Người trẻ méo mặt, lệch miệng vì chủ quan với trời lạnh

06/12/2022 - 06:30

PNO - Phần lớn các bệnh nhân bị méo mặt, lệch miệng khi thời tiết trở lạnh ở Hà Nội - theo các chuyên gia - không phải những người cao tuổi mà chủ yếu lại nằm ở nhóm tuổi lao động, người trẻ, nguyên nhân do chủ quan.

Bệnh gia tăng mùa lạnh

Buổi sáng ngủ dậy, thấy căn phòng chung cư vẫn còn ấm nhưng có chút bí bách thiếu không khí, anh N.H. (29 tuổi, Hà Nội) bèn kéo cửa ban công cho thoáng. Quay trở lại nhà vệ sinh để chải răng, anh H. bất ngờ vì nước đánh răng chảy vương vãi, không thể kiểm soát dù cố ngậm miệng. Định thần lại, anh nhìn vào gương thấy miệng lệch nhẹ. Đặc biệt khi chớp, nhắm mắt, 2 bờ mi bên mắt trái không khép lại được kín. Tá hỏa tưởng mình có dấu hiệu của bệnh đột quỵ, nam bệnh nhân đi khám và được chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Sau đó, anh tới Bệnh viện Châm cứu Trung ương để điều trị vào ngày thứ ba sau khi mắc bệnh. 

 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng đang khám cho một bệnh nhân bị liệt mặt - ẢNH: M.QUANG
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng đang khám cho một bệnh nhân bị liệt mặt - Ảnh: M.Quang

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Khám bệnh đa khoa (Bệnh viện Châm cứu Trung ương) - cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mắt phải nhắm không kín, nhân trung lệch trái, rãnh mắt mũi bên phải mờ. Bệnh nhân không thể làm các động tác như thổi lửa, huýt sáo… Kết quả đánh giá cho thấy, anh bị tổn thương dây thần kinh số 7 ngoại biên hoàn toàn. Bệnh nhân đã được điều trị châm cứu, xoa bóp bấm huyệt và kết hợp phương pháp thủy châm để đưa các loại vitamin nhóm B nhằm tăng dẫn truyền thần kinh, phục hồi tổn thương dây thần kinh ngoại biên. Khả năng hồi phục phụ thuộc vào từng bệnh nhân song thường có thể khỏi hoàn toàn trong 10 ngày, với các trường hợp nặng hơn có thể kéo dài 1 tháng. 

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, đây chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 mà đơn vị này thường xuyên tiếp nhận. Đặc biệt, vào các thời điểm chuyển mùa, trời lạnh, số ca mắc tăng rõ rệt. Mỗi ngày, Khoa Khám bệnh đa khoa tiếp nhận tới hàng chục trường hợp. Liệt dây thần kinh số 7 có 2 loại: liệt dây thần kinh số 7 trung ương (do đột quỵ, tai biến mạch máu não) và liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (chủ yếu do lạnh, một số ít do viêm tai giữa, hoặc do bệnh zona thần kinh). Trong đó, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên vào mùa lạnh là các trường hợp khá phổ biến. Dấu hiệu điển hình của bệnh này được 90% bệnh nhân mô tả là buổi sáng thức dậy, khi đánh răng thấy vương vãi nước, soi gương mặt bị lệch, mắt không thể nhắm kín. 

Có một số bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 một cách kín đáo hơn, khi thực hiện các động tác chu môi, thổi lửa, huýt sáo… mới biểu hiện rõ. Một số ít trường hợp, có thể bị liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 ở cả 2 bên khiến mặt không bị lệch nhưng trở nên cứng đờ, cười hay khóc đều không có biểu hiện rõ rệt. 

Gánh họa vì không đến bệnh viện kịp thời

Điều đáng lưu ý, dù độ tuổi ghi nhận mắc liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên khá rộng, từ trẻ nhỏ tới người già, song thời gian qua, phần lớn đơn vị này tiếp nhận bệnh nhân là người trẻ, nằm trong độ tuổi lao động. “Cơ chế gây bệnh liệt dây thần kinh số 7 là do tiếp xúc với nguồn lạnh một cách đột ngột. Các ca bệnh hầu hết ghi nhận là do mở cửa, đi ra ngoài trời buổi sáng khi nhiệt độ trong phòng và ngoài trời có sự chênh lệch lớn. Trong khi người cao tuổi thường cẩn thận, mặc ấm, kín gió thì người trẻ lại có phần chủ quan hơn. Đây chính là nguyên nhân khiến rất nhiều thanh niên khỏe mạnh, trẻ tuổi phải nhập viện điều trị”, vị chuyên gia phân tích.

Đối với căn bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể để lại các di chứng. Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho hay, khoảng thời gian 1 tháng đầu là tốt nhất để điều trị. Càng kéo dài, đặc biệt sau mốc 3 tháng, bệnh nhân khó có thể hồi phục hoàn toàn khiến mặt, miệng bị lệch vĩnh viễn… Không ít trường hợp nhập viện muộn do điều trị bệnh không đúng hướng, nghe theo những cách chữa bệnh dân gian, đồn thổi… 

Điển hình như trường hợp của nữ bệnh nhân 26 tuổi, ở tỉnh Bắc Giang, bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên ở những tháng cuối thai kỳ. Vì bệnh nhân đang mang bầu nên gia đình muốn tìm các phương pháp “lành tính” nên đã tới thầy lang để… đắp máu lươn nhằm chữa tình trạng méo miệng, lệch mặt. Tuy nhiên, sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân không đỡ, cơ mặt bắt đầu cứng đờ và mắt không thể khép kín khi nhắm. Lúc này, bệnh nhân mới tới Bệnh viện Châm cứu Trung ương để điều trị. Sau 1 tháng châm cứu, bệnh nhân lại sinh con nên gián đoạn việc điều trị. Khi quay trở lại, dù kiên trì song bác sĩ cho hay, bệnh nhân chỉ có thể hồi phục được 80% so với ban đầu. 

“Dây thần kinh số 7 ngoại biên nằm sát với da nên rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nếu gặp lạnh đột ngột, mạch máu nuôi dưỡng dây thần kinh này sẽ bị co lại gây ra tổn thương. Chỉ mất vài giây khi tiếp xúc với nguồn lạnh, người bệnh đã có thể mắc bệnh. Vì vậy, tuyệt đối không mở toang cửa nhà khi thức dậy vào buổi sáng, tránh ra ngoài đột ngột khi không có đủ khăn, áo ấm. Cần có thời gian để cơ thể làm quen với sự chênh lệch nhiệt độ cũng như giữ ấm cơ thể, đặc biệt là ở vùng cổ, gáy”, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng đưa ra lời khuyên. 

 

 Huyền Anh
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI