Nhiều bác sĩ khẳng định phụ huynh quá vội vã khi đưa con đi xét nghiệm sán heo

18/03/2019 - 17:21

PNO - PGS.TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu – Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM cho rằng, có thể do quá lo lắng, sợ hãi mà các phụ huynh ở Bắc Ninh đã có phần vội vã cho con đến Hà Nội xét nghiệm máu.

Xét nghiệm phân chính xác và rẻ tiền hơn 

Nhieu bac si khang dinh phu huynh qua voi va khi dua con di xet nghiem san heo
Nhiều gia đình ở Bắc Ninh đưa con đến Hà Nội xét nghiệm máu tìm bệnh sán dải heo

PGS.TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu – Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM – băn khoăn: có thể do quá lo lắng sợ mắc bệnh sán dải heo (Taenia solium) nên phụ huynh của các bé ở tỉnh Bắc Ninh hơi vội vã khi đưa trẻ đến các bệnh viện tại Hà Nội để làm xét nghiệm máu. Bước quan trọng và đơn giản, chính xác nhất và rẻ tiền để xác định bệnh đó là xét nghiệm phân cho trẻ.

Xét nghiệm phân vừa chính xác, vừa rẻ tiền để chẩn đoán đúng bệnh.

Bác sĩ Siêu cho biết: “Bệnh sán dải heo (sán xơ mít, sán dây lợn) được chia làm hai dạng: sán dải heo đường ruột và bệnh ấu trùng sán dải heo chu du nội tạng.

Trong trường hợp các trẻ ở Bắc Ninh bị nghi ngờ nhiễm sán dải heo, nhà trường nên xác định nguyên nhân có thật sự bắt nguồn từ thịt heo bị nhiễm nang sán tại đây hay không? Bên cạnh đó, nhà trường nên hỗ trợ gia đình có trẻ theo học tại trường để xét nghiệm phân. Xét nghiệm phân sớm, việc điều trị sẽ rất dễ dàng”.

Nhieu bac si khang dinh phu huynh qua voi va khi dua con di xet nghiem san heo
Vòng đời của sán dải heo

Khi nào xét nghiệm máu?

Riêng những trẻ nghi ngờ trẻ bị nang ấu trùng sán dải heo (Cysticercus cellulocea), người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng xanh xao, mệt mỏi, tiêu chảy, bụng to và kèm đau đầu ngày càng tăng, yếu liệt tứ chi, liệt nửa người, mờ mắt.

Lúc này, ấu trùng có thể đã di chuyển vào cơ quan nội tạng như: mắt, não hoặc cơ quan nội tạng (tuy nhiên, trường hợp này ít khi xảy ra so với người nhiễm sán dải heo tại đường ruột). 

Nếu có biểu hiện này, cha mẹ mới nên cho trẻ xét nghiệm máu (xét nghiệm miễn dịch -  Elisa) hoặc phối hợp thêm các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác như: X-Quang, chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để phát hiện nang sán trong não, mắt hoặc cơ quan nội tạng, mới có chẩn đoán chính xác.

Nếu bác sĩ chỉ cho xét nghiệm máu với kết quả ghi nhận huyết thanh có kháng thể với bệnh này cũng chưa chắc trẻ bị bệnh. Bởi trẻ từng mắc sán dải heo và đã điều trị hết bệnh trong thời gian không lâu, khi xét nghiệm máu cũng cho ra kết quả dương tính, vì đây chỉ là kháng thể lưu hành.

Do đó, việc xét nghiệm máu trong một số trường hợp này cũng không chẩn đoán chính xác bệnh. Vì vậy, lúc này xét nghiệm máu chỉ là một gợi ý.

Nhieu bac si khang dinh phu huynh qua voi va khi dua con di xet nghiem san heo
Nang ấu trùng sán dải heo

Cùng quan điểm này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM - lên tiếng: giun sán có mặt rất nhiều trong môi trường như trong đất, trong rau dính mầm bệnh, trong phân, nước miếng của động vật. 

Theo bác sĩ Khanh, khi giun sán vào cơ thể người, sau một thời gian cơ thể người tự thải ra nhưng xét nghiệm vẫn dương tính rằng trẻ vẫn bị sán dải heo, dù trong người không có, không còn giun sán nào cả. Do đó, việc kết quả xét nghiệm Elisa cho dương tính không có gì là bất thường.

“Thông thường, chỉ bệnh nhân có dấu hiệu ký sinh trùng xuất hiện ở da như nổi sần, nổi cục trên da, co giật, hôn mê, yếu liệt chi thì bác sĩ điều trị nghi ngờ do ký sinh trùng "chạy nhầm đường" mới cho chỉ định xét nghiệm”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Thế nên, người dân ùn ùn ẵm con lên các bệnh viện tại Hà Nội để xét nghiệm máu xem trẻ có nhiễm sán heo; thậm chí việc xét nghiệm chéo những loại giun sán khác cũng rất không nên.

Nhieu bac si khang dinh phu huynh qua voi va khi dua con di xet nghiem san heo
 

Liên quan tới vấn đề này, ngày 18/3, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng khẳng định: Việc chẩn đoán hiện tại với bệnh ấu trùng sán lợn cần dựa vào nhiều yếu tố vì xét nghiệm Elisa kháng thể dương tính có thể do đã bị nhiễm bệnh trước đó.

Cục Y tế dự phòng nói để biết xem có phải mắc bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào các biểu hiện triệu chứng bệnh như: đi ngoài ra đốt sán, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kéo dài… và các xét nghiệm.

Cẩn thận lây bệnh khác khi tập trung quá đông người

Các bác sĩ cho rằng, việc điều trị sán dải heo hiện nay dễ dàng. Nếu trẻ bị nhiễm sán dải heo tại đường ruột, chỉ cần cho uống thuốc praziquantel một liều duy nhất với 20mg/kg cân nặng. Ví dụ, trẻ nặng 20 kg uống praziquantel liều lượng 400mg sẽ khỏi bệnh.

Điều đáng lưu ý trong việc xổ giun, sán, người dân thường lầm tưởng chỉ cần uống thuốc xổ giun Fugacar định kỳ là có thể tránh được bệnh sán heo, thực chất loại thuốc này chỉ có tác dụng đối với các loại giun tròn tại đường ruột.

Mọi người, nhất là người dân tại vùng dịch tễ nên xét nghiệm phân định kỳ mới có thể phòng ngừa bệnh sán dải heo tại đường ruột.

Ngày 18/3, thông tin từ Bắc Ninh cho hay, ngoài học sinh, đã có giáo viên được xác định dương tính với sán dải heo. 

Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh đừng tốn tiền xét nghiệm nếu không có triệu chứng.

"Số lượng trẻ đến bệnh viện quá nhiều có thể lây nhiễm các bệnh về hô hấp cho nhau. Thậm chí, trẻ có nguy cơ lây bệnh sởi, sốt xuất huyết khi đang mùa dịch”, bác sĩ Siêu cảnh báo.

Nhieu bac si khang dinh phu huynh qua voi va khi dua con di xet nghiem san heo
Không chỉ tốn kém kinh phí, nhiều phụ huynh phải vất vả xếp hàng từ tờ mờ sáng để cho con đi xét nghiệm sán dải heo (ảnh: OFFB)

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an vào cuộc vụ thực phẩm nhiễm sán ở Bắc Ninh

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình hình bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn tại một số địa phương.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cử ngay đoàn cán bộ công tác về Bắc Ninh để chỉ đạo phòng, chống, truyền thông... kịp thời. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm, nhất là các cơ sở có bếp ăn cho học sinh và vệ sinh trường học. Cần tuyên truyền, vận động học sinh và phụ huynh học sinh thực hiện ăn uống hợp vệ sinh và vệ sinh thân thể. 

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công an điều tra làm rõ thực phẩm bị nhiễm ấu trùng sán lợn tại tỉnh Bắc Ninh. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các ngành chức năng, nhất là các ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu đúng về bệnh.

Phạm An - H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI