Nhà trường sẵn sàng cam kết với phụ huynh đảm bảo an toàn khi học sinh đến trường

11/01/2022 - 14:36

PNO - “Có phụ huynh hỏi rằng, trường yêu cầu phụ huynh phải làm cam kết khi cho con đến trường, vậy trường có dám làm cam kết đảm bảo an toàn cho trẻ khi đến trường không?”.

Câu chuyện được cô Hồ Thị Ngọc Sương - Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An, quận 1 - cha sẻ đến đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM về công tác dạy học trực tiếp và chuẩn bị cho các khối lớp khác trở lại trường vào sáng 11/1. 

Sẵn sàng làm cam kết với phụ huynh 

Đoàn khảo sát của Ban Văn hoá- Xã hội, HĐND TP.HCM kiểm tra công tác chuẩn bị mở rộng thêm khối lớp tại Q.1
Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM làm việc về công tác chuẩn bị mở rộng thêm khối lớp trở lại trường tại quận 1

Hồ Thị Ngọc Sương cho hay, trường sẵn sàng mời phụ huynh đến, thông tin đến phụ huynh về biện pháp phòng dịch và sẵn sàng làm cam kết với phụ huynh. “Nghe tiếng học trò trong sân trường, tiếng cười nói của các em là niềm hạnh phúc của thầy cô”, cô Sương bày tỏ. 

Thông tin đến đoàn về việc dạy học trực tiếp thời gian qua, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An cho biết, công tác tổ chức được nhà trường linh động triển khai theo từng lớp, kết hợp trực tuyến, trực tiếp. Trường hợp giáo viên cách ly thì sẽ dạy trực tuyến tại nhà, còn học sinh học trực tiếp với sự hỗ trợ của giáo viên khác. Trên hết, tạo mối quan hệ chặt chẽ với học sinh thông qua giải pháp công nghệ, đưa bài giảng đến các em…

“Hiện tỷ lệ học sinh khối 9 đi học trực tiếp là gần 100%, chỉ trừ một vài trường hợp học sinh hòa nhập, học sinh ở tỉnh. Với 34% phụ huynh khối 6 đồng thuận đi học trực tiếp, trường sẽ tăng cường tuyên truyền đến phụ huynh qua các kênh thông tin, mạng xã hội”, cô Hồ Thị Ngọc Sương nói.

Tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1), đợt khảo sát mới đây về sự đồng thuận của phụ huynh đã tăng từ hơn 30% lên 69,9%. Để đạt được kết quả này, cô Trần Bé Hồng Hạnh - Hiệu trưởng - cho biết, trường đã rà soát lại bộ tiêu chí đánh giá an toàn trường học, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng dịch, phòng cách ly tạm thời. Thường xuyên thông tin rộng rãi đến phụ huynh về kế hoạch phòng dịch của trường để phụ huynh an tâm.

Theo cô Trần Bé Hồng Hạnh, với sĩ số học sinh chỉ 30 em/lớp, có 3 cổng ra vào, từng cổng bố trí lệch giờ sẽ là thuận lợi khi tổ chức dạy học trực tiếp. Thời gian đầu trường sẽ không tổ chức bán trú song vẫn tăng cường lực lượng bảo mẫu hỗ trợ vệ sinh, chăm sóc học sinh…

“Trường đã tính nhiều phương án, kết hợp với thiết bị công nghệ trong từng lớp để vừa dạy học trực tiếp và trực tuyến. Tuy nhiên, với học sinh tiểu học, nếu kết hợp thì sẽ không đạt hiệu quả cao. Do vậy, trường vẫn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh an tâm. Tuy nhiên kinh phí sẽ khó khăn…”, cô Trần Bé Hồng Hạnh chia sẻ. 

Nghiên cứu xu hướng thích ứng trường học trong bình thường mới

Báo cáo đoàn khảo sát về tình hình tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh từ khối 7 đến khối 12 trên địa bàn quận 1, bà Mai Thị Hồng Hoa - Phó chủ tịch UBND quận 1 - cho biết công tác này đang rất khả quan. Toàn quận có 20 cơ sở giáo dục đạt yêu cầu tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 13/12/2021. Các đơn vị hiện đang tổ chức dạy học theo cấp độ 2 và luôn dự phòng các phương án để phù hợp với từng cấp độ dịch.

Phó chủ tịch UBND quận 1 đánh giá, thuận lợi của địa phương khi dạy học trực tiếp là tỷ lệ giáo viên tiêm vắc xin cao, cơ sở giáo dục quan tâm nhiều đến biện pháp phòng dịch, việc đảm bảo giãn cách rất tốt, tâm lý học sinh phấn khởi, phụ huynh an tâm. 

“Tỷ lệ khảo sát sự đồng thuận của phụ huynh ban đầu đạt dưới 50%. Sau khi tìm hiểu, thấy rằng phụ huynh lo lắng về biện pháp an toàn phòng dịch, xử lý F0, nhà trường đã chia sẻ để phụ huynh hiểu, từ đó tỷ lệ đồng thuận tăng dần từ 90% lên 94% và nay là 97%. Đây là tín hiệu đáng mừng trong việc học trực tiếp. Nhìn các con đến trường chúng ta hiểu cuộc sống đã dần bình thường trở lại”, lãnh đạo UBND quận 1 bày tỏ. 

Theo Phó chủ tịch UBND quận 1, những thuận lợi này cũng là áp lực trong giai đoạn sắp tới, là bài toán quận phải tính toán kỹ vì địa bàn hạn chế về cơ sở vật chất, trường lớp nhỏ. Ngoài ra, còn là khó khăn về kinh phí phòng dịch khi học sinh trở lại trường, về nhân sự chuyên trách y tế. Việc tách lớp dạy hiện nay chưa đạt hiệu quả cao. Trường vừa tổ chức dạy trực tiếp, vừa trực tuyến nên hạn chế trong việc hỗ trợ học sinh. Phụ huynh lo lắng về biến chủng mới… 

Tiến tới việc bình thường hơn khi học sinh trở lại trường
Cần nghiên cứu xu hướng thích ứng trường học trong bình thường mới

Về kế hoạch mở rộng học trực tiếp đối với các khối còn lại, quận 1 đã tổ chức khảo sát phụ huynh. Kết quả, ở khối mầm non, tỷ lệ đồng thuận dao động từ 4,35-40,78% tùy từng độ tuổi; khối tiểu học dao động từ 32,32-66,19%; ở khối 6 là 45,9%.

Do tỷ lệ đồng thuận còn thấp, quận 1 kiến nghị TP sớm tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ từ 3 đến dưới 12 tuổi, tạo sự an toàn cho trẻ và an tâm cho phụ huynh. Quận cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền với phụ huynh, cũng như tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trong nhà trường. 

Từ kết quả tổ chức tại quận 1, ông Nguyễn Minh Nhựt - Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM - Trưởng đoàn khảo sát, đánh giá TPHCM đã đủ tự tin, đầy đủ cơ sở khoa học, pháp lý tiếp tục đón các khối lớp khác đi học bình thường. Các trường không chủ quan, tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức.

Ông Nhựt cũng cho biết TPHCM sẽ có đề án chính sách đặc thù để hỗ trợ, phát triển đội ngũ y tế học đường.

“Nhà trường cần nghiên cứu xu hướng thích ứng trong trường học theo hướng bình thường mới, song song đẩy mạnh công tác truyền thông để gia tăng sự đồng hành của phụ huynh”, ông Nguyễn Minh Nhựt gợi ý.

Én Bông 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI