Nhiều ca sốc nhiệt, đột quỵ vì nắng nóng

11/05/2023 - 06:59

PNO - Phụ huynh bị đột quỵ trong khi đưa đón con ngoài trời nắng nóng, người già tử vong vì thuyên tắc phổi, đột quỵ do cơ thể thiếu nước khiến máu cô đặc hình thành huyết khối… Các bác sĩ cảnh báo thời tiết nắng nóng vẫn còn chưa lên tới đỉnh điểm nên mọi người cần có biện pháp bảo vệ sức khỏe cho bản thân.

Phụ huynh đột quỵ khi đưa đón con đi học

Ngày 9/5, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Phương Nga - Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện (BV) Thống Nhất - cho biết, đơn vị mình ghi nhận số ca đột quỵ từ cuối tháng Tư tới nay tăng 20% so với thông thường. Hiện khoa đang điều trị cho 4 trường hợp đột quỵ. Trong đó, có 1 phụ huynh bị xuất huyết não khi đưa đón con đi học trong thời tiết nắng nóng. 

Cụ thể, chiều 8/5, anh D.V.B. (ngụ quận Tân Bình, 41 tuổi, là kỹ sư xây dựng) được gia đình đưa tới BV Thống Nhất cấp cứu trong tình trạng yếu 2 chân, nói đớ, nhức đầu dữ dội. Anh B. xuất hiện triệu chứng như trên sau khi chạy xe máy từ nhà ra đường, chuẩn bị đi đón con. Kết quả chụp CT xác định bệnh nhân bị xuất huyết não do tăng huyết áp đột ngột. Anh B. có tiền sử bệnh tăng huyết áp, hiện đang được theo dõi sát sao tại BV. Anh vẫn đang gặp khó khăn khi nói chuyện, phát âm không rõ ràng… 

1 phụ huynh bị đột quỵ khi đang đưa đón con trong thời tiết nắng nóng được điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất - ẢNH: THANH HUYỀN
1 phụ huynh bị đột quỵ khi đang đưa đón con trong thời tiết nắng nóng được điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất - Ảnh: Thanh Huyền

Không may mắn như anh B., tối 7/5, bà T.T.T.H. (71 tuổi, ngụ quận Tân Phú) được gia đình đưa tới BV Thống Nhất cấp cứu vì đột quỵ và không qua khỏi. Kết quả xét nghiệm, kiểm tra cho thấy bệnh nhân bị mất nước, rối loạn điện giải dẫn đến máu cô đặc, hình thành huyết khối gây thuyên tắc phổi. Theo lời kể của gia đình, trước khi nhập viện vài ngày, bà bỗng nhiên hoạt động chậm chạp, sốt cao, lú lẫn.

Tại BV Chợ Rẫy, trong các ca bị ảnh hưởng sức khỏe do thời tiết nắng nóng, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh - Trưởng khoa Hồi sức tích cực (ICU) - nhớ nhất là trường hợp N.Đ.H. - học sinh cấp III ở TPHCM - từng được khoa mình điều trị. H. cùng bạn bè ra sân chơi đá bóng lúc 13g30. Dù hôm đó, trời không đến mức nắng chói chang nhưng cậu bé bỗng dưng bị chuột rút, co cứng cơ, lên cơn co giật và khó thở. H. được bạn bè đưa tới BV Chợ Rẫy trong tình trạng suy hô hấp. Các bác sĩ đánh giá bệnh nhân bị sốc nhiệt dẫn tới tổn thương thần kinh (sốt cao liên tục trên 40 độ C), cơ bị hoại tử làm tổn thương thận cấp.

Tại Khoa Hồi sức tích cực, H. ngay lập tức được hạ thân nhiệt bằng máy, lọc máu, cho ngủ liên tục nhằm kiểm soát thần kinh. H. phải nằm ICU thở máy suốt 1 tuần, tổng thời gian nằm viện của bệnh nhân lên tới 3 tuần. Rất may H. đã hồi phục, không bị di chứng về thần kinh. Chỉ cần đến BV chậm hơn chút nữa, tính mạng bệnh nhân đã bị đe dọa.

Còn tại BV Lê Văn Thịnh, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Thi - Phó khoa Nội tim mạch - cho biết, tuần qua, khoa này ghi nhận khoảng 20 ca đột quỵ. Trong đó, trường hợp trẻ nhất là 45 tuổi, 1 ca nghiêm trọng là người cao tuổi có bệnh lý nền phải dùng thuốc tiêu sợi huyết. 

6 nhóm nguy cơ cao dễ sốc nhiệt, đột quỵ

Bác sĩ Trần Thanh Linh cảnh báo nhiệt độ ngoài trời mấy ngày nay rất oi bức nhưng mới chỉ là bắt đầu vào hè. Không chỉ Việt Nam mà cả châu Á cũng sẽ còn tiếp diễn thời tiết nắng nóng. Do đó, người dân phải đề phòng sốc nhiệt, thậm chí là đột quỵ. 

Nhiệt độ môi trường cao, thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại có thể khiến nạn nhân bị sốc nhiệt, thậm chí là đột quỵ (do huyết áp tăng đột ngột). Những người có nguy cơ cao bị sốc nhiệt hoặc đột quỵ khi hoạt động lâu trong môi trường nắng nóng gồm 6 nhóm: Thứ nhất là người trên 65 tuổi, do hệ thống thần kinh điều nhiệt kém. Tiếp đến là trẻ em, điều nhiệt kém do thần kinh chưa phát triển đầy đủ. Thứ ba là người có bệnh mạn tính cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch. Thứ tư là các vận động viên, người tham gia các môn thể thao ngoài trời. Nhóm thứ năm là phụ nữ mang thai và cuối cùng là những người làm việc ngoài trời như thợ hồ, xe ôm, người vô gia cư, bán hàng rong…

Trong đó, bác sĩ Trần Thanh Linh nhận định nguy cơ cao nhất là những người phải ở ngoài trời nhiều như người vô gia cư, xe ôm, bán hàng rong. “Họ không có điều kiện trang bị máy điều hòa cho nơi ở của mình, có người lang thang nay đây mai đó. Thời tiết trở nên khắc nghiệt thì họ vô phương chống đỡ nên rất cần có giải pháp hỗ trợ cho nhóm người này” - bác sĩ Linh nói.

Ông khuyến cáo, mọi người cần nhận biết các dấu hiệu sớm của sốc nhiệt để phòng tránh. Trước khi sốc nhiệt xảy ra, cơ thể sẽ bị chuột rút, mệt mỏi, đau nhức cơ. Ngay lúc này, nạn nhân cần được bù nước, nghỉ ở nơi mát mẻ. Khi nặng hơn, nạn nhân sẽ nôn ói, nhiệt độ cơ thể tăng. Trong vòng 1 giờ đầu, nạn nhân cần được sơ cứu bằng cách hạ nhiệt cơ thể gấp. Hãy đưa nạn nhân vào bóng mát, tốt hơn là nơi có bật điều hòa như cửa hàng tiện lợi, quán cà phê, siêu thị gần nhất. Tiếp theo, cần cởi bỏ bớt áo khoác, chườm mát cho họ, thậm chí xịt nước mát lên quần áo nạn nhân. Sau đó, cho nạn nhân uống bổ sung nước. Nếu nạn nhân vẫn không hồi tỉnh thì lập tức đưa tới bệnh viện. 

Để tránh xảy ra tình trạng sốc nhiệt, mọi người hãy uống đủ nước dù không khát để cung cấp đủ nước cho cơ thể. Hạn chế ở ngoài trời vào các khung giờ nắng nóng cao điểm, nếu bắt buộc phải ra đường thì cần trang bị đồ chống nắng đầy đủ. 

Thanh Huyền

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI