Nhân viên Chi cục ATVSTP TP.HCM bị tố làm bằng giả: Tạm đình chỉ công tác

25/04/2016 - 07:55

PNO - Sau khi báo Phụ Nữ phản ánh và đơn tố cáo của người dân, lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục ATVSTP yêu cầu xử lý theo thẩm quyền.

Sau khi báo Phụ Nữ ngày 20/4, đăng bài Nhân viên Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM bị tố làm bằng giả, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã chỉ đạo Chi cục và Thanh tra Sở xem xét làm rõ...

Đình chỉ công tác, chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra

Ông Lê Anh Tuấn, Chánh văn phòng Sở Y tế TP cho biết, sau khi nhận được phản ánh của báo Phụ Nữ và đơn tố cáo của người dân, lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục ATVSTP yêu cầu đối tượng bị tố cáo tường trình và xử lý theo thẩm quyền. Theo báo cáo của Chi cục ATVSTP, hiện Chi cục đã cho ông P. (người bị tố cáo là một “mắt xích” trong đường dây làm bằng bác sĩ, dược sĩ, chứng chỉ hành nghề giả, xem http://phunuonline.com. vn/thoi-su/xa-hoi/nhan-vien-chicuc-an-toan-ve-sinh-thuc-phamtphcm-bi-to-lam-bang-gia-73291/) tạm ngưng công tác để làm tường trình và phục vụ việc xác minh. Trong tường trình, ông P. phủ nhận mình có liên quan đến tố cáo của ông L. Do đó, Thanh tra Sở Y tế sẽ chuyển vụ việc sang cơ quan công an.

Qua thông tin từ người tố cáo, Thanh tra Sở đã tiến hành rà soát sáu hồ sơ trên dữ liệu quản lý hồ sơ hành chính tại Sở: Ngô T. Đ. (SN: 1972, CMND: 350972861); Nguyễn H. V. (SN: 1980, CMND: 025428954); Tống Thị K.N. (SN: 1980, CMND: 025429407); Lê Đăng Quang (SN: 1980); Huỳnh Đào T.P. và Văn C.L.; chỉ có ba trường hợp là chứng chỉ hành nghề (CCHN) do Sở cấp: Ngô

Tấn Đạt (CCHN số 4008/HCM-CCHN ngày 22/4/2015), Nguyễn Hồng Vĩnh (CCHN số 0015296/HCMCCHN ngày 26/12/2013) và Tống Thị Kim Ngọc (CCHN số 0031150/ HCM-CCHN ngày 4/8/2015). Ba trường hợp còn lại không phải do Sở Y tế TP.HCM cấp.

Về pháp lý, với những giấy tờ bị nghi ngờ giả mạo, Sở sẽ có văn bản gửi nơi cấp để xác minh. Do số lượng CCHN được cấp rất nhiều nên việc rà soát cần phải có thêm thời gian. Khi Sở Y tế có kết luận cuối cùng sẽ công khai rộng rãi cho dư luận.

Nhan vien Chi cuc ATVSTP TP.HCM bi to lam bang gia: Tam dinh chi cong tac
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Lộ diện phòng nha chui của bác sĩ dỏm

Lần theo danh sách những người từng mua bằng giả của nhóm Hồ Quang Hải, chúng tôi phát hiện thêm một trường hợp đang mở phòng nha hoạt động công khai. Chiều 20/4, trong vai người đi chữa răng, chúng tôi tìm đến phòng nha của “bác sĩ” Lê Đăng Quang, người từng mua bằng giả (chuyên ngành Răng hàm mặt) của Hồ Quang Hải, tại số 485 Đoàn Văn Bơ, P.13, Q.4.

Tại phòng tiếp khách - nhận bệnh treo một tấm bảng lớn giới thiệu Công ty TNHH y nha khoa Đăng Quang, nhưng những thông tin về người đứng tên phòng khám, số CCHN, số giấy phép hoạt động… thì lại không thấy công khai. Theo bản án số 206/2014/HSST ngày 29/5/2014 của TAND TP.HCM, trước đây ông Lê Đăng Quang có theo học tại Trường ĐH Hồng Bàng, năm 2010, do việc gia đình nên phải nghỉ học giữa chừng. Vì biết Quang có “nghề” nên Hồ Quang Hải đã đề nghị giúp.

Quang làm bằng “y sĩ đa khoa” và bằng “bác sĩ răng hàm mặt” với giá 60 triệu đồng. Trên tấm bằng bác sĩ giả có nội dung “Trường ĐH Y Dược TP.HCM, số hiệu bằng C660805, số vào sổ 36/RHM chuyên ngành bác sĩ răng hàm mặt, cấp cho Lê Đăng Quang, sinh ngày 13/2/1980, cấp ngày 20/10/2005”. Sau đó, Lê Đăng Quang lập cơ sở nha khoa và hành nghề tại địa chỉ nói trên.

Trong lúc chờ tới lượt, trao đổi với người nhà của ông Quang chúng tôi được biết, phòng nha này đã hoạt động được năm-sáu năm, mỗi ngày có khoảng trên dưới 10 khách hàng.

Xác minh thông tin tại Sở Y tế TP.HCM cho thấy, hiện ông Lê Đăng Quang vẫn chưa có CCHN. Mặt khác, đối chiếu với thời điểm năm 2010, khi ông Quang theo học lớp y sĩ tại Trường ĐH Hồng Bàng và nghỉ học sau đó... càng thấy rõ ông Quang đang hành nghề chui. Theo quy định, từ một y sĩ muốn trở thành bác sĩ nha khoa thì sau khi học y sĩ (ba năm) phải thi và học thêm bốn năm.

Tiếp đó, người có bằng bác sĩ phải học việc thêm 18 tháng mới có CCHN. Như vậy, nếu học y sĩ vào năm 2010 thì ít nhất phải đến 2018 ông Lê Đăng Quang mới có thể trở thành bác sĩ được phép hành nghề. Từng có tên trong danh sách mua bán bằng giả, lại mở phòng khám suốt năm-sáu năm nay nhưng không hiểu sao cơ sở nha khoa của vị bác sĩ dỏm này vẫn không bị phát hiện, xử lý? Câu trả lời xin dành cho Sở Y tế TP.HCM cũng như các cơ quan quản lý địa bàn.

Tiến Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI