Người LGBTQ và hành trình nhọc nhằn giành quyền làm cha mẹ

11/05/2024 - 06:25

PNO - Thành kiến chỉ là một trong vô vàn cản trở mà cộng đồng LGBTQ phải vượt qua nếu muốn lập gia đình, có con.

Việc họ tiếp cận các phương pháp điều trị sinh sản cũng bị hạn chế.

Phán quyết mang tính bước ngoặt gần đây của tòa án Hồng Kông (Trung Quốc) mang lại một chút hy vọng cho các cặp đồng giới khi đồng ý trao quyền nuôi con một cách bình đẳng cho 1 cặp đôi đồng tính nữ thay vì chỉ 1 người như trước đây. Đứa bé sinh ra trong vụ việc này được thụ thai qua phương pháp điều trị sinh sản.

Cặp đôi LGBTQ Singapore Ching Sia (trái) và Cally Cheung cùng con gái nhỏ của họ - Nguồn ảnh: SCMP
Cặp đôi LGBTQ Singapore Ching Sia (trái) và Cally Cheung cùng con gái nhỏ của họ - Nguồn ảnh: SCMP

Tại Singapore, với hệ thống pháp luật tương tự bắt nguồn từ thời thuộc địa Anh, giới LGBTQ đã hết sức chú ý đến phán quyết nói trên của Hồng Kông. Theo luật sư Evelyn Tsao, quyết định đã mở ra con đường cho các cặp đồng tính nữ ở Hồng Kông giành quyền nuôi con chung, nhưng “nó không tự động xác nhận tất cả các mối quan hệ khác”. “Mỗi gia đình sẽ phải nộp đơn lên tòa án để xin lệnh về quyền giám hộ và nuôi con chung. Nhiều cặp vợ chồng sẽ không làm điều đó vì tốn thời gian và tiền bạc. Trong nhiều trường hợp, họ đành chấp nhận thực tế luật pháp không tôn trọng quyền làm cha mẹ của họ” - bà nói.

Các giá trị bảo thủ và niềm tin tôn giáo chi phối những quy tắc cuộc sống gia đình trên khắp châu Á. Đặc biệt, các cặp LGBTQ ở Malaysia và Indonesia (người Hồi giáo chiếm đa số) vẫn đang tìm kiếm sự chấp nhận cơ bản về mặt pháp lý cho mối quan hệ của họ. Ở Singapore - nơi luật pháp “chống lại” quan hệ đồng giới đã được nới lỏng - việc tiếp cận các phương pháp điều trị sinh sản vẫn là cuộc chiến khó khăn đối với người LGBTQ.

Dù Singapore đã hợp pháp hóa LGBTQ và tình dục đồng giới, việc chấp nhận về mặt pháp lý đối với các gia đình đồng tính sẽ còn cần nhiều thời gian nữa. “Tất nhiên, chúng tôi hy vọng sẽ có sự thay đổi, nhưng ưu tiên của chúng tôi lúc này là nuôi dạy con cái mình” - Ching Sia - một bà mẹ LGBTQ - nói.

Luật sư Tsao nói: “Việc làm cha mẹ vốn đã căng thẳng và việc ra tòa để được chấp thuận càng làm tăng thêm căng thẳng đó. Nhiều gia đình thà bỏ qua vấn đề pháp lý để tập trung vào những gì họ đang có”.

Ở các quốc gia như Úc và New Zealand, nơi cung cấp các phương pháp hỗ trợ sinh sản (IVF) dành cho các cặp đồng giới, các nhà nhân khẩu học nhận thấy sự gia tăng số lượng người LGBTQ có con.

Theo dữ liệu điều tra dân số năm 2021, khoảng 13.500 trẻ em ở Úc đang sống trong gia đình có cha mẹ đồng giới (năm 2001 là khoảng 3.400 trẻ). Tuy nhiên, vẫn còn đó một số khó khăn. Ở New Zealand, các cặp đồng tính chỉ có thể tiếp cận IVF nếu họ tự trả tiền. Điều đó đã buộc cặp đồng tính nam Ryan Curran và Jerome Pacquing (từ Tauranga) sáng lập trang gây quỹ cộng đồng năm 2019 để quyên góp 14.750 USD chi phí IVF để có đứa con đầu lòng. Tuy nhiên họ đã phải dừng gây quỹ 1 năm sau đó vì chỉ quyên được hơn 478 USD.

Dù hiện nay nhận thức và sự chấp nhận các cặp đôi LGBTQ ngày càng cải thiện ở nhiều nơi, nhưng theo Jaya Keaney - một chuyên gia trong lĩnh vực này ở Đại học Melbourne - đó “không phải là câu chuyện đơn giản trong quá trình tiến bộ” của nhân loại. Bà nói: “Đã có những bước tiến rất đáng kể trong cải cách pháp lý cũng như khả năng tiếp cận quyền sinh sản, phần lớn nhờ vào vận động của các nhà hoạt động xã hội. Điều này đã làm tăng sự chấp nhận của xã hội đối với các cấu trúc gia đình đa dạng. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang ở thời điểm mà việc tiếp cận khả năng sinh con và công bằng trong sinh sản cho các gia đình đồng tính có thể dễ dàng bị chính trị hóa. Vì vậy, chúng ta cần hành động”.

Nam Anh (theo SCMP, Counterpunch)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioilakyvi /strCate=thegioilaky
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioivi /strCate=thegioi