Người dân làng Rồng thương nhớ bác Lê Khả Phiêu

08/08/2020 - 07:10

PNO - Đi lên từ những nỗi đau mất mát, 21 năm qua người làng Rồng luôn đùm bọc, thương yêu nhau, có được điều đó, cả làng luôn nhớ bác Lê Khả Phiêu.

Từ sáng sớm ngày 7/8, Nhà văn hóa làng Rồng ở thôn An Hải, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã chật kín người khi nghe tin bác Lê Khả Phiêu mất. Người dân làng Rồng ai cũng bùi ngùi nhớ Bác. Tất cả cùng nhau kéo về Nhà văn hóa làng Rồng, mỗi người một tay dọn dẹp vệ sinh chuẩn bị cho công tác làm lễ dâng hương, dâng hoa, tưởng nhớ người đã "khai sinh" cuộc đời mới cho người dân nơi đây.

Bà con nhớ lại, tại nhà văn hóa này, năm 2000, bác Lê Khả Phiêu cùng các chiến sĩ Quân khu 4 đã làm lễ khởi công xây dựng cho mỗi hộ dân một căn nhà, giúp bà con tái thiết cuộc sống sau cơn đại hồng thủy năm 1999.

Làng Rồng nơi bác Lê Khả Phiêu đặt tên sau cưn Đại hồng thủy 1999
Làng Rồng - nơi bác Lê Khả Phiêu đặt tên sau trận đại hồng thủy 1999

Nhà xây xong, Bác đặt tên cho làng là "làng Rồng" với mong muốn bà con mạnh mẽ đứng lên sau đau thương mất mát. Rồi từ đó, năm nào bác Lê Khả Phiêu cũng ghé thăm người dân làng Rồng. Trong đó, gia đình anh Trần Văn Thu là nơi bác Phiêu đến thăm nhiều nhất.

Nghe tin bác mất, anh Thu không cầm được nước mắt. Anh luôn nhớ đến lời bác Lê Khả Phiêu thường nhắc bà con làng Rồng "Nhà Thu nó tội, lũ dữ cuốn trôi nhà cửa tan hoang, 12 người thân đã mất, nó phải tự mình gượng dậy viết lại cuộc đời". 

Anh Thu kể lại thảm họa 21 năm trước: “11 giờ khuya, trong cơn lũ dữ, đất đá đổ ầm ầm, tiếng người kêu cứu vang cả xóm, lúc tôi tỉnh lại thì tất cả từ nhà cửa đến người thân đều ra đi. Sau cơn lũ, bác Lê Khả Phiêu đã cho tôi cái nhà để ở, cho tôi nghị lực để đứng dậy sống tiếp. Nay Bác mất, buồn quá. Giờ dân làng Rồng chỉ biết thắp nén hương lòng để tri ân Bác nơi xa”.

Anh Thu xúc động khi hay tin bác Lê Khả Phiêu mất
Anh Thu bật khóc khi nhắc đến bác Lê Khả Phiêu

Giờ, những ai có dịp đến huyện Phú Vang, nhắc hai chữ “làng Rồng”, người dân lại càng thêm nhớ tấm lòng của bác Lê Khả Phiêu. Trong sâu thẳm, mọi người đều mong muốn, những đứa con của dòng giống con rồng cháu tiên vươn lên mạnh mẽ, vượt qua mất mát, đau thương.

Bà Trần Thị Cúc, người dân làng Rồng nhớ lại: "Kể từ sau ngày đặt tên làng cho chúng tôi, cứ mỗi dịp Tết hay lễ, bác Lê Khả Phiêu lại về thăm làng hoặc gửi quà tặng cho bà con nơi đây. Bây giờ, đời sống của bà con đã ổn định, khấm khá. Người dân làng Rồng chúng tôi luôn khắc sâu tình cảm của Bác như người cha già đã sinh chúng tôi ra lần nữa".

Ông Lê Văn Tẩy kể lại những kỷ niệm nhiều lần gặp bác Lê Khả Phiêu ở làng Rồng
Ông Lê Văn Tẩy kể lại kỷ niệm những lần gặp bác Lê Khả Phiêu

Làng Rồng bây giờ những ngôi nhà hai tầng được xây dựng kiên cố mọc lên ngày nhiều, cuộc sống của người dân đang đổi thay từng ngày. Những mảnh ghép còn sót lại sau cơn lũ đã dần liên kết với nhau thành một bức tranh mới, tươi đẹp hơn. 

Một góc làng Rồng hôm nay
Một góc làng Rồng hôm nay

Đi lên từ những nỗi đau mất mát, họ luôn nhớ lời bác Lê Khả Phiêu "phải luôn yêu thương, đùm bọc và cùng nhau vượt lên số phận". Rồi mai đây dân làng Rồng không còn gặp được bác Lê Khả Phiêu về thăm làng mỗi dịp lễ, Tết. Nhưng có lẽ đối với những ai sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, bác Lê Khả Phiêu sẽ vẫn mãi sống trong tâm trí của của họ, cũng như của tất cả người dân Việt Nam. 

Từ sáng sớm người dân đã ghé đến làng Rồng dọn dẹp vệ sinh tại Nhà  văn hóa cộng đồng, công trình do bác Lê Khả Phiêu tặng vào năm 2000
Từ sáng sớm ngày 7/8, người dân dọn dẹp vệ sinh tại Nhà văn hóa làng Rồng, công trình do bác Lê Khả Phiêu tặng vào năm 2000
Bác Lê Khả Phiêu ngày về khánh thành Nhà văn hóa làng Rồng  thôn An Hải thị trấn Thuận An
Bác Lê Khả Phiêu ngày về khánh thành Nhà văn hóa làng Rồng thôn An Hải, thị trấn Thuận An

 

Người dân làng Rồng kể lại những kỷ niệm về cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu lúc ghé thăm làng
Người dân làng Rồng kể lại những kỷ niệm lúc bác Lê Khả Phiêu ghé thăm làng
anh Thu thắp hương cho bố mẹ, anh em
Anh Thu thắp nén hương cho bố mẹ, anh em trong nhà để báo tin bác Phiêu đã mất 
Bác Phiêu về thăm làng Hòa Duân sau lũ lịch sử năm 1999 ảnh: TL
Bác Phiêu về thăm làng Hòa Duân sau lũ lịch sử năm 1999 - Ảnh: TL

 

Người dân làng Rồng hôm nay luôn nhớ đến bác Lê Khả Phiêu như một người cha già của làng

Sự cố vỡ đập Hòa Duân đã gây ra trận lũ lịch sử năm 1999, xóa sổ gần toàn bộ làng Hải Thành, thị trấn Thuận An, huyện Hòa Vang với 64 ngôi nhà, 14 người dân thiệt mạng.

Khoảng 3 tháng sau, thực hiện chỉ đạo của cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, những người lính Quân khu 4 đã khẩn cấp tái thiết cuộc sống mới cho người dân nơi đây bằng một ngôi làng mới tọa lạc ngay tại thị trấn Thuận An. Tên làng Rồng do cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đặt với mong muốn người dân hãy mạnh mẽ đứng lên sau thiệt hại.

Hiện làng Rồng có 64 hộ dân. Người dân trong làng chủ yếu sinh sống bằng nghề đi biển và buôn bán. Toàn thôn có 11 nhà 2 tầng, 9 em đỗ đại học, 6 em cao đẳng. Cả làng hiện không còn hộ nghèo.

Ông Ngô Văn Đủ - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang nói: "Trải qua 20 năm sau cơn lũ, bà con làng Rồng đã vượt qua nỗi đau mất mát. Đời sống người dân đã ổn định, thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đến 5 triệu đồng/tháng, nhiều hộ đã có cuộc sống khá giả. Chúng tôi sẽ mãi lưu giữ những tình cảm đặc biệt mà bác Lê Khả Phiêu đã dành cho làng Rồng".

 Thuận Hóa 


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI