Nhiều người nguy kịch do uống rượu quá nhiều trong dịp tết Nguyên đán

02/02/2023 - 16:00

PNO - Uống rượu tại TPHCM rồi đi máy bay ra Hà Nội, ngay khi máy bay vừa hạ cánh, người phụ nữ 59 tuổi đã rơi vào hôn mê, nguy kịch.

 

Một bệnh nhân ngộ độc rượu cồn methanol tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai
Một bệnh nhân ngộ độc rượu cồn methanol đang được điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai

Chiều 2/2, Bệnh viện Bạch Mai đã cảnh báo về tình trạng ngộ độc rượu cồn methanol gia tăng sau dịp tết Nguyên đán.

Một trong những trường hợp đáng chú ý là bệnh nhân nữ 59 tuổi ngụ TPHCM. Trước khi ra Hà Nội vào đêm 31/1, người phụ nữ này có uống rượu tại TPHCM. Ngay sau khi máy bay hạ cánh, bệnh nhân lập tức có biểu hiện ngộ độc và nhanh chóng rơi vào hôn mê, tụt huyết áp. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), kết quả xét nghiệm cho thấy, nồng độ methanol trong máu của bệnh nhân là 171mg/dL. Hiện bệnh nhân đang được điều trị tích cực song tiên lượng nặng. Trung tâm chống độc đã thông báo cho cơ quan chức năng để phối hợp với địa phương nơi xảy ra ngộ độc, truy xuất nguồn rượu gây ngộ độc để xử lý.

Đây không phải trường hợp duy nhất ngộ độc methanol trong dịp tết Nguyên đán này. Tại trung tâm hiện có một bệnh nhân nam (52 tuổi) đang được điều trị. Bệnh nhân nghiện rượu nên thường giấu gia đình ra hiệu thuốc mua cồn y tế để uống. Cách đây 3 ngày, ông thấy mắt tối sầm, gần như không nhìn được gì. Sau khi đi khám mắt, bệnh nhân được chuyển vào Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu bệnh nhân ở mức cao, phải lọc máu cấp cứu. Chai cồn khiến bệnh nhân bị ngộ độc là loại dùng để lau kính, làm nhiên liệu được mua ở hiệu thuốc.

Ngoài ra còn có trường hợp 1 nam bệnh nhân tại Vĩnh Phúc đã tử vong. Uống cồn sát trùng mua ở hiệu thuốc, bệnh nhân bị ngộ độc. Khi nhập viện, bệnh nhân đã hôn mê, tụt huyết áp, tổn thương não nặng.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc - cho biết, có một thực trạng là, các sản phẩm cồn sát trùng rởm chứa methanol, hóa chất lau chùi hoặc làm nhiên liệu được đóng chai và bán nhập nhèm, gây nhầm lẫn với cồn sát trùng... là mối nguy hiểm lớn.

Đặc biệt, loại cồn này được dùng sát trùng, không có tác dụng và không thể bảo vệ khỏi nguy cơ nhiễm trùng. Đồng thời khi sát trùng, methanol sẽ ngấm qua da, đi vào cơ thể và có nguy cơ gây ngộ độc, khiến người sử dụng gặp nguy hiểm.

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Ban Quản lý ATTP TPHCM, yêu cầu giám sát các trường hợp ngộ độc. Đồng thời tăng cường phối hợp, ngăn chặn, không để các loại rượu “dỏm” được bán ra thị trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI