Nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên xin lùi thời gian thi học kỳ II vì COVID-19

11/03/2021 - 14:38

PNO - Việc học trên Internet trong thời gian tạm dừng đến trường chống dịch khiến nhiều học viên không theo kịp chương trình.

Sáng 11/3, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tổ chức Sơ kết học kỳ I và đưa ra định hướng cho học kỳ II đối với hệ giáo dục thường xuyên.

Các giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Q.12 và đại diện điểm cầu Tân Bình - Tân Phú - Q. 10, Q. 11 đã đề xuất ý kiến với Sở Giáo dục và Đào tạo về việc lùi thời gian thi học kỳ II đối với học viên lớp 9, lớp 12 và các cấp học khác.

Theo các vị này, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các học viên phải chuyển sang học trực tuyến. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, việc học trực tuyến không thể tiếp cận được tất cả các đối tượng học viên ở khu vực ngoại thành. Điều này đã ảnh hưởng tới tiến độ học tập. Khi các học viên quay trở lại học trực tiếp, các thầy cô phải bổ sung hoặc dạy lại một số kiến thức để đảm bảo chất lượng cho học kỳ II.

Các đơn vị bày tỏ những vướng mắc với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trong buổi họp Sơ kết học kỳ I hệ giáo dục thường xuyên. Ảnh: Thanh Huyền.
Các đơn vị bày tỏ những vướng mắc với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trong buổi họp Sơ kết học kỳ I hệ giáo dục thường xuyên - Ảnh: Thanh Huyền

Ngoài ra, có hai trở ngại khiến đại diện các phòng giác dục đào tạo quận huyện và một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên vẫn còn trăn trở.

Thứ nhất là chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 áp cho hệ giáo dục thường xuyên còn nhiều điểm chưa phù hợp. Đơn cử đối với trung tâm tiếng Hoa, không dạy giáo dục phổ thông mà chỉ dạy tiếng Hoa thì sẽ không có kết quả các khung như dạy chương trình giáo dục phổ thông để đánh giá. Do đó, các đơn vị kiến nghị Sở cần xây dựng một khung, bộ môn phù hợp hơn nữa đối với các đối tượng.

Ngoài ra, Sở chưa có chỉ đạo cụ thể về chương trình sách giáo khoa lớp 6.

Thứ hai là sự bất cập trong cơ chế quản lý đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên còn xảy ra sự chồng chéo.

Phó Phòng Giáo dục thường xuyên cho biết sẽ xin ý kiến Sở về đề xuất lùi thời gian thi học kỳ II và gửi văn bản trả lời trong kế hoạch năm
Phó phòng giáo dục thường xuyên cho biết sẽ xin ý kiến Sở về việc đề xuất lùi thời gian thi học kỳ II và gửi văn bản trả lời trong kế hoạch năm cho các đơn vị - Ảnh: Thanh Huyền

Bà Trần Thị Kim Thanh - Phó trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, về ý kiến xin lùi thời gian thi học kỳ II đối với lớp 9, lớp 12 và các khối còn lại, phòng Giáo dục thường xuyên sẽ xin chỉ đạo của Sở và có văn bản thông báo kịp thời tới quý thầy cô trong kế hoạch năm học.

Theo bà Thanh, về sách giáo khoa 6 dự kiến cho hệ giáo dục thường xuyên sẽ có các môn toán, văn, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ và tiếng Anh. Tuy nhiên, hiện tại các đơn vị giáo dục thường xuyên chỉ có giáo viên 7 môn, thiếu giáo viên môn công nghệ. Qua đó, phòng Giáo dục thường xuyên sẽ có đề xuất với Sở để tháo gỡ kịp thời cho khối lớp 6.

Liên quan tới bất cập trong cơ chế quản lý, ông Nguyễn Phúc Huy Tùng - trưởng phòng Giáo dục thường xuyên cho biết, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đang chịu sự quản lý của 3 - 4 đầu mối (hai sở quản lý về chuyên môn, UBND các quận/ huyện quản lý về mặt Nhà nước) nên khó tránh khỏi sự chồng chéo. Hiện nay cũng chưa có quy chế về mặt tổ chức đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Phòng Giáo dục thường xuyên sẽ tham mưu với Sở, tổ chức buổi hội thảo để mời các bên liên quan bao gồm nhà khoa học, nhà quản lý và nhà tuyển dụng cùng ngồi lại để tư vấn phù hợp cho từng đơn vị, từng đối tượng học viên.

“Xu thế muốn các em vừa học văn hóa vừa học nghề là tốt, tuy nhiên tại một số cơ sở vẫn tồn tại tình trạng môn các em chưa cần thì có mà một số môn có thì các em lại chưa cần”, ông Tùng nhận định.

Ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM cho biết đây là năm đầy tiên thực hiện theo luật giáo dục mới 2019, qui định giáo dục thường xuyên ngang hàng với giáo dục chính qui. Ảnh: Thanh Huyền.
Ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết đây là năm đầu tiên thực hiện theo luật giáo dục mới 2019, quy định giáo dục thường xuyên ngang hàng với giáo dục chính quy - Ảnh: Thanh Huyền

Theo ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, đây là năm học đầu tiên ngành giáo dục thực hiện theo luật giáo dục mới 2019, quy định giáo dục thường xuyên ngang hàng với giáo dục chính quy. Hệ thống giáo dục thường xuyên chỉ khác với chính quy ở môi trường, không gian, thời gian đào tạo theo tiêu chí giáo dục và học tập suốt đời. Giáo dục thường xuyên là giáo dục của địa phương nên các phòng giáo dục phải sát sao hơn nữa trong vai trò tham mưu cho UBND các quận/ huyện, bên cạnh đó cũng cần có sự nhìn nhận về giáo dục thường xuyên hoàn chỉnh hơn.

Thanh Huyền

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI