Người đàn ông có chân bị dòi ăn "được vợ" nhờ đôi nhẫn nhôm 1000 đồng

16/08/2015 - 09:09

PNO - "Tôi mua ngay hai chiếc nhẫn với giá một ngàn đồng rồi đến tặng cho M Lơi với lý do để sau này gặp lại sẽ nhận ra nhau".

“Lúc trước khi còn ở trên rừng, chịu đựng bệnh tật, tôi cứ nghĩ đời mình thế là hết. Tôi không ngờ hạnh phúc lại mỉm cười với tôi.

Vợ tôi cũng bất hạnh nên ngày sinh con, hai vợ chồng mừng rơi nước mắt. Giờ thấy con lớn lên từng ngày và đến trường học chữ, vợ chồng tôi vui lắm”, người đàn ông ấy vừa nói vừa nở nụ cười hiền hậu.

Quãng đời nghiệt ngã

Người đàn ông đó là A Nức (SN 1970, dân tộc Ba Na, ở xã Con Thụp, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) hiện ở làng phong Quy Hòa (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).

Quần áo còn lem luốc xi măng sau khi đi làm về, ông ngồi nghỉ trước thềm nhà. Và sau những giây phút e ngại vì sợ người lạ biết được căn bệnh mình đang mang, ông mở lòng trò chuyện với chúng tôi trong niềm vui vì đã tìm được sự đồng cảm.

Ông A Nức kể, quê ông ở một buôn làng xa xôi, hẻo lánh. Là con trai cả trong nhà, nên từ bé A Nức đã phải vật lộn với cuộc mưu sinh. Tuổi thơ của ông là những tháng ngày theo cha mẹ lên nương làm rẫy, lên rừng bẫy thú.

Thế hệ A Nức ngày đó chẳng biết đến việc học hành chữ nghĩa, bởi như lời ông kể thì buôn làng những năm đầu sau giải phóng chưa có trường học.

Nguoi dan ong co chan bi doi an 
Gia đình hạnh phúc của A Nức

Cứ thế, giữa bản làng ở vùng núi hẻo lánh, A Nức lớn lên như chim trên rừng, như cá dưới suối. Những tháng ngày thơ trẻ ấy, ông cùng bạn bè hăng say làm nương rẫy, săn bắn thú rừng, kiếm cái ăn về cho gia đình.

Cứ ngỡ hạnh phúc sẽ mãi ngập tràn, tuổi thanh xuân sẽ vô cùng ý vị, nào ngờ năm 15 tuổi, A Nức mắc phải căn bệnh lạ. Đôi bàn chân ông ban đầu nổi những nốt trắng, véo không đau, gai đâm cũng không hay biết, bàn chân ông mất đi cảm giác.

Thấy căn bệnh lạ chưa từng có, mọi người trong gia đình hết sức hoảng hốt tìm cây rừng để chữa bệnh. Nhưng nhiều ngày trôi qua, căn bệnh vẫn không thuyên giảm, mà ngược lại càng trầm trọng hơn.

Đến một năm sau, làng được xây dựng trường học, A Nức được đi học chữ. Lúc này, A Nức mới nghe thầy giáo nói mình bị bệnh phong.

A Nức cho biết: “Bạn bè thấy tôi bị bệnh lạ nên xa lánh. Người làng sợ tôi lây bệnh cho con em nên cũng ghét bỏ. Tôi đi học phải ngồi ở góc lớp.

Không ai dám ngồi gần, không có bạn bè chơi cùng. Bạn bè ai cũng sợ, chỉ có thầy giáo là thương tình. Tôi học đến lớp 2 thì phải nghỉ vì ai thấy tôi đến gần cũng chạy trốn. Ngày tôi nghỉ học, ai cũng mừng, chỉ có thầy giáo là khóc vì đau xót.

Nhưng thầy cũng không giữ tôi ở lại được vì thầy có giải thích thế nào cũng không ai chịu nghe”.

Gia đình nghĩ rằng ai đã mắc căn bệnh cùi thì trước sau gì cũng chết nên chấp nhận để A Nức ở nhà. Căn bệnh của A Nức mỗi năm một nặng, các ngón chân bị sưng lên rồi lở loét, hoại tử. Bàn chân phải của ông bị kéo gân, co quắp lại khiến việc đi lại vô cùng khó khăn.

Năm 18 tuổi, A Nức đi chăn bò về nhà, nhìn xuống chân thì thấy mình bị mất hai ngón bên bàn chân phải từ lúc nào chẳng rõ. A Nức hoảng sợ tái mặt, khóc lóc chạy đi tìm mẹ kể lại chuyện. Người mẹ thấy vậy cũng chỉ biết đau đớn ôm con vào lòng mà khóc.

Một năm sau, cha A Nức thấy con đau bệnh nên mời thầy về cúng. Tuy nhiên, cúng bái đủ đường mà căn bệnh của con trai vẫn không hết, nên người cha đâm ra phiền muộn, đổ bệnh rồi đột ngột qua đời. Thế là A Nức lại chịu thêm một nỗi bất hạnh nữa.

Sau ngày cha mất, A Nức bị dân làng đuổi lên rừng ở vì sợ lây bệnh. Không còn cách nào khác, A Nức phải lên chòi rẫy của gia đình sống thui thủi một mình. Thế nhưng, chính những ngày tháng đau khổ này đã vực dậy trong ông một sức sống mãnh liệt.

Ông tâm sự: “Nếu lúc ấy tôi mà chết thì dễ dàng lắm, nhưng phải cố gắng bám lấy cuộc sống này vì nếu tôi chết thì họ sẽ đắc thắng và quay lại nguyền rủa cả gia đình tôi. Mà tục lệ của người Ba Na là hễ ai đã bị đuổi ra khỏi làng là xem như đã chết rồi, vì thế sống được mới khó chứ chết thì dễ lắm”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI