Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng: "Trung Quốc bất chấp thủ đoạn độc chiếm Biển Đông"

02/09/2020 - 18:19

PNO - Trung Quốc chưa bao giờ là quốc gia quần đảo như các nước trong khu vực Thái Bình Dương. Yêu sách Tứ Sa hoàn toàn trái với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển quốc tế (UNCLOS) 1982 nên chắc chắn sẽ bị dư luận quốc tế vạch trần.

 

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược quốc phòng
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược quốc phòng

Theo thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, năm 1982, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc - Lưu Hoa Thanh - tuyên bố, Trung Quốc phải làm chủ biển khơi. Sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII (năm 2012), Trung Quốc đưa ra “giấc mộng Trung Hoa”, xác định Trung Quốc phải trở thành cường quốc vào năm 2049. “Giấc mộng Trung Hoa” còn xác định, Trung Quốc phải vươn ra làm chủ biển khơi của thế giới. 

Năm 2015, Sách trắng quốc phòng của Trung Quốc lần đầu tiên công khai tham vọng độc chiếm Biển Đông. Chiến lược quân sự mới của Trung Quốc năm đó nhấn mạnh phòng thủ, nhưng ý định tiến công cũng thể hiện rất rõ, quyết đoán hơn và có xu hướng thiên về giải quyết các tranh chấp bằng xung đột quân sự. Họ quấy rối hoạt động khai thác dầu khí của cả Việt Nam và Malaysia. Với những hành động như đâm chìm tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi hay cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, Trung Quốc muốn các nước trong khu vực cảm thấy rủi ro và buộc phải chấp nhận những yêu sách của họ. 

Trung Quốc quấy rối, gây áp lực hòng buộc các nước trong khu vực phải điều chỉnh chính sách của mình để thích hợp với “thực tế mới”, với những “việc đã rồi”, đó là sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông. Lợi dụng đại dịch COVID-19, Trung Quốc còn thực hiện chính sách ngoại giao hai hướng với Việt Nam và ASEAN. Hướng thứ nhất là gây áp lực trên thực địa; hướng thứ hai là thúc đẩy “ngoại giao khẩu trang” để lôi kéo, chia rẽ ASEAN. 

Trung Quốc còn ngang nhiên quân sự hóa ở Biển Đông, nhiều lần đe dọa sử dụng vũ lực. Tháng 10/2019, tại Diễn đàn Shangri La ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc - Ngụy Phương Hòa - tuyên bố, các quần đảo ở Biển Đông (họ gọi là Nam Hải) của Việt Nam, quần đảo Senkaku (họ gọi là Điếu Ngư) của Nhật Bản và các đảo chi nhánh đều là các đảo cố hữu của Trung Quốc, là vùng đất do tổ tiên họ để lại và họ sẽ không để mất một tấc đất. Họ thể hiện rõ việc coi thường bằng chứng lịch sử cũng như bằng chứng pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời thể hiện rõ việc họ quyết tâm thực hiện kế hoạch này.

Tháng 7/2016, Tòa Trọng tài thường trực Quốc tế ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò, nhưng ngay tháng Tám năm đó, trong đối thoại biển giữa Mỹ và Trung Quốc, đại diện Vụ Luật pháp quốc tế của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra lập trường gọi là Tứ Sa thay cho yêu sách đường lưỡi bò. Yêu sách này có ba điểm mới: yêu sách chủ quyền với bốn nhóm đảo, ngoài hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (họ gọi là Tây Sa, Nam Sa) còn có Đông Sa (quần đảo Pratas), Trung Sa (bãi cạn Macclesfield). Họ yêu sách đầy đủ các vùng biển (nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp, đặc quyền kinh tế, thềm lục địa với cả bốn nhóm đảo ấy. Ba là yêu sách quyền lịch sử ở Biển Đông. 

Trong công hàm ngày 12/12/2019 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi Liên Hiệp Quốc, ngoài lập trường về cái gọi là Tứ Sa, Trung Quốc còn yêu sách với các bãi ngầm và các cấu trúc nửa chìm nửa nổi ở Trường Sa, ở bãi cạn Macclesfield. Thậm chí, những bãi ngầm nằm hoàn toàn trong thềm lục địa của Việt Nam như bãi Tư Chính, họ cũng nói là của họ.

Họ đòi xác lập đường cơ sở bao quanh các nhóm đảo. Yêu sách này bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa từ đường cơ sở quần đảo như một quốc gia quần đảo. Trong khi Trung Quốc chưa bao giờ là quốc gia quần đảo như các nước trong khu vực Thái Bình Dương. Yêu sách Tứ Sa hoàn toàn trái với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển quốc tế (UNCLOS) 1982 nên chắc chắn sẽ bị dư luận quốc tế vạch trần.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ đẩy rủi ro địa chính trị tăng mạnh hơn và tương lai sẽ gây những sóng gió trong quan hệ hai nước. Điều đó thể hiện rằng, Trung Quốc không phải muốn làm gì cũng được, thích làm lúc nào thì làm mà sẽ có nhiều nước khác cùng lên tiếng để phản ứng, để ngăn chặn. Bởi đây là vùng biển của quốc tế chứ không phải ao nhà của Trung Quốc.

Uông Ngọc (ghi)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI