Nhà trọ thân thiện, an toàn cho phụ nữ và trẻ em - Bài 1: Khu trọ không để trẻ em bỏ học

13/02/2025 - 06:10

PNO - Từ cuối năm 2021, Hội LHPN quận Bình Tân (TPHCM) triển khai mô hình “Nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Đến nay, quận này đã có 9 khu nhà trọ áp dụng mô hình này với điểm chung là chủ trọ luôn dành sựquan tâm, tiếp sức cho trẻ em, không để em nào thất học hay bỏ học giữa chừng.

Cùng với hàng trăm khu nhà trọ xanh - an toàn - nghĩa tình khắp các quận huyện, Hội LHPN TPHCM đã nhân rộng 74 mô hình nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại quận Bình Tân và huyện Hóc Môn. Hội phụ nữ các cấp đã cùng các câu lạc bộ, tổ, nhóm nữ chủ nhà trọ nỗ lực để tạo môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em tại các khu trọ, khu lưu trú công nhân, giúp họ an tâm sinh sống, làm việc và đóng góp cho sự phát triển của thành phố.

Ưu tiên hàng đầu cho học tập

Bà Phạm Thị Nhỏ thường động viên trẻ em trong khu trọ của mình học tập và rèn luyện tốt
Bà Phạm Thị Nhỏ thường động viên trẻ em trong khu trọ của mình học tập và rèn luyện tốt

Bà Phạm Thị Nhỏ có khu trọ 54 phòng, xây theo lối chữ U trên đường Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo, quận Bình Tân. Nằm giữa khu trọ là căn nhà của gia đình bà với khoảng sân rộng hơn 100m2. Chiều tối nào ở đây cũng rôm rả tiếng trẻ thơ. Các em tụ tập ngồi đọc truyện tranh, chơi đá bóng, xích đu, đạp xe. Cũng trong khoảng sân này, vào chiều thứ Sáu và 2 ngày cuối tuần, thầy cô giáo từ Trường tiểu học Tân Tạo sẽ đến hỗ trợ các em học hành.

Dù kinh doanh nhà trọ nhưng bà Nhỏ vẫn luôn coi việc học của trẻ em là ưu tiên hàng đầu. Bà ghi chép rất tỉ mỉ về năm sinh, lịch học của từng trẻ. Em nào sắp tới tuổi đi học, bà nhắc phụ huynh lo hồ sơ đăng ký. Những trường hợp khó khăn bà sẽ tìm cách “gỡ” để trẻ được đến trường đúng tuổi và duy trì việc học mà không bị áp lực tài chính. Như trường hợp em Lê Việt Hoàng - 8 tuổi, học sinh Trường tiểu học Bình Tân - gặp trục trặc giấy tờ khi vào lớp Một. Cha em định cho em học trễ 1 năm, nhưng bà Nhỏ nhất định không chịu. Bà đã phụ lo giấy tờ, xin xác nhận cư trú rồi chỉ đường phụ huynh xin nhập học cho con.

Chuyện bà Nhỏ coi trọng việc học của trẻ bắt nguồn từ chuyện của gia đình bà. Vợ chồng bà có 5 người con. Do hoàn cảnh khó khăn nên 2 con trai lớn phải nghỉ học từ năm lớp Mười để ra đời giúp cha mẹ. Khi trưởng thành, vất vả mưu sinh, các anh đều bày tỏ sự nuối tiếc vì đã bỏ học giữa chừng. Và bà Nhỏ cũng đã tự trách mình: “Phải chi ngày đó cương quyết cản các con!”.

Bởi vậy, năm 2023, khi Hội LHPN quận Bình Tân khảo sát, đề xuất hỗ trợ xây dựng “Nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em” với những dụng cụ thể dục ngoài trời, bàn ghế và gần 1.000 đầu sách để tạo không gian học tập hứng khởi cho trẻ, bà Nhỏ rất vui và đồng ý ngay. “Nghe các cô nói mở tổ hỗ trợ học tập và góc đọc cho trẻ là tôi ưng liền. Nói tới chuyện học hành là vợ chồng tôi không bao giờ bàn ra hay nề hà vất vả” - bà Nhỏ khẳng định.

Từ tháng 7/2023 tới nay, mỗi tuần một buổi, cô Cao Thị Nhan - giáo viên Trường tiểu học Tân Tạo - đều đặn ghé khu trọ của bà Nhỏ để chỉ bảo từng trẻ học hành. Cô Nhan tâm sự: “Các em rất ngoan, chăm học. Chủ trọ thì nhiệt tình, chu đáo. Tôi mong mô hình này ngày càng lan tỏa”.

Cô giáo Cao Thị Nhan hỗ trợ trẻ trong khu trọ của bà Phạm Thị Nhỏ học tập
Cô giáo Cao Thị Nhan hỗ trợ trẻ trong khu trọ của bà Phạm Thị Nhỏ học tập

Thương nhau mà sống
Chuyện đến trường học cái chữ của cậu bé Trần Chí Bảo - học sinh lớp Bốn, Trường tiểu học Bình Thuận, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân - thật đặc biệt. Khi Bảo đến tuổi ra lớp cũng là lúc ông bà ngoại đưa em đến ở khu trọ của bà Đặng Thị Xuân ở khu phố 20, phường Bình Hưng Hòa A. Gặp khách đến thuê phòng, điều đầu tiên bà Xuân quan tâm là “liệu cháu nó có được đi học không?”.

Chị Võ Thị Ba - bà ngoại của Bảo - thiệt tình: “Định không cho cháu đi học, vì hoàn cảnh khó khăn quá”. Bà Xuân thẳng thừng: “Không cho cháu đi học thì đừng ở đây. Chuyện học hành của trẻ không thể coi thường”. Tưởng đâu bị đuổi khéo, nhưng rồi bà chủ trọ nói tiếp: “Bay khó gì thì nói một tiếng, cô phụ cho. Tiền trọ cô du di được. Tập, sách để cháu đi học thì cô tặng”.

Từ Bạc Liêu lên TPHCM kiếm sống, vợ chồng chị Võ Thị Ba đi rửa chén, giúp việc nhà, phụ hồ. Họ đều không biết chữ, lại khó khăn, nên chỉ mong có cơm ngày 2 bữa là mừng, chứ không quan tâm đến việc học hành của con cháu. Dọn vô khu trọ của bà Xuân, họ được chỉ dẫn làm giấy tờ để cháu mình được đi học.

Cô giáo Nguyễn Lê Tuyết Hân dành ngày cuối tuần để hướng dẫn trẻ nhỏ ở khu nhà trọ của bà Đặng Thị Xuân ôn bài
Cô giáo Nguyễn Lê Tuyết Hân dành ngày cuối tuần để hướng dẫn trẻ nhỏ ở khu nhà trọ của bà Đặng Thị Xuân ôn bài

Tháng 8/2023, Hội LHPN quận Bình Tân triển khai mô hình “Nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại khu trọ của bà Đặng Thị Xuân, trong đó có xây dựng góc đọc sách, tổ chức lớp võ tự vệ và tổ hỗ trợ học tập với nhiệm vụ giúp các em nhỏ ôn bài, rèn chữ, lấy lại kiến thức nếu bị mất căn bản.

Có tổ hỗ trợ học tập, bà Xuân sắm bảng, bàn ghế cho các em ngồi học thoải mái. Các lớp học diễn ra vào thứ Bảy và Chủ nhật. Những buổi tối còn lại, nếu các em cần vẫn có thể hỏi bài một cô giáo là con dâu của bà Xuân ở ngay trong khu trọ. Chương trình lớp Bốn, lớp Năm, môn tiếng Anh và võ thuật đều có giáo viên phụ trách. Các thầy cô đều là giáo viên Trường tiểu học Bình Thuận.

Cô Nguyễn Lê Tuyết Hân - phụ trách lớp Bốn - phấn khởi cho hay, từ một cậu bé học chậm, rụt rè, nay em Trần Chí Bảo đã tiến bộ, tự tin, làm bài đúng và nhanh nhất lớp. Gần 2 năm nay, bà ngoại Bảo, chị Võ Thị Ba, được bà Xuân kết nối vay vốn đầu tư mở tạp hóa. “Nhờ có mẹ con cô Xuân mà cháu tôi không thất học. Nhà tôi đã có thành viên biết chữ rồi” - chị Ba rạng rỡ.

Khu phòng trọ của bà Xuân hiện có 52 phòng với khoảng 60 trẻ dưới 15 tuổi. Ngoài được chăm lo học hành, trẻ còn được tham gia các hoạt động văn nghệ của khu phố, vui chơi, sinh hoạt hè. Phụ huynh của các em cũng được chủ trọ kết nối với các đơn vị tuyển dụng để có việc làm, kết nối vay vốn để đầu tư máy móc phục vụ công việc mưu sinh. Chị Nguyễn Thị Hồng Nương - con gái bà Xuân, đang quản lý khu trọ - tâm sự: “Mỗi lần kết thúc năm học tôi lại hãnh diện vì các cháu đã hoàn thành chương trình, lên lớp, ngoan ngoãn và khỏe mạnh. Mình kinh doanh nhà trọ, các bạn đang nuôi mình, còn mình giúp các bạn chuyện học hành là có qua có lại, thương nhau mà sống”.

Quận Bình Tân hiện có hơn 8.334 hộ kinh doanh nhà trọ với hơn 89.312 phòng. Khách thuê trọ đa phần là anh chị em công nhân, lao động từ các tỉnh, cùng với cha mẹ, con cháu họ. Xây dựng mô hình “Nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, chúng tôi muốn góp sức tạo ra môi trường sống an toàn, thân thiện, nơi trẻ em chắc chắn được đến trường và phụ nữ an tâm lao động. Đến nay, hội đã thành lập 9 tổ hỗ trợ học tập cho trẻ em nhà trọ với 57 thành viên là giáo viên, sinh viên, cán bộ hội, trực tiếp hỗ trợ 123 học sinh tiểu học đạt kết quả học tập tốt. Hội cũng đã mở 9 lớp võ tự vệ miễn phí cho phụ nữ và trẻ em tại các khu trọ hoặc tại các trường gần nhà trọ vào chiều tối…
n Bà Huỳnh Đặng Hà Tuyên - Chủ tịch Hội LHPN quận Bình Tân

Mẫn Nhi

Kỳ tới: Những khu trọ nói “không” với cái xấu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI