Nhà văn viết gì thời COVID-19?

09/11/2021 - 13:59

PNO - Buổi tọa đàm trong khuôn khổ Trại sáng tác Hội Nhà văn TPHCM tại Phú Yên đã chạm đến mối lưu tâm chung của nhiều nhà văn về đề tài dịch bệnh.

Tọa đàm Nhà văn viết gì thời COVID? vừa được diễn ra trong khuôn khổ Trại sáng tác Hội Nhà văn TPHCM (từ ngày 5-12/11) tại Tuy Hòa, Phú Yên. Thời điểm này, dịch bệnh vẫn đang diễn ra tại TPHCM và các tỉnh thành. Đề tài về COVID-19 cũng là mối lưu tâm của nhiều nhà văn khi đã và đang trải qua quãng thời gian căng thẳng nhất của dịch bệnh. 

GS.TS-nhà văn Trình Quang Phú phát biểu tại tọa đàm
GS.TS. nhà văn Trình Quang Phú phát biểu tại tọa đàm

Có mặt ở tọa đàm chiều ngày 8/11, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm bàng hoàng cho biết trưa cùng ngày, ông vừa nhận tin người thân ở TPHCM có kết quả dương tính với COVID-19. Nhà thơ Nguyên Trân bật khóc khi nhắc về gia đình người bạn có đến ba thành viên tham gia lực lượng tuyến đầu và đã mất vì COVID-19. Nhà văn, nhà báo Phương Trà (Phú Yên) - người trực tiếp xông pha vào khu điều trị nói rằng những gì đã tận mắt nhìn thấy trong dịch bệnh này, suốt đời chị cũng không thể nào quên...

Tất cả các nhà văn đến từ TPHCM đều cùng trải qua giai đoạn giãn cách căng thẳng nhất của TP, đã thấm thía những cảm giác từ hoảng sợ đến đau xót trước những mất mát quá lớn trong đại dịch. Và hơn ai hết, người cầm bút chính là những người nhận lãnh phần trách nhiệm, nói như nhà văn Nguyễn Thị Kim Thanh "nhà văn là thư ký của thời đại".

Vậy nhà văn sẽ viết những gì?

Nhà văn - nhà báo Phương Trà đã có những ngày dấn thân vào tâm dịch Phú Yên
Nhà văn - nhà báo Phương Trà (đứng) đã có những ngày dấn thân vào tâm dịch Phú Yên và đã viết cả bút ký, truyện ngắn lẫn thơ về dịch bệnh

Buổi tọa đàm chia sẻ nhiều góc nhìn, lựa chọn của nhà văn trước đề tài dịch bệnh COVID-19. Nhà văn Trầm Hương - Phó chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM bày tỏ, chị bị ám ảnh bởi những người nghèo khắp mọi tỉnh thành đã bằng mọi giá về quê. Đồng thời chị cũng muốn ngòi bút hướng đến cái gọi là "dũng khí Sài Gòn" - sự đối mặt, đoàn kết, tương trợ nhau kịp thời để cùng nhau vượt qua hoạn nạn. 

"Đại dịch bộc lộ rõ nhất nỗi đau và tình người, thấy được sức mạnh và tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc. Đó mới là những giá trị lớn lao mà văn chương cần tiếp cận"- nhà văn Đỗ Viết Nghiệm nói.

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc nhận định, COVID-19 là đề tài có phạm vi rất rộng lớn cho văn học nghệ thuật. "Thông tin về COVID diễn ra từng ngày, nhưng đó là thời sự. Còn với văn chương, cái để lại cần là thân phận con người" - nhà văn Nguyễn Minh Ngọc nêu ý kiến.

"Thân phận con người" cũng là từ mà nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM chia sẻ khi nói về đề tài văn chương thời dịch bệnh. Theo chị, những trang viết từ tận cùng nỗi đau, những cảm nhận thấm thía thì sẽ hay, sẽ chạm đến cảm xúc hoặc những rung động mãnh liệt nơi người đọc. Điều này hoàn toàn đúng. Có nhiều tác giả không phải là người cầm bút chuyên nghiệp, nhưng khi họ trải qua thống khổ, thấm thía đau đớn của đời mình, những trang viết của họ có thể tạo ra tác phẩm để đời. 

Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ cho biết, trong thời gian giãn cách ông đã sáng tác được 300 bài thơ
Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ cho biết, trong thời gian giãn cách ông đã sáng tác được 300 bài thơ

Ở tâm thế khác hơn, nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên chia sẻ rằng, chị sáng tác từ những cảm nhận bên trong trái tim của một người phụ nữ. Những bài thơ chị viết trong thời gian giãn cách về những điều rất gần gũi, quen thuộc mỗi ngày của mình nhưng đó cũng chính là thể hiện tâm cảm chung của nhiều người. "Tôi nghĩ mình sẽ khóc một trận..." là một trong những bài thơ chị viết trong những ngày "ở yên trong nhà":

"Ai đó bảo rằng đã chạy bộ trên

balcon dài 7 bước chân

được 45km

Tôi tự hỏi tôi đã đi được bao nhiêu

km trong căn hộ bé xíu của mình

trong mùa dịch?

Một ngày bắt đầu bằng việc đi tới đi lui

lau lau quét quét

và lại lau lau quét quét đi tới đi lui

dọn rồi dọn nữa...".

Nhà văn thời dịch bệnh, việc "dấn thân" vào tuyến đầu để cảm nhận, tìm chất liệu sáng tác là điều bất khả - trừ trường hợp nhà văn là nhà báo phụ trách mảng y tế. Vì vậy, có thể nói rằng, cho đến thời điểm này, những cuốn sách/các sáng tác đã xuất bản/công bố của nhà văn phần lớn là cảm nhận từ bên ngoài. Còn "thân phận con người" và những đau đớn mất mát trong dịch bệnh rất cần người cầm bút có được cái nhìn từ bên trong.

Đoàn nhà văn TPHCM tham dự lễ khai mạc trại sáng tác
Đoàn nhà văn TPHCM tham dự lễ khai mạc trại sáng tác

Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, đối với những đề tài mang tính thời sự, thơ thường sẽ là thể loại "xung kích", kịp thời nhất. Còn văn xuôi, đặc biệt là tiểu thuyết khó có thể theo kịp những đề tài thời sự như là COVID-19 hiện nay. Vừa qua, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam (đã công bố kết quả và chuẩn bị in tuyển tập). Còn đối với các thể loại khác, vẫn còn phải chờ thêm nhiều tác phẩm hay. 

"Dịch bệnh vẫn chưa qua và nhà văn cũng cần có độ lùi thời gian để sáng tác" là tâm tư chung của nhiều người cầm bút. Nếu viết vội, tác phẩm văn xuôi có thể trở thành một sản phẩm được "nâng cấp" văn học từ chất liệu báo chí. Nếu viết vội, tác phẩm thậm chí chỉ mang tính thời sự mà không đủ sức bật và có giá trị vượt thời gian.

Trại sáng tác Hội Nhà văn TPHCM khai mạc vào ngày 7/11 tại TP. Tuy Hòa, Phú Yên. Trong khuôn khổ hoạt động, các nhà văn được đi thực tế tại ghềnh đá dựng trên núi, trồng cây ở công trình Trúc Lâm Thiền Viện, Viếng đền thờ Bác Hồ ở cao nguyên Vân Hòa, thăm vườn cây đỏ Vân Hòa, vườn dâu ở Sơn Hòa...

Trong tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường, trại sáng tác diễn ra trong phạm vi giao lưu giữa lãnh đạo địa phương cùng đại diện các nhà văn thuộc Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên và các thành viên đoàn nhà văn TPHCM. Các thành viên đều xét nghiệm nhanh âm tính trước khi lên máy bay và lưu trú tại Đồi Thơm - khu vực cách xa khu dân cư. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI