang cuốn niên giám điện thoại dày cộm ra, mở khu vực huyện X, tìm từng chủ thuê bao mang họ Đặng của ba mà gọi. Chị gọi từng người một, cứ ai họ Đặng là chị gọi, mô tả đặc điểm, hoàn cảnh thất lạc, nguyên quán… Không nhớ đến người thứ mấy, sau khi chị nói lý do cuộc gọi, ở đầu dây bên kia, người đàn ông bắt đầu khóc. Ban đầu khóc nhỏ, sau khóc to... 

Vượn lên chính mình, một chương trình truyền hình nhiều ý nghã cũng đã ngừng phát sóng
Vượt lên chính mình, một chương trình truyền hình đầy tính nhân văn cũng đã ngừng phát sóng 

Vài ngày sau, một chiếc ô tô đỗ xịch trước sân nhà tôi. Người trên xe ào xuống, người trong nhà ùa ra, ôm nhau khóc. Hóa ra bác đã mất, cũng như gia đình tôi, con cái bác mấy chục năm qua vẫn tìm kiếm người chú theo lời dặn của ba mình, mà không biết tìm đâu...

Sau này, khi xem NCHCCCL, tôi mới biết hóa ra quanh mình có quá nhiều cuộc phân ly. Những cuộc phân ly dài cả đời người, dù ngày vẫn qua, người ta vẫn phải sống, nhưng một phần nào đó trong họ đã chết. Họ không may mắn như gia đình tôi, tìm được người thân của mình. 

Tôi tin, không có nỗi đau nào tàn khốc như lạc mất người thân. Nó ăn mòn từng người trong cuộc mỗi ngày một ít. Như biên tập viên Thu Uyên đã nói, chia ly người đang sống đáng sợ hơn chia ly người đã mất. Có lẽ đó là lý do chương trình NCHCCCL không thể tiếp tục vì không có kinh phí, lại gây xáo động đến vậy. Chương trình hiện đang còn 30.000 hồ sơ chưa thể xử lý, nghĩa là hơn từng đó con người không còn có thêm cơ hội tìm lại người thân…

“Cái chết lâm sàng” của Như chưa hề có cuộc chia ly (may thay, đang được nhiều người cố gắng hồi sinh), chỉ là một cuộc ra đi nữa của chương trình truyền hình tử tế. Giữa ngồn ngộn những gameshow hẹn hò, hài nhảm, hát ca… Lục lạc vàng, Ngôi nhà mơ ước, Câu chuyện ước mơ, Vượt lên chính mình… lần lượt cáo chung vì không có kinh phí. 

Rất nhiều phận đời nghèo khó đã được cưu mang từ đó, rất nhiều người sau nhiều năm sống với nước mắt đã có thể cười từ đó. Thế nhưng, tất cả đều phải dừng lại. Khó có thể quy tội cho ai, nhưng cũng khó để không phải hỏi rằng, xã hội mà chúng ta đang dự phần, lẽ nào đã cạn dần trắc ẩn?

Hàn Chinh

Minh Trâm

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • culi 10-07-2020 20:19:23

    Bây giờ thấy trên TH nhiều chương trình nhảm nhí quá , nhưng vì có nhiều tiền nên họ làm thôi !!!

  • 10-07-2020 16:52:52

    1.Cô Thu Giang không nhớ nchcccl là phiên bản Việt Nam của chương trình nước ngoài ? 2. Chương trình "vượt lên chính mình" chứ không phải "vươn lên chính mình".Cám ơn Minh Trâm "vì một bài viết hay.

  • Minh Vũ 10-07-2020 14:21:46

    Tôi tâm đắc với tiêu đề "bản cáo chung của những điều tử tế?". TH cần có tiền. Nhưng tiền không phải là mục đích cao nhất của TH. Có những gameshow giải trí thuần túy dành cho một số ít người nhưng chiếm giờ vàng. Những chương trình nhân văn, tử tế hoặc dừng hoặc chuyển sang khung giờ thưa... Đó có phải là chủ đích không? Cái gì dẫn dắt?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI