Nguyên phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình từ chối một luật sư

25/06/2018 - 11:47

PNO - Sáng 25/6, TAND TP.HCM xét xử ông Đặng Thanh Bình (nguyên phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng", ông này xin từ chối một trong số 5 luật sư bào chữa.

Xét xử ông Đặng Thanh Bình

Liên quan đến vụ án, 4 người thuộc tổ giám sát Ngân hàng Xây dựng (VNCB) gồm ông Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân, Ngô Văn Thanh cũng bị đưa ra xét xử về tội danh trên.

Để phục vụ cho việc xét xử, tòa triệu tập bị án Phan Thành Mai (cựu tổng giám đốc VNCB) cùng hơn 10 người thuộc tổ giám sát của NHNN đặt tại VNCB đến tòa với tư cách người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Riêng bị án Phạm Công Danh (cựu chủ tịch HĐQT VNCB) vắng mặt vì lý do sức khỏe. 

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử có đến 10 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, song tại phần thủ tục sáng nay ông Bình bất ngờ xin từ chối một trong số 5 luật sư đã thuê.

Sai phạm của ông Đặng Thanh Bình

Theo cáo trạng, Ngân hàng Xây Dựng tiền thân là Đại Tín (TrustBank) do bà Hứu Thị Phấn sở hữu 85% cổ phần. Khoảng tháng 6/2012, Phạm Công Danh (tập đoàn Thiên Thanh) mua lại cổ đông của nhóm Phú Mỹ (bà Phấn đại diện) rồi đưa người vào tiếp quản, điều hành và lên phương án tái cơ cấu ngân hàng.

Nguyen pho thong doc Ngan hang Nha nuoc Dang Thanh Binh tu choi mot luat su
Bị cáo Đặng Thanh Bình tại phiên xử

Thời điểm bà Phấn còn sở hữu, ngân hàng đã âm vốn chủ sở hữu gần 3.000 tỷ đồng, lỗ lũy kế 6.000 tỷ. Khi ông Danh điều hành đến thời điểm khởi tố vụ án (giữa năm 2014) đã đẩy khoản âm vốn chủ sở hữu lên hơn 18.000 tỷ đồng, tổng nợ phải trả hơn 38.000 tỷ.

Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc cơ cấu lại TrustBank, ông Đặng Thanh Bình thành lập Tổ giám sát tại ngân hàng này. Tháng 8/2012, ông trình Thủ tướng phương án tái cơ cấu ngân hàng, trong đó nêu rõ việc cần xác minh năng lực tài chính nhóm đầu tư mới của ông Danh để đảm bảo nguồn tiền đầu tư vào ngân hàng.

Thủ tướng đề ra nhiệm vụ sau khi tái cơ cấu ngân hàng có tình trạng tài chính lành mạnh, bảo đảm tỷ lệ an toàn hoạt động ngân hàng. Đầu tháng 9/2012, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước trình ông Bình kiến nghị Thống đốc cho phép áp dụng điều kiện tài chính đối với nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu ngân hàng là "không được dùng vốn ủy thác, vốn vay của các tổ chức, cá nhân khác để góp vốn".

Tuy nhiên, ông Bình đã có bút phê vào tờ trình "việc kiểm tra vốn góp sẽ được thực hiện sau này" và ký công văn chấp thuận phương án tái cơ cấu ngân hàng.

Nguyen pho thong doc Ngan hang Nha nuoc Dang Thanh Binh tu choi mot luat su
Bị án Phạm Công Danh không đến tòa vì lý do sức khỏe

Giữa năm 2013, sau thời gian để ông Danh tham gia tái cấu trúc Đại Tín, ông Bình ký thông báo ý kiến kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Đại Tín đã xác nhận lộ trình triển khai phương án còn chậm do năng lực tài chính của nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu còn hạn chế. Tuy nhiên, nguyên phó thống đốc vẫn ký công văn về việc chấp thuận chính thức phương án tái cơ cấu ngân hàng này.

Cơ quan điều tra xác định, ông Bình không làm đúng chức trách, nhiệm vụ, thực hiện không đúng phương án tái cơ cấu Đại Tín do Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ. Hàng loạt sai phạm của ông Bình đã tạo điều kiện cho ông Danh sử dụng ngân hàng phạm tội, gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng cho VNCB, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tài chính tín dụng quốc gia. Khiến Ngân hàng Nhà nước sau đó phải mua lại Đại Tín với giá 0 đồng.

Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước thiếu trách nhiệm

Theo cáo trạng, ông Hà Tấn Phước (Tổ trưởng Tổ giám sát hoạt động của VNCB) đã thiếu trách nhiệm, để ông Danh và đồng phạm rút trái phép hơn 9.460 tỷ đồng thông qua 7 giao dịch. Ông Lê Văn Thanh cũng tạo điều kiện để ông Danh và đồng phạm rút hơn 9.200 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 6.590 tỷ đồng không thể thu hồi.

Nguyen pho thong doc Ngan hang Nha nuoc Dang Thanh Binh tu choi mot luat su
Các bị cáo nguyên thuộc tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước

Quá trình điều tra, ông Phước thừa nhận rằng mình đã thiếu trách nhiệm, tạo điều kiện cho ông Danh và đồng phạm sai phạm. Còn ông Lê Văn Thanh lại cho rằng do năng lực hạn chế, công việc phức tạp, không hiểu hết được ý đồ của ông Danh nên ông này đã không kịp xử lý vi phạm. Giữ vai trò phó Tổ giám sát, ông Phạm Thế Tuân bị xác định đã thiếu trách nhiệm liên quan 6 giao dịch, gây thiệt hại hơn 3.450 tỷ đồng. Tương tự, ông Ngô Văn Thanh phải chịu trách nhiệm về số tiền 10.000 tỷ ông Danh và đồng phạm gây thiệt hại thông qua 12 giao dịch.

Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định chưa đủ căn cứ xử lý hình sự đối với 11 cá nhân khác được giao nhiệm vụ trong Tổ giám sát. Riêng ông Đặng Văn Thảo đã có hành vi không chuyển hồ sơ kết luận thanh tra sang cơ quan điều tra và không kiến nghị đặt Đại Tín vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, Bộ Công an đã tách sự việc ra xử lý sau do thời hạn điều tra bổ sung đã hết.

Phiên xử do Phó tòa Hình sự Vũ Thanh Lâm làm chủ tọa, dự kiến kéo dài đến ngày 29/6. 

Thiên Phú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI