Nhiều nước đóng cửa du lịch quốc tế chờ... vắc-xin phòng COVID-19

17/08/2020 - 12:00

PNO - Các nước châu Á tỏ ra thận trọng và kiên quyết từ chối du khách quốc tế cho đến khi tìm ra cách chống dịch...

Một số quốc gia châu Âu đã mở cửa sớm du lịch vào tháng Bảy và gặp phải nguy cơ COVID-19 tái bùng phát. Ngược lại, các nước châu Á tỏ ra thận trọng hơn và kiên quyết từ chối du khách quốc tế cho đến khi tìm ra cách chống dịch.

Châu Âu tái phát dịch sau khi mở cửa biên giới

Pháp là quốc gia thu hút du khách hàng đầu thế giới trước đại dịch COVID-19, và cũng là nơi thu hút khá nhiều khách du lịch từ Anh và châu Âu kể từ tháng Bảy. Các khách sạn, quán bar, nhà hàng và quán cà phê mở cửa trở lại từ ngày 2/6 và Paris đã hạ cấp cảnh báo từ "vùng đỏ" xuống "vùng xanh". Tuy nhiên, giống như Tây Ban Nha, Pháp đang trải qua đợt bùng phát dịch thứ hai và các chuyên gia cho rằng số ca nhiễm mới hằng ngày sẽ tồi tệ hơn nếu không có phương án ứng phó hiệu quả. 

Du khách Anh đi du lịch tại Pháp nhanh chóng trở về sau khi London đưa ra lệnh cách ly bắt buộc đối với công dân nhập cảnh từ nước ngoài
Du khách Anh đi du lịch tại Pháp nhanh chóng trở về sau khi London đưa ra lệnh cách ly bắt buộc đối với công dân nhập cảnh từ nước ngoài

Hôm 13/8, chính phủ Anh thông báo những người đến từ Pháp, Hà Lan và Malta sẽ phải cách ly bắt buộc 14 ngày. Quyết định bất ngờ khiến hàng trăm ngàn người Anh đi nghỉ mát ở bên kia eo biển Manche chỉ có một thời gian ngắn để quay về nếu không muốn mắc kẹt trong tình trạng tự cách ly. Ước tính có khoảng 160.000 người Anh đi nghỉ ở Pháp, cũng như 300.000 người Pháp sống ở Anh rời nước này để về quê hoặc sang các nơi khác trong khối châu Âu khi thông báo được đưa ra. Tại Paris, chính quyền đã mở rộng các khu vực nơi người đi bộ phải đeo khẩu trang từ sáng 15/8 sau khi các quan chức y tế thừa nhận COVID-19 đang "hoạt động mạnh" ở thủ đô nước Pháp và thành phố Marseille ven Địa Trung Hải.

Là một trong hai quốc gia tâm dịch đầu tiên của châu Âu, Bộ trưởng Y tế Ý cũng lên tiếng bày tỏ lo ngại về số ca mắc bệnh ở các nước láng giềng, thừa nhận quốc gia hiện "bị bao vây bởi các khu lây lan dịch bệnh".

Phát biểu hôm 15/8, Bộ trưởng Y tế Đức thậm chí gọi những người tham gia tiệc tùng vào kỳ nghỉ hè năm nay là "vô trách nhiệm". Ông bảo vệ quyết định đưa gần như toàn bộ Tây Ban Nha - bao gồm cả hòn đảo du lịch Mallorca - vào khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao sau khi số ca bệnh ở đó gia tăng. Những người nhập cảnh vào Đức từ các khu vực nguy cơ được chỉ định phải xét nghiệm COVID-19 hoặc kiểm dịch bắt buộc trong hai tuần. Bản thân Đức cũng đang trải qua đợt bùng phát thứ hai, với hơn 1.400 ca nhiễm mới ghi nhận vào ngày 15/8.

Hy sinh ngành du lịch để bảo vệ dân

Tại khu vực Đông Nam Á, một số quốc gia vốn nổi tiếng về ngành du lịch quyết định tiếp tục hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tuy đang vướng vào một số khó khăn đe dọa nền kinh tế và sự ổn định của đất nước, Thái Lan vẫn phong tỏa phần lớn biên giới với các nước láng giềng và quốc tế; triển vọng du lịch nói chung khó có thể được đẩy mạnh cho đến ít nhất là năm 2021 - theo dự báo của các nhà chức trách hàng không Thái Lan và một phó giám đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan.

Tương tự, Malaysia tiếp tục duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ để ngăn chặn và phá vỡ chuỗi lây nhiễm COVID-19, trước khi có thể mở cửa cho khách du lịch nước ngoài. Bộ trưởng y tế Datuk Dr Noor Hisham Abdullah cho biết yêu cầu này đặc biệt quan trọng, sau sự xuất hiện của một số ca bệnh mới từ các cụm dịch tại Kurau và Sivagangga. Chính phủ cần nghiên cứu nhiều vấn đề trước khi bắt tay vào việc mở cửa biên giới cho công dân của Úc, New Zealand, Singapore, Brunei, Nhật Bản và Hàn Quốc. Dù vậy, Malaysia sẽ sớm mở cửa biên giới với Singapore (dự kiến ngày 17/8), nhưng chỉ dành cho cộng đồng doanh nghiệp, không dành cho công chúng, và tất cả đều phải tuân thủ quy tắc phòng dịch.

Là quốc gia vạn đảo với nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như Bali, Indonesia thẳng thắn tuyên bố ngừng tiếp nhận khách quốc tế cho đến khi tìm ra 
vắc-xin ngừa COVID-19. Erick Thohir, trưởng nhóm phục hồi kinh tế quốc gia và ứng phó dịch COVID-19 của Indonesia phát biểu trong cuộc họp báo hôm 15/8: "Việc mở cửa trở lại các điểm du lịch cho khách nước ngoài là động thái tích cực, nhưng chúng tôi cần phải làm điều đó đúng lúc". Trước đó, hôm 11/8, Indonesia bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cuối cùng cho một ứng cử viên vắc-xin COVID-19 ở thủ phủ Bandung của tỉnh Tây Java.
Theo ông Thohir, chính phủ không muốn nỗ lực ngăn chặn đại dịch trở nên vô nghĩa khi mở cửa lại biên giới. Ngành du lịch ở Indonesia ước tính hứng chịu với khoản lỗ 4 tỷ USD do lượng khách du lịch nước ngoài giảm mạnh từ tháng Một đến tháng Tư. 

Tấn Vĩ (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI