Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: 'Khơi dậy giá trị của Cách mạng tháng Tám bằng những việc làm thiết thực'

02/09/2018 - 06:00

PNO - Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trao đổi về giá trị của Cách mạng tháng Tám, cảm nhận của ông về sự kiện lịch sử trọng đại này.

Niềm vui của người dân một nước độc lập

Lúc nổ ra Cách mạng tháng Tám, tôi mới tám tuổi, trước năm 1945 sống ở Cầu Guột, cách huyện lỵ Phú xuyên (Hà Tây cũ) khoảng 1km. Đầu năm 1945 bỗng thấy xuất hiện quân sĩ Nhật, tên nào cũng cạo trọc lông lốc, kiếm samurai kè kè bên hông. Chúng chôn sống một người thanh niên ngay trên sân ga, truy lùng bọn Tây, đầm.

Sợ quá, gia đình tôi chạy lên Hà Nội. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, không còn bóng dáng bọn Tây, bọn Nhật nữa, bọn trẻ chúng  tôi thấy vui lắm. Lớn lên mới hiểu đó chính là niềm vui của người dân một nước độc lập!

Nguyen Phó Thủ tuóng Vũ Khoan: 'Khoi day giá trị của Cách mạng tháng Tám bang nhung viec lam thiet thuc'
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trao đổi về giá trị của Cách mạng tháng Tám

Thực ra khi lớn mới hiểu rõ được những khái niệm to tát đó chứ lúc ấy chỉ vui sướng chạy theo các đoàn biểu tình đông đảo, tập hợp đủ các tầng lớp nhân dân, thậm chí cả cảnh sát, lính khố xanh, khố đỏ rầm rầm diễu qua các đường phố Hà Nội, giương cao cờ đỏ sao vàng và các tấm biểu ngữ, miệng hô vang các khẩu hiệu yêu nước. Lớn lên tôi mới thấu hiểu lòng yêu nước, sự khát khao tự do đã liên kết muôn người như thế nào.

Lúc đó, ông có cảm nhận thế nào khi đất nước giành được độc lập tự do sau 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp?

- Đối với bọn trẻ con chúng tôi thì không khí rằm Trung thu năm đó thật đặc biệt. Ở hồ Hoàn Kiếm đã diễn ra cuộc tập trận giả náo nhiệt; chúng tôi vây quanh bờ hồ, reo hò rầm trời, đua nhau ném vỏ bưởi xuống thuyền đánh đuổi bọn quân xanh. Dọc theo các đường phố, nhà nhà bày “bàn thờ Tổ quốc” ra trước cửa, khi phá cỗ mời chào bất kỳ người nào đi ngang qua. 

Lớn lên tôi có dịp đi nhiều nước nhưng không ở đâu thấy có cái tục bày “bàn thờ Tổ quốc” cả. Đó là chiếc bàn thờ truyền thống, có bát hương, cây nến, lọ hoa, ngũ quả, chỉ có khác là ở giữa bày chân dung Cụ Hồ (lúc đó chưa gọi là Bác Hồ). Chưa biết chính xác Hồ Chủ tịch là người như thế nào song ngay từ đầu ai ai cũng yêu quý vì tác phong giản dị của Người, trong dân gian rầm rì tin đồn mắt cụ rất sáng và cụ chính là Nguyễn Ái Quốc. Những câu chuyện chia sẻ ở trên để lại trong tôi cảm nhận không bao giờ phai mờ về không khí hồ hởi, tự do và lòng yêu quý đối với lãnh tụ dân tộc.

Nguyen Phó Thủ tuóng Vũ Khoan: 'Khoi day giá trị của Cách mạng tháng Tám bang nhung viec lam thiet thuc'
Ngày 19/8/1945, tại quảng trường Nhà hát Lớn, hàng vạn người dân Thủ đô dự lễ míttinh chào mừng Ủy ban Quân quản

Một cảm giác nữa mà khi lớn lên tôi mới định nghĩa được là sức dân. Số là mùa Thu năm Ất Dậu (1945), nạn đói khủng khiếp hoành hành ở miền Bắc. Những người dân từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đói lả, lũ lượt kéo lên Hà Nội, thiếu đói làm cho da họ đen xịt, lê la bên các đống rác, nhiều người chết gục, thỉnh thoảng những cỗ xe bò lộc cộc trên đường, chở những xác người chết đưa đi chôn. Nhà tôi lúc đó ở phố Hàng Muối, một buổi sáng mở cửa ra thấy xác người chết đói co quắp trên bậc cửa nhà mình.

Trong bối cảnh bi đát như vậy, Bác Hồ kêu gọi diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, phát động phong trào hũ gạo tiết kiệm, thi đua sản xuất và tổ chức “Tuần lễ vàng”. Trong dịp đó, người dân Hà Nội kéo nhau đi hiến vàng để giúp nước như một ngày hội. Nhờ sự đóng góp của người dân, đời sống người dân ổn định, nạn đói bị đẩy lùi.  Như vậy một giá trị khác của Cách mạng tháng Tám là nó đã thay đổi số phận người dân, giúp họ thoát khỏi cảnh đói khát để tạo lập cuộc sống ấm no.

Cảm giác thứ ba còn đọng lại trong tôi, đó chính là hào khí cách mạng lúc bấy giờ. Vào 17/8/1945 có cuộc mítinh, tôi trèo lên hàng rào, chứng kiến hàng ngàn, hàng vạn người tập hợp, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới theo những nhịp chạy của họ. Đấy chính là lần đầu tiên tôi thấy nhiều cờ đỏ sao vàng như vậy, phủ đầy địa điểm của Nhà hát Lớn. Sau míttinh, mọi người kéo đi, vừa đi vừa hô to ủng hộ Việt Minh, phản đối phát xít Nhật. Dòng biểu tình ấy chính là khí thế của nhân dân. Cuộc cách mạng tháng Tám đúng là cuộc cách mạng của nhân dân. Đến ngày 2/9, chúng tôi kéo lên quảng trường Ba Đình để nghe Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập.

Nguyen Phó Thủ tuóng Vũ Khoan: 'Khoi day giá trị của Cách mạng tháng Tám bang nhung viec lam thiet thuc'
 

Ấn tượng tiếp theo với tôi là sau Cách mạng Tháng Tám, nhân dân hồ hởi tham gia xây dựng chính quyền mới. Đó là không khí phấn khởi vào ngày 6/1/1946 khi lần đầu tiên người dân được cầm lá phiếu bầu chọn những người đại biểu của mình, thể hiện quyền công dân của một nước độc lập.

Cách dùng người tài của Bác Hồ là bài học cho chúng ta

* Nội các của Chính phủ Hồ Chí Minh sau Cách mạng tháng Tám thể hiện cao độ tinh thần đại đoàn kết dân tộc và chính sách dùng người tài.  Theo ông, di sản đó để lại bài học gì?

- Đúng vậy, thành phần Chính phủ Hồ Chí Minh thể hiện tinh thần đại đoàn kết, đại đa số là các nhân sĩ trí thức ngoài Đảng, có người từng làm quan to dưới chế độ cũ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là nhà nho yêu nước, ở Quảng Nam, ông Phan Anh từng là bộ trưởng của chính quyền Trần Trọng Kim, nhà thơ Cù Huy Cận làm Bộ trưởng Canh nông, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên là Tiến sĩ văn học và sử học, ông Phan Kế Toại là Khâm sai đại thần của triều đình Huế…

Nội các đó thể hiện chính sách dùng người tài không phân biệt đảng phái, giai cấp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nội các đó có tính biểu tượng cao, thể hiện khối đại đoàn kết dân tộc. Cần nhấn mạnh rằng Bác thu hút các nhân sĩ có tài không chỉ vì mục đích đó mà còn để vận hành có hiệu quả bộ máy nhà nước rất gọn nhẹ lúc bấy giờ. 

Nguyen Phó Thủ tuóng Vũ Khoan: 'Khoi day giá trị của Cách mạng tháng Tám bang nhung viec lam thiet thuc'
 

Mỗi bộ lúc đó chỉ có vài ba chục người nhưng họ là những người đầy tâm huyết, tính chuyên nghiệp rất cao, các vị Bộ trưởng là những người uyên thâm, sáng láng nên công việc vẫn chạy mặc dù tình hình lúc đó rất khó khăn. Cách dùng người tài đó cũng là bài học cho chúng ta hiện nay. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã từng có nghị quyết đặt vấn đề đưa cả những người tài ngoài Đảng vào cương vị lãnh đạo nhưng tiếc rằng chưa có cơ chế thích hợp để thực hiện chủ trương đúng đắn đó.

* Thưa ông, làm thế nào để khơi dậy được những giá trị to lớn của Cách mạng tháng Tám?

- Có thể nói Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau Cách mạng tháng Tám hầu như không có hiện tượng tham nhũng nhưng Bác cũng đã cảnh tỉnh về tệ quan liêu hạch sách của cán bộ. Tôi có vinh hạnh được tiếp cận các nhà lãnh đạo thế hệ lập quốc, những người học trò của Bác Hồ.

Tôi thấy họ không những rất thông tuệ đồng thời sống rất trong sạch, khoảng cách lãnh đạo và người dân gần như không có. Lãnh đạo gần dân, là niềm tin của dân, làm việc ngày đêm vì dân. Và họ đối xử với nhân sĩ trí thức rất đàng hoàng, tạo nên sự đoàn kết giữa Đảng với các tầng lớp khác, từ đó người dân theo. Những phong trào như bình dân học vụ, hũ gạo kháng chiến đều đi vào lòng dân, rất thực chất, được toàn dân thực hiện. Bác Hồ làm gương thực sự chứ không chỉ kêu gọi, biến việc đó thành một phong trào tự giác của toàn dân chứ không mang tính hình thức như một số phong trào hiện nay. Đó cũng là một di sản tốt đẹp của Cách mạng tháng Tám.

Những giá trị của Cách mạng tháng Tám như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí vươn lên thoát khỏi mọi hiểm nguy… vẫn còn đó, nhất là khi phải đối mặt với những hiểm nguy. Để khơi dậy và nhân lên những giá trị ấy, điều có ý nghĩa quyết định là củng cố lòng tin của dân bằng những hành động thiết thực, cụ thể, bằng tấm gương trong sáng của cán bộ, đảng viên. Chỉ có mấy trăm đảng viên mà làm nên Cách mạng tháng Tám, nay mấy triệu đảng viên chẳng lẽ không đưa được đất nước lên hàng giàu mạnh, văn minh?

* Xin cảm ơn ông. 

Kỳ Thanh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI