Người đàn bà nghèo 13 năm cưu mang đứa trẻ bị bỏ rơi

02/08/2022 - 06:13

PNO - Không máu mủ, ruột rà, nhưng 13 năm qua bà Nguyễn Thị Lang cưu mang cô bé Tí Nị và yêu thương bé như cháu ngoại ruột chính mình.

 “Con đi chừng nào về? Thôi đi làm chi con, tối rồi. Nhà có hai ngoại cháu…” - giọng bà Sáu ngần ngừ khi cháu gái xin phép đi chơi. “Con chạy ra gặp chị Én ngoài đầu hẻm chớ có đi đâu xa mà ngoại lo. Con đi chút xíu về liền, ăn cơm với ngoại” - đứa cháu nài nỉ. 

Tí Nị của bà Sáu

Bóng chiều nhập nhoạng phủ lên ngôi nhà nằm cuối con hẻm Võ Sư (hẻm 115 Phạm Hữu Lầu, P.Phú Mỹ, Q.7). Tiếng côn trùng từ bãi dừa nước bên con rạch phía sau nhà bắt đầu hòa ca, nghe như âm thanh của một vùng quê xa xôi. Từ ngày bà Sáu trở bệnh, đôi mắt yếu dần, căn nhà nhỏ thêm buồn hiu hắt.

Căn nhà ấy, bao năm qua đã chở che, ôm ấp hai mảnh đời, một già, một trẻ. 13 năm trước, bà Sáu (tên thật là Nguyễn Thị Lang) mới 67 tuổi, cứ nghĩ là mình sẽ thoát cảnh lội sông bắt cá bắt còng khi có người thuê giữ trẻ - một bé gái mới chào đời - với mỗi ngày 50.000 đồng tiền công. Theo những gì bà biết, ba mẹ của bé là người Q.4 sang Q.7 thuê trọ trong con hẻm nhà bà để thuận tiện làm ăn. “Mình có lặn lội đêm hôm cũng chỉ kiếm được chừng đó, nên khi người ta đến gửi con và trả công, tui mừng lắm” - bà Sáu nhớ. Trong ký ức của bà, “con bé trắng như bông bưởi, đôi mắt lúng liếng, đôi môi đỏ au”, nên bà thương quý, nâng niu. 
Được một tháng rưỡi, thấy bà thương con bé, cha mẹ nó đề nghị bà đưa 10 triệu đồng họ để lại đứa bé cho bà. “Trời ơi, tiền ăn tôi còn không có, lấy đâu 10 triệu” - bà đáp lại và nghĩ họ đùa.
Vậy rồi sau ngày đó, họ đi mất biệt, để lại cho bà đứa nhỏ mấy tháng tuổi. “Tui ôm con nhỏ từ ngày này qua ngày khác mà không thấy họ về tìm con. Sau này nghe nói cha nó đi tù vì buôn bán ma túy. Mẹ nó mất hay còn, tui cũng không biết” - bà Sáu kể.

 

Tuổi 13, Tí Nị trở thành chỗ dựa tinh thần cho bà Sáu trong những ngày tháng tuổi già
Tuổi 13, Tí Nị trở thành chỗ dựa tinh thần cho bà Sáu trong những ngày tháng tuổi già

Chồng mất sớm, một mình lặn lội nuôi năm đứa con trong nghèo khó, bữa đói, bữa no, nên ở tuổi 67, có mơ bà Sáu cũng không bao giờ nghĩ rằng bà còn đủ sức để có thể cưu mang thêm một ai nữa. Vậy mà, ông trời thật oái ăm, cứ mỗi lần nhìn đứa bé để tính xem mình phải làm thế nào thì ánh mắt đen láy của nó lại long lanh nhìn bà, đôi bàn tay nhỏ xíu bấu chặt vào tay bà. “Cha mẹ đã bỏ rơi nó, giờ nỡ lòng nào mình lại bỏ nó thêm lần nữa” - bà nói với các con mình.

Bà gọi đứa bé là Tí Nị vì nó “có chút xíu hà”. Để có tiền nuôi Tí Nị, bà phải quay lại lội kênh, bắt cá, bắt còng để có tiền mua sữa. Những ngày không bắt được gì, bà nấu cơm, đổ nhiều nước rồi chắt ra cho nó uống thay sữa.

Cần sự chung tay để đứa trẻ có cuộc sống tốt hơn

Năm Tí Nị lên năm, ai đó biết chuyện bà cưu mang một bé gái trắng trẻo, xinh xắn, đã tìm đến hỏi mua với giá 30 triệu đồng. Thấy bà già một mình lụm cụm, lo thân mình chưa xong lại phải nuôi thêm một đứa trẻ, các con bà xúi bán, nhưng bà xua tay: “Giờ người ta có trả bao nhiêu tui cũng không bán”.

Tí Nị được bảy tuổi, bà Sáu đã cất công đi làm khai sinh nhiều lần để cháu đi học nhưng không được. Thấy vậy, chị Phạm Thị Minh Thu, một người hàng xóm của bà Sáu, mới giật mình. Chị đến hỏi thăm, mới biết Tí Nị chưa có khai sinh. Thế rồi, cùng sự trợ giúp nhiệt tình của cô Ngô Thị Rượi - Chi hội phó phụ nữ khu phố - khi đó, Tí Nị mới có cái tên chính thức để đi học, là Nguyễn Ngọc My.

Rồi bà Sáu trải qua cơn bạo bệnh. Tí Nị cả ngày ngồi bên giường, nắm lấy tay bà khóc: “Ngoại ơi, ngoại đừng chết. Ngoại bỏ con thì con ở với ai?”.

Sau cơn bệnh, đôi chân yếu đi khiến bà Sáu không thể lội kênh như trước nữa. Miếng ăn qua ngày của hai bà cháu nhờ vào lòng thương của hàng xóm. Biết câu chuyện của Tí Nị và tình thương vô điều kiện của bà dành cho đứa bé không máu mủ ruột thịt, hàng xóm góp người con tôm, con cá, người bó rau. Hằng tháng tổ dân phố mang vô cho bà 10kg gạo. Đợt dịch COVID-19 vừa qua, bà nhiễm bệnh tưởng chết, nhưng rồi cũng vượt qua được. Đôi chân yếu, giờ thêm đôi mắt lòa đi, cô bé năm nào được bà Sáu cưu mang giờ trở thành đôi mắt, đôi chân của bà. 13 tuổi, Tí Nị đã tự mình đi chợ, nấu cơm, giặt giũ quần áo, rồi dìu đỡ khi bà Sáu cần. Những ngày không kịp nấu cơm, Tí Nị chạy ra đầu hẻm mua một tô miến về cho hai bà cháu. Tô miến 10.000 đồng chỉ có miến, rau muống bào và đôi ba lát huyết, nhưng hai bà cháu cứ nhường nhau.

Việc học của Tí Nị suốt bốn năm nay đều nhờ vào chị Minh Thu - người hàng xóm tốt bụng mà Tí Nị vẫn gọi là má. Mấy năm nay, chị Thu không còn ở hẻm Võ Sư nhưng vẫn chạy ra chạy vào để theo dõi, hỗ trợ cuộc sống của Tí Nị. Năm Tí Nị mới vào lớp Một, chị Thu kêu gọi bạn bè đóng góp để hằng tháng hỗ trợ bé học tập. Nhưng được một năm thì chỉ còn một mình chị lo, mỗi tháng trên dưới 2 triệu đồng. Bà Lê Thị Thùy Trang - Phó chủ tịch Hội LHPN P. Phú Mỹ - cho biết:  "Trong mấy năm qua, trong khả năng của mình, Hội đã cố gắng chăm lo, hỗ trợ những phần quà lễ tết để chia sẻ phần nào những khó khăn của bà Sáu. Chúng tôi cũng rất mừng khi hai bà cháu nhận được sự quan tâm của hàng xóm, những người tốt bụng. Thế nhưng, tương lai của bé còn dài, chúng tôi rất mong có thêm sự chung tay của những nhà hảo tâm để bé có cuộc sống tốt hơn".  

Thu Lê

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhoatdonghoivi /strCate=hoatdonghoi

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdiendanvi /strCate=diendan

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEnhungnguoiphunuquanhtoivi /strCate=nhungnguoiphunuquanhtoi

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvicuocsongantoanchophunutreemvi /strCate=vicuocsongantoanchophunutreem
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhoivacuocsongvi /strCate=hoivacuocsong