Nhà văn Phong Điệp: “Không thể cứ đi mãi con đường cũ”

07/09/2023 - 09:19

PNO - "Cuốn sổ máu" là tiểu thuyết hình sự, tâm lý vừa ra mắt của nhà văn Phong Điệp. Một câu chuyện đầy sức cuốn hút, ám ảnh với tội ác nhưng cũng đau xót, bi thương về thân phận con người. Dịp này, Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc trò chuyện cùng chị về đời, về nghề...

Nhà văn Phong Điệp viết tác phẩm đầu tay Khi ta hai mươi (in năm 1996). Đến nay, gia tài văn chương của chị đã lên đến gần 30 tác phẩm với nhiều thể loại. Viết cho người trẻ hay viết về thân phận con người, kể chuyện thiếu nhi hay khai thác đến cùng thế giới nội tâm của người trưởng thành, chị đều để lại dấu ấn rất riêng. Phong Điệp cũng là một trong những nhà văn nữ hiếm hoi hiện nay theo đuổi và thành công với thể loại hình sự, tâm lý. 

Nhà văn Phong Điệp - Ảnh do nhân vật cung cấp
Nhà văn Phong Điệp - Ảnh do nhân vật cung cấp

Viết vì lời hứa với nhân vật

Phóng viên: Chúc mừng chị vừa ra mắt tác phẩm mới. Khoảng thời gian ngồi viết Cuốn sổ máu, cảm xúc của chị thế nào? 

Nhà văn Phong Điệp: Tôi viết Cuốn sổ máu trong những ngày tháng ở nhà thực hiện giãn cách, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Không khí nặng nề, u uất lúc ấy tác động không nhỏ đến tôi. Muốn có một không gian khác cho mình được tự do sáng tạo và không để cho câu chuyện dịch bệnh chi phối, tôi bắt tay vào viết.

Tác phẩm này cũng là lời hứa của tôi với Phượng - nhân vật chính trong sách. Tôi từng viết về Phượng trong truyện ngắn Người xa lạ, đăng Báo Văn Nghệ khoảng năm 2016, nhưng không hiểu sao tôi cứ mãi day dứt về Phượng. Tôi đã hứa với Phượng rằng sẽ còn tiếp tục viết về cuộc đời của cô ấy, trong một tác phẩm khác. Cuốn sổ máu đã ra đời như vậy.

* Trước khi chọn câu chuyện đã kể trong tác phẩm, chị từng có lựa chọn khác cho cuộc đời, số phận của các nhân vật hay một vụ án mạng có thể ít bi thương hơn?

- Tôi biết có những nhà văn, trước khi bắt đầu tác phẩm, họ xây dựng sơ đồ chi tiết về bố cục, diễn biến, tuyến nhân vật… Nhưng tôi thì khác. Tôi phác ra một câu chuyện ban đầu và bắt đầu với cuộc phiêu lưu của mình. Hôm nay tôi sẽ chưa thể biết ngày mai nhân vật của mình sẽ ra sao, sẽ phải làm gì. Song điều ấy kích thích tôi ghê gớm. Tôi trở thành một nhân vật đặc biệt trong chính câu chuyện mà mình đang viết và sống trọn vẹn trong câu chuyện cùng với nhân vật, suy nghĩ theo cách của nhân vật. Đã có lúc tôi tự hỏi: thực ra thì mình viết nên/tạo ra câu chuyện này hay chính các nhân vật trong tác phẩm thúc giục tôi viết về cuộc đời của họ?

Vậy nên tôi nghĩ, nếu nhân vật của mình không ngại đối diện với điều đó thì sao mình lại ngại? Mà xét cho cùng, cuộc đời này, nhiều việc chúng ta sẽ trải qua thường nằm ngoài khả năng tính toán, sắp đặt trước. Quan trọng là cách chúng ta ứng xử với cuộc đời của mình. Tôi muốn câu chuyện mình viết ra có một không gian sáng tạo không giới hạn, những thử thách không giới hạn để giúp nhân vật bộc lộ hết tính cách, phẩm chất con người của nhân vật. Và đương nhiên, đó cũng là cách để nhà văn được sống “cháy mình” với tác phẩm đó.

* Tác phẩm viết về đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia, với “ông trùm” là chủ tập đoàn kinh tế lớn cùng những người liên quan là lãnh đạo, cán bộ cấp cao… Trong văn chương, có “vùng cấm” nào chưa thể chạm đến không thưa chị?

- Tôi tin văn chương đủ sức mạnh, đủ quyền năng để chạm tới tất cả các vấn đề xã hội, dù nóng bỏng, phức tạp đến đâu. Tôi thích câu nói của Balzac - “Nhà văn là thư ký trung thành của thời đại”. Thời đại đặt ra biết bao nhiêu vấn đề cần nhà văn lên tiếng, làm sao nhà văn có thể làm ngơ.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, nhà văn cũng phải có phẩm cách của một “thư ký” đặc biệt của thời đại, phải quan tâm đến mọi vấn đề của đời sống, không ngừng đặt ra những câu hỏi để phân tích và lý giải những vấn đề ấy. Nếu không đau đáu, trăn trở, ưu tư, để rồi viết ra những tác phẩm của mình thì nhà văn có còn xứng với danh xưng mà bạn đọc, xã hội đã trao cho mình hay không?

Cuốn sổ máu - tiểu thuyết hình sự, tâm lý vừa ra mắt của nhà văn Phong Điệp
Cuốn sổ máu - tiểu thuyết hình sự, tâm lý vừa ra mắt của nhà văn Phong Điệp

Sẽ thử sức với đề tài chiến tranh cách mạng

* Thể loại hình sự, tâm lý luôn thu hút bạn đọc. Nhưng với chị, thể loại này thách thức nhà văn ra sao?

- Tôi chỉ mới bắt đầu thử sức với thể loại tâm lý hình sự. Nó thực sự khó đối với tôi. Nếu chỉ khai thác tâm lý thì dù sao tôi có ít nhiều thế mạnh, nhưng về yếu tố hình sự thì cần phải có sự hiểu biết, thực tiễn và kinh nghiệm. Nó vừa là lĩnh vực khoa học, vừa đòi hỏi kiến thức đa dạng và uyên bác. Nếu non tay thì những trang viết sẽ trở nên bị lố, dễ dàng bị độc giả bắt lỗi. 

Nhưng chính vì khó nên thể loại này khiến tôi hào hứng, muốn thử sức. Tôi tạm nhận là mình có những kiến thức ở mức “sơ đẳng” trong mảng hình sự, nhờ những năm học tại Trường đại học Luật, nhưng để trở thành nhà văn viết truyện tâm lý - hình sự thì tôi sẽ phải học hỏi thêm. Tôi nghĩ mình cần phải khác, phải mới mẻ hơn, phải tự đặt ra cho mình nhiều thử thách hơn để nỗ lực vượt qua. Cứ đi mãi con đường cũ, viết những thứ độc giả vốn đã thuộc nằm lòng về tác giả sẽ cho tôi sự an toàn, nhưng lâu dần tôi e rằng tôi sẽ tự chán mình trước khi độc giả chán tôi.

* Trước Cuốn sổ máu, chị từng có Ga ký ức, Vực gió, Biên bản bão… - đều là những câu chuyện khai thác về thân phận, số phận bi thương của con người. Có phải đó cũng là cách nhà văn đã chọn - viết để soi chiếu cuộc đời, soi chiếu chính mình?

- Cảm ơn bạn đã “đọc” tôi rất đúng. Mối quan tâm lớn nhất của tôi thể hiện rõ trong các sáng tác đó là thân phận con người. Công việc làm báo cùng với sở thích xê dịch cho tôi cơ hội được đi đến nhiều vùng miền, tiếp xúc với nhiều nhân vật. Mỗi khi ngồi với họ, nghe họ nói, nhìn sâu vào đôi mắt họ, cầm bàn tay của họ, nghe nhịp thở của họ… tôi luôn có khao khát được hiểu thật tường tận cuộc đời của họ. Với xã hội, họ có thể chỉ là những con người bình thường, có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu. Nhưng nếu thực sự lắng lòng mình lại, nghĩ ngợi nhiều hơn thì đối với tôi, cuộc đời của họ, những ưu tư của họ rất đáng được biết đến, được hiện diện thông qua những tác phẩm văn học. 

Những nhân vật hiện diện trong Cuốn sổ máu của tôi, những đứa trẻ ở trại trẻ mồ côi luôn khát khao có mẹ, như người xe ôm tên Chiến luôn mong muốn làm những điều tử tế… Dù không hoàn toàn từ nguyên mẫu cụ thể nào, tôi tin người đọc có thể bắt gặp bóng dáng của họ trong đời sống này. Để rồi khi hiểu hơn về cuộc đời của những con người bình dị ở quanh mình, tôi tin mỗi chúng ta sẽ học được cách để sống ý nghĩa, không phải hổ thẹn với chính mình.

* Nhìn lại hành trình cũng như “gia tài” văn chương của mình, đến giờ, còn điều gì có thể thách thức chị hay thể loại nào chị muốn chinh phục trên hành trình chữ nghĩa?

- Đề tài chiến tranh cách mạng là thách thức lớn mà tôi thực sự muốn thử sức. Thế hệ tôi sinh ra sau chiến tranh, “vốn liếng” về chiến tranh chưa nhiều. Nhưng nhiều dịp đi dọc đất nước, tôi đã đứng lặng trước những dấu tích của chiến tranh, được gặp những người lính trở về từ cuộc chiến với những nỗi niềm không dễ bày tỏ; những người phụ nữ làm “hòn vọng phu” chờ chồng suốt cả cuộc chiến để rồi đến giờ vẫn một mình lẻ bóng, những đứa trẻ là nạn nhân của chất độc da cam… Tất cả điều đó khiến trái tim tôi như bị bóp nghẹt. Trong tôi như thể có một sự thôi thúc tự tâm rằng mình cần phải viết gì đó. Nếu không, tôi có cảm giác mình đang mắc nợ…

* Cảm ơn chị đã chia sẻ. 

Bùi Tiểu Quyên (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI