Nhóm nhạc tại Việt Nam: Hy vọng gì khi cuộc vui đã tàn?

01/07/2018 - 06:32

PNO - Những năm gần đây số lượng nhóm nhạc xuất hiện không ít trong V-biz, nhưng không tạo được mấy tiếng vang. Liệu trong tương lai, mô hình này có chuyển biến tốt hơn?

Áp đảo bằng số lượng

Những ngày qua, khán giả khá tò mò trước thông tin một nhóm nhạc mới sẽ được thành lập tại Việt Nam với số lượng thành viên lên đến 48 người, mang tên SGO48, theo mô hình nhóm AKB48 của Nhật Bản.

Công tác tuyển chọn thành viên cho dự án này sẽ bắt đầu vào tháng Bảy. Sau sáu tháng rèn luyện, nhóm sẽ ra mắt vào năm cuối 2018 hoặc đầu năm 2019. Sau TP.HCM, mô hình này dự kiến sẽ tiếp tục được thực hiện tại Đà Nẵng và Hà Nội.

Nhom nhac tai Viet Nam: Hy vong gi khi cuoc vui da tan?
Một nhóm nhạc có đến 48 thành viên sắp xuất hiện tại Việt Nam

Trước đó, Soul Clubs với 25 thành viên của Thanh Bùi hay nhóm nhạc P336 - 10 thành viên cũng gây ấn tượng với số lượng đông đảo. Trong năm 2016 và 2017, một số nhóm nhạc đã ra mắt khán giả như: Monstar, P366, Lime, FB Boiz, Lip B, Uni5, VMusic thế hệ mới, The Air... Tuy nhiên, thời kỳ cực thịnh của những nhóm nhạc tại Việt Nam lại rơi vào thời điểm cách đây khoảng... hơn 15 năm.

Nhom nhac tai Viet Nam: Hy vong gi khi cuoc vui da tan?
Nhóm P366 có 10 thành viên

Thập niên 1990-2000, những cái tên như: Ba con mèo, Tam ca áo trắng, MTV, AC&M, Quả dưa hấu, Mắt ngọc, HAT… trở thành một phần thanh xuân của thế hệ 8X, 9X.

Nhưng trong gần 10 năm trở lại đây, khi nhắc đến các nhóm nhạc, phần lớn khán giả chỉ biết đến V.Music hoặc 365. Môt số nhóm như: Bee T, Artista, YounQ, Sgirl, Dophin, The Wings… nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Hy vọng gì cho nhóm nhạc ở tương lai?

Những năm gần đây, V-biz dần vắng bóng các nhóm nhạc. Một trong những nguyên nhân chính cho sự thay đổi này là khán giả Việt chưa xem trọng giá trị của nhóm nhạc, ban nhạc. Điều này rất khác với Hàn Quốc, nơi mà nhóm nhạc được xem trọng hơn ca sĩ solo. Từ thị trường sẽ tác động trực tiếp đến cuộc sống, sự tồn tại của một nhóm nhạc.

Cát-sê nhóm nhạc nhận được chỉ bằng ca sĩ solo hoặc thấp hơn, nhưng chi phí lại cao hơn nhiều. Ngoài ra, các nhóm thường phải chia lợi ích với công ty quản lý. Vì thế, đất sống của các nhóm nhạc dần bị thu hẹp hơn rất nhiều, đặc biệt với những nhóm có đông thành viên.

Quang Minh - nhóm Oplus - cho biết, cát-sê nhóm anh nhận được đôi lúc chỉ bằng giá hát của một ca sĩ đơn. Trong khi đó, chi phí di chuyển, ăn ở, đi lại, trang phục, quần áo lại phải nhân 4 (nhóm có 4 thành viên). Điều này khiến họ gặp không ít khó khăn.

Nhom nhac tai Viet Nam: Hy vong gi khi cuoc vui da tan?
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, 365 là nhóm nhạc được xem thành công nhất của V-biz. Tuy nhiên, họ cũng đã tan rã để đầu tư cho sự nghiệp solo.

MV Bống bống bang bang của nhóm 365 với hơn 350 triệu lượt xem trên YouTube:

 

“Một cá nhân đứng trên sân khấu đã quá khó khăn thì huống gì một nhóm nhạc, khi mọi chi phí đều theo cấp số nhân. Nước ngoài, chi phí họ bỏ ra để nghe nhạc, xem nghệ thuật nhiều. Vì thế, cơ hội cho nhóm nhạc sống được rất cao. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta chưa có một thị trường đúng nghĩa. Chỉ một vài cái tên tiêu biểu có thể sống tốt, còn những nhóm nhạc tầm trung thì chỉ vừa đủ sống mà thôi” - nhạc sĩ Dương Khắc Linh cho biết.

Thường, những show bán vé đều là những nghệ sĩ có tên tuổi. Còn với những người trẻ thì chỉ tìm cơ hội trong lòng khán giả, chứ khó có thể làm được những đêm nhạc bán vé. Như thế, cuộc sống của cá nhân đã khó thì chuyện một nhóm đông thành viên càng khó hơn.

Ca sĩ Ông Cao Thắng - người đang nắm trong tay nhóm Uni5 và LipB - cho biết, việc cân đối lợi ích để các thành viên có thể sống đủ, sống tốt trong thời gian đầu với lợi ích của công ty quản lý luôn là một bài toán khó.

Các nhóm nhạc hiện tại khó tồn tại lâu vì thiếu màu sắc riêng, chỉ chạy theo xu hướng của thị trường, đặc biệt là sự ảnh hưởng của âm nhạc Hàn Quốc, nơi mà các nhóm nhạc phát triển cực thịnh.

Ở thời kỳ của Ba con mèo, Tam ca áo trắng, Mây trắng, MTV, Bức tường… khi nhắc đến họ, khán giả đều không thể nhầm lẫn. Nhưng với Lip B, Uni5, The Air, Monstar hay P366… cùng nhiều nhóm khác ra mắt trong những năm trở lại đều "một màu", khiến khán giả khó phân biệt. Việc hoà tan vào xu hướng chung khiến nhiều nhóm nhạc như đang tự giết chính mình.

Nhom nhac tai Viet Nam: Hy vong gi khi cuoc vui da tan?
Uni5, nhóm nhạc nam đang trên đường định hình thương hiệu do Ông Cao Thắng quản lý

Hình thức có thể bổ trợ cho năng lực, chất lượng, nhưng không thể thay thế. Nhiều nhóm nhạc gần đây không thể tồn tại do thiếu những giọng ca chất lượng, dù được đầu tư về hình ảnh, trang phục bắt mắt. Ngay trong buổi ra mắt, đạo diễn Luk Vân-  người quản lý nhóm The Air - cho biết, do đào tạo theo mô hình Hàn Quốc nên ngoại hình được ưu tiên chọn trước khi rèn giọng.

Các nhóm nhạc khó tồn tại lâu cũng vì khó khăn trong việc dung hoà nhiều cá tính trong một tập thể. Cái tôi quá lớn dễ nảy sinh mâu thuẫn, bất đồng, xung đột. Diễn viên Ngô Thanh Vân - "bà bầu" nhóm 365 - cho rằng, với nhóm nhạc, các thành viên phải kiên trì, hòa thuận. Hầu hết các nhóm tan rã vì không hiểu nhau khi sống và làm việc.

Nhóm nhạc hiện là xu hướng để các giọng hát tầm trung tiến vào V-biz. Sau khi hoạt động ổn định, các thành viên sẽ tách ra hoạt động độc lập. Vì thế, sự dài lâu của một nhóm nhạc ở thị trường nhạc Việt là cực khó.

Ông Cao Thắng cho biết: “Khi các thành viên đã đạt được mong muốn thì chắc chắn sẽ xây dựng hướng đi riêng. Chuyện tách ra solo cũng là sớm muộn trong tương lai”. Đây cũng là xu hướng dễ bắt gặp trong làng giải trí Hàn Quốc.

Nhom nhac tai Viet Nam: Hy vong gi khi cuoc vui da tan?
The Air, nhóm nhạc mà các thành viên được chọn ngoại hình trước khi rèn giọng

Nếu như nghệ sĩ solo có thể tự thân vận động thì nhóm nhạc luôn cần một công ty quản lý, đào tạo và định hướng. Ở đây, bài toán lợi nhuận luôn được chú trọng. Trước tình hình của thị trường hiện tại, các đơn vị quản lý ít nhiều đều e dè cho những canh bạc may rủi này.

“Chi phí đầu tư, cách vận hành một nhóm nhạc cũng phức tạp hơn ca sĩ đơn rất nhiều nên rất khó để phát triển được ban nhạc. Nhóm nhạc dễ thất bại vì ngành công nghiệp âm nhạc hiện tại ở Việt Nam không tốt. Khán giả không có thói quen mua vé để xem show, hay trả tiền bản quyền để nghe ca khúc thì làm sao nghệ sĩ, nhóm nhạc có chi phí sản xuất album. Mọi thứ phải dựa vào tài trợ từ các nhãn hàng” - nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong chia sẻ.

Ở Hàn Quốc, nơi được xem là thiên đường của các nhóm nhạc, tỉ lệ thành công của các công ty đào tạo, quản lý các nhóm nhạc cũng chỉ ở mức 20%. Một nhóm tân binh tại Hàn Quốc chỉ được trả cát-sê (tính theo tiền Việt) từ khoảng 6,5 đến hơn 10 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí đầu tư để lên được sân khấu rơi vào khoảng 70 triệu đến hơn 100 triệu đồng/lần. Đại diện một công ty giải trí tầm trung tại Hàn Quốc cho biết nếu diễn 3 lần/tuần thì mức thua lỗ ít nhất là khoảng 210 triệu đồng.

Nhom nhac tai Viet Nam: Hy vong gi khi cuoc vui da tan?
Tỉ lệ thành công của các nhóm nhạc tại Hàn Quốc cũng chỉ khoảng 20%

Với đặc thù của thị trường, cộng những yếu tố tự thân, nhóm nhạc ở Việt Nam đang đứng trước những lằn ranh sinh - tử, sớm nở tối tàn. Thị trường vẫn cần nhóm nhạc. Ca sĩ vẫn cần cơ hội. Nhưng làm thế nào để các nhóm sống được lại là một câu chuyện rất dài.

Thụy Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI