Nhà vệ sinh khủng tiền tỷ khóa cửa, học trò... đành bừa bãi

19/01/2016 - 13:51

PNO - Mặc dù 2 nhà vệ sinh có vốn đầu tư khoảng 800 triệu đồng đã được bàn giao nhưng trường vẫn phải đóng cửa, thầy cô phải đi vệ sinh bờ bụi.

Không có điện, máy bơm...

Theo phản ánh của các thầy cô trong Trường tiểu học Phước Cát 2 (xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) từ khi thành lập trường đến nay các thầy cô và học sinh đều phải chịu cảnh đi vệ sinh khốn khổ. Trước đó không có nhà vệ sinh thì thầy cô phải "đi bờ đi bụi", cho đến khi công trình phụ xây xong và bàn giao cho nhà trường thì lại bị đóng cửa, không được đưa vào sử dụng.

Được biết, Phòng GD&ĐT huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) đã cho xây dựng hai nhà vệ sinh tại hai phân hiệu của trường là Phước Thái và Phước Trung vào năm 2012. Tổng số vốn đầu tư 2 công trình phụ này vào khoảng 800 triệu đồng.

Nha ve sinh khung tien ty khoa cua, hoc tro... danh bua bai
Nhà vệ sinh bị đóng cửa nên thầy trò Trường tiểu học Phước Cát 2 phải "đi bờ bụi". Ảnh: Tuổi Trẻ

Công trình nhà vệ sinh được xây dựng theo chương trình “Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học giai đoạn 2010 - 2015” (SEQAP). Nhà vệ sinh có diện tích khoảng 50m2, trải qua ba năm xây dựng, công trình vẫn chưa hoàn tất không chỉ khiến thầy trò trong trường mà người dân nơi đây cũng rất bức xúc.

Thông tin về vấn đề này ông Nguyễn Văn Nam, Hiệu phó Trường tiểu học Phước Cát 2 cho biết: "Sáng hôm nay Phòng Giáo dục về kiểm tra thì bên thi công vẫn đang tiến hành sửa chữa lại. Trước đó bên thi công cũng đã bàn giao chìa khóa nhưng còn thiếu điện, máy bơm, chưa có nước nên chưa đưa vào sử dụng, bây giờ họ mới lên tu sửa lại.

Ông cũng thông tin thêm, do thầy cô ý kiến nhiều, nên xã cũng đã cho người vào phá cửa nhà vệ sinh để cho thầy cô và học sinh vào sử dụng, vì một bên phân hiệu vẫn có nước.

"Lâu nay không có đầu tư thì không có nhà vệ sinh, đến khi có dự án của Gad dành cho 7 trường tiểu học trên huyện Cát Tiên. Nhưng do bên thi công chậm tiến độ nên gần đây khi nhà trường phản ánh nhiều quá, họ cũng đã vào hoàn thiện để bàn giao", ông Nam nói.

Đã hoàn thiện trong ngày...

Trao đổi về việc này, ông Đinh Ích Triều, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Cát cho hay, xã đã nhận được rất nhiều phản ánh từ các thầy cô cũng như từ người dân. Sau khi xem xét, xã đã cho người xuống làm biên bản và phá khóa cửa nhà vệ sinh cho các thầy cô và học sinh sử dụng.

"Tuy nhiên có nhà vệ sinh trên Phước Trung thì không có nước. Ngược lại, ở bên Phước Thái thì nước nhà vệ sinh không khống chế được, khi học sinh vào mở nước thì nước chảy tràn lan xuống sàn", ông Triều cho hay.

Phó Chủ tịch xã thông tin thêm, nhà vệ sinh này đã bàn giao lâu nhưng không có nước nên vì thế chưa đưa vào sử dụng. Đến chiều 19/1, nhà thi công mới cho người xuống sửa chữa, nhưng nước cả 2 bên vẫn chảy tràn lan.

"Khu vực đó cũng rộng nên chắc là thầy cô, học sinh cũng đi bừa bãi một chút, hoặc như thế nào đó", ông Nam hài hước.

Ông Trần Đình Thuận - Giám đốc Chương trình SEQAP cho hay: "Sáng nay bên tôi mới nhận được thông tin. Việc này đã giao hết cho địa phương rồi, từ đấu thầu, mua sắm vật liệu, xây dựng,... tất cả họ phải lo. Theo như báo cáo, phân cấp chủ đầu tư, toàn bộ cái nguồn này là tiền đưa vào nguồn ngân sách, và ngân sách này đưa về tận Ban quản lý dự án ở huyện. Trung ương đã giao hết vốn và quyền cho địa phương rồi".

"Hiện nay, chúng tôi đang yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng tìm hiểu và nắm rõ lại xem thông tin này nó như thế nào", ông Thuận nhấn mạnh.

Nhận định về sự việc, ông Phan Văn Hưng, trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cát Tiên cũng thông tin ngắn gọn: "Đơn vị thi công đã hoàn thành trong ngày (ngày 19/1)".

Chương trình “Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học giai đoạn 2010 - 2015” (SEQAP) được thực hiện trong năm học 2010 - 2011 từ Hiệp định Tài trợ giữa Việt Nam và Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB). Từ khi đi vào hoạt động, chương trình này đã giúp nhiều địa phương nâng cao chất lượng giáo dục bậc tiểu học, cũng như giúp nhiều học sinh nghèo ở những vùng khó khăn trong tỉnh có cơ hội đến trường.

Tại Lâm Đồng, SEQAP hỗ trợ 60 trường tiểu học khó khăn, có từ 200 học sinh trở lên tại 9 huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng (trừ TP Đà Lạt, huyện Lạc Dương và TP Bảo Lộc). Tại các trường này, SEQAP sẽ xây dựng tối đa hai lớp học (nhằm đảm bảo việc dạy học hai buổi/ngày) và 2 nhà vệ sinh, hỗ trợ học sinh tại những trường này 2 bữa ăn bán trú/ngày (mỗi bữa trị giá 15.000 đồng).

Hoàng Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI