Người chăn nuôi ở “thủ phủ lợn của miền Bắc” vẫn kiên trì bám nghề

09/05/2020 - 06:00

PNO - Dù gặp nhiều khó khăn nhưng người chăn nuôi lợn xã Ngọc Lũ vẫn quả quyết, chỉ cần bình ổn được giá, bà con sẽ không bao giờ bỏ chăn nuôi.

Xã Ngọc Lũ, H. Bình Lục, tỉnh Hà Nam có trên 2.000 hộ thì có đến 1.500 hộ nuôi lợn; hộ nào nuôi ít cũng cỡ trăm con, nhiều thì cả ngàn con. Nhưng hiện tại, toàn xã chỉ còn lại vài chục hộ duy trì đàn lợn. Sau năm 2017, khi giá lợn rớt thê thảm, hơn một nửa số hộ phải bỏ chuồng trại, số còn lại bị dịch tả lợn châu Phi năm 2019 “quét” đi gần hết. Thế nhưng, hiện không ít người dân xã Ngọc Lũ vẫn quả quyết, chỉ cần bình ổn được giá, bà con sẽ không bao giờ bỏ chăn nuôi.

Sau đợt rớt giá kinh hoàng năm 2017 và dịch tả lợn châu Phi năm 2019, hầu hết các hộ chăn nuôi ở xã Ngọc Lũ đã để chuồng không, trại trống
Sau đợt rớt giá kinh hoàng năm 2017 và dịch tả lợn châu Phi năm 2019, hầu hết các hộ chăn nuôi ở xã Ngọc Lũ đã để chuồng không, trại trống

Người chăn nuôi giỏi phải phá chuồng trại
Trước đây, khi vừa đến đầu xã Ngọc Lũ, đã thấy xe chở lợn to, lợn nhỏ chạy ngược chạy xuôi, xe công nông chở cám len lỏi khắp các ngõ. Nhưng những ngày đầu tháng năm này, trong khi giá lợn tăng kỷ lục, có lúc lên đến 90.000 đồng/kg thì ở nơi được mệnh danh là “thủ phủ lợn” của miền Bắc này, không khí chăn nuôi lại trầm lặng đến ngỡ ngàng.

Ba năm về trước, anh Phạm Văn Việt được bà con trong xã ngợi khen “tuổi trẻ tài cao”, bởi ngoài ba mươi tuổi, anh đã là một trong những người chăn nuôi lợn có tiếng ở xã. Hệ thống chuồng trại, cơ sở vật chất cả tỷ đồng được anh dựng lên cũng từ tiền bán lợn; ngôi nhà cao tầng trị giá một tỷ đồng cũng nhờ nuôi lợn. Anh Việt làm nhà xong thì xã Ngọc Lũ bước vào năm đen tối nhất trong nghề truyền thống của mình. Sau sáu tháng đổ công đổ của, những chú lợn xuất chuồng với cái giá chỉ bằng 1/3 tiền thức ăn. Cả năm ấy, giá lợn hơi chỉ giảm chứ không tăng, kể cả khi “được giá” nhất, người chăn nuôi vẫn lỗ cả vốn lẫn công. 

Kết thúc năm 2017, anh Việt nợ đại lý thức ăn chăn nuôi cả tỷ đồng. Năm sau, thấy anh Việt bỏ không chuồng trại, đại lý thức ăn chăn nuôi động viên anh tiếp tục nuôi, họ sẽ cung cấp heo giống và thức ăn, khi có lãi, phía đại lý sẽ trừ nợ dần cho anh. Nhưng rồi dịch tả lợn châu Phi kéo đến, người có tay nghề được xếp vào loại cao như anh Việt cũng chẳng thể giữ được đàn lợn.

Hóa điên vì dịch chồng dịch

Hơn 60 tuổi, bà Nguyễn Thị Xuân có hơn 10 năm nuôi lợn theo mô hình khép kín. Với 27 con nái sề, 12 con lợn đực giống, nhà bà hầu như không phải đi mua lợn con về nuôi, trong chuồng lúc nào cũng có 500 con, lứa này nối lứa khác. 

Hễ nhắc đến chuyện nuôi lợn, bà Xuân lại thở hắt. Trước đây, nhà bà nằm giữa tứ bề chuồng lợn chứ không phải giữa vườn tược cây cối xanh um như bây giờ. Thẫn thờ bước xuống vài ô chuồng trống còn giữ lại, bên trong loắng ngoắng đàn chó con, bà nhắc đến cái hồi bán lợn hơi với giá 16.000 đồng/kg mà như đứt từng khúc ruột: “Bán 100 con giá 16.000 đồng/kg, 100 con nữa lên được 17.000 đồng/kg. Lúc nhích giá lên được 30.000 đồng/kg là bán 200 con. Một con lợn giống có giá 1.850.000 đồng, nuôi đến lúc 1,2-1,3 tạ, bán ra chỉ bằng tiền giống. Nó còn ăn trong sáu tháng trời, tính tiền cám đã mất đến 42.000 đồng/kg, chưa kể công sức cả năm trời của vợ chồng con cái. Mà 16.000 đồng/kg là lợn đẹp chứ lợn xấu chỉ 12.000-13.000 đồng/kg, sau còn bán mớ, không cân kẹo gì”. 

Sau đợt ấy, nhà bà phá bỏ 3/4 chuồng trại để trồng bưởi, nợ ngân hàng và đại lý cám 1,3 tỷ đồng. Con trai bà đi làm thợ xây tận Lào Cai, chắt bóp gửi tiền về cho bố mẹ trả lãi ngân hàng. Vợ chồng bà cũng chuyển sang nuôi vịt. Ông bà đã nuôi ba lứa vịt, mỗi lứa hơn 300 con. Chồng bà Xuân thẳng thắn: “Lỗ không lỗ nhiều, mà lãi cũng không được bao nhiêu nhưng bận như con mọn, vất vả hơn nuôi lợn nhiều”. 

Bà Xuân áng chừng: “Sau đợt lợn xuống giá đó, quá nửa số hộ không nuôi nữa, số còn lại vẫn gắng gượng duy trì trong năm 2018, nhưng đến 2019 thì dịch tả lợn châu Phi gần như xóa trắng”. Rồi bà thở dài: “Làng này giàu lên nhờ lợn, thành con nợ cũng vì lợn. Mười nhà thì đến tám nhà nợ ngân hàng và các đại lý thức ăn chăn nuôi. Nợ ít nhất cũng 500 triệu đồng, còn nợ đến tiền tỷ thì phổ biến”.

Nhiều hộ vẫn kiên trì gây đàn từ những con nái còn sống sót sau dịch tả lợn châu Phi
Nhiều hộ vẫn kiên trì gây đàn từ những con nái còn sống sót sau dịch tả lợn châu Phi

Nhà ông L.M. nợ hơn một tỷ đồng, giọng thì tưng tửng mà nước mắt cứ chực trào ra: “Giờ có bán cả nhà cửa, đất cát cũng không trả hết được nợ. Riêng ngân hàng, chúng tôi nợ 800 triệu đồng mà định giá tài sản chỉ được 400 triệu đồng”. Chán cảnh nuôi lợn, vợ chồng ông đã tính đến việc đi nước ngoài làm thuê, “nhưng chẳng biết có đi được hay không để mà kéo cày trả nợ”. 

Ở Ngọc Lũ, cũng đã có vài hộ phải bán nhà, có hộ bán cho chính đại lý cám là chủ nợ. Sau dịch lợn tai xanh, đến “dịch” xuống giá, các hộ còn đang liểng xiểng thì dịch tả lợn châu Phi như cú “hạ đo ván” người chăn nuôi ở xã Ngọc Lũ. Ở Đội 12, có bà T. đã hóa điên sau khi dịch tả lợn châu Phi “thổi tan” tất cả. Nghe nhắc chuyện của bà T., bà Xuân vừa pha sữa bột cho cháu nội, vừa gạt nước mắt: “Dịch chồng dịch như thế, người dân nào chịu nổi”.

"Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây"

Người chăn nuôi sạt nghiệp vì nuôi lợn, các đại lý thức ăn chăn nuôi lớn nhỏ cũng chật vật theo. Từng là đại lý lớn nhất nhì Ngọc Lũ, nhưng nhiều ngày nay, cửa hàng của ông D.T. đóng cửa im ỉm. Lúc nghề chăn nuôi ở xã Ngọc Lũ hưng thịnh, đại lý nhà ông tất bật cả ngày nhưng bây giờ, số đại lý thức ăn chăn nuôi ở đây có khi còn nhiều hơn số hộ đang duy trì đàn lợn. Nhiều đại lý thành chủ nợ của các hộ chăn nuôi nhưng lại là con nợ của các công ty cám. 

Khó ló mánh, khi dịch tả lợn châu Phi ở Hà Nam đã được khống chế, một số đại lý cám thuê lại các trại bỏ không, quay sang kiêm cả nghề nuôi lợn, vừa giải quyết được vấn đề doanh số đã nhận từ các công ty thức ăn chăn nuôi, vừa phát triển được đàn lợn. Nhưng không phải đại lý nào cũng chăn nuôi bài bản. Vài đại lý đã chọn cách nhập lợn thương phẩm về, “găm” lại trại cho ăn ít ngày, chờ thị trường tăng thêm chỉ 2.000-3.000 đồng/kg là xuất bán.

Ông Trần Xuân Bính - thương binh hạng 2/4, nuôi lợn từ những năm cuối thập niên 1980 - gọi cách nuôi lợn của những đại lý cám kia là “ăn xổi”. Như không ít người dân Ngọc Lũ, ông Bính được xếp hạng “lão làng” trong nghề. Trước khi nuôi lợn thịt, ông Bính có gần 30 năm nuôi lợn đực giống. Ông đến Trung tâm Nghiên cứu lợn giống Thụy Phương (H.Từ Liêm, TP. Hà Nội) mua mấy loại lợn giống khác nhau, mỗi con từ 30-40 triệu đồng.

Sau này, ông Bính phát triển thêm đàn nái sề và nuôi lợn thương phẩm. Ông tự hào: “Nói về chăn nuôi lợn, Ngọc Lũ thuộc hàng xuất sắc của miền Bắc. Dịch tai xanh hay lở mồm long móng với Ngọc Lũ chỉ là chuyện nhỏ. Trước đợt rớt giá, lợn của bà con còn mắc bệnh nổ mắt, nhưng chúng tôi vẫn chữa được. Như nhà tôi chỉ chết ba con, nhiều con nổ mắt nhưng vẫn sống, vẫn phát triển bình thường. Nhưng đến “trận” xuống giá, rồi dịch tả lợn châu Phi thì không có thuốc hay kinh nghiệm nào đỡ được”.

Ông Bính khẳng định, nếu bình ổn được giá, “thủ phủ lợn” quê ông sẽ không bao giờ bỏ chăn nuôi
Ông Bính khẳng định, nếu bình ổn được giá, “thủ phủ lợn” quê ông sẽ không bao giờ bỏ chăn nuôi

Ông Bính bảo, bà con không sợ dịch bằng nỗi sợ xuống giá, bởi ngay cả khi dịch tả lợn châu Phi quét qua, nhiều hộ chăn nuôi ở Ngọc Lũ vẫn giữ được đàn. Như nhà ông Dương, đang nợ ngân hàng cả tỷ đồng nhưng vượt được qua ba vòng dịch, thế là giũ sạch nợ.

Nhà ông Bính cũng giữ được đàn đến tận vòng ba. Sau trận tả, ngõ nhà ông có hai người “sót” lại được lợn, nhà ông giữ được ba con nái sề, nhà hàng xóm giữ được bảy con. Nhưng trong ba con nái sề của nhà ông Bính, hai con “hiếm muộn”, chỉ một con chửa đẻ được, đã sinh lứa thứ hai. Mỗi lứa, ông Bính đều bớt lại một con để gây nái, hy vọng số lợn để nuôi thịt sẽ tăng dần dần, “chứ bây giờ bảo mua một con nái mười mấy triệu đồng mà chưa biết có chửa đẻ được hay không thì tôi không dám mạo hiểm”.

“Giờ nuôi lại lợn đực giống là trúng lắm, bốn con, mỗi ngày thu 800.000 đồng, mà chúng nó chỉ ăn hết 200.000 đồng/ngày”. Đang tính toán, ông chậc lưỡi: “Nhưng bây giờ, mua lợn đực giống là to tiền lắm, phải 60-70 triệu đồng/con. Mà nuôi lợn này, ít cũng phải bốn con mới làm được”.

Ông lão thương binh hí tếu nhưng cũng đầy lạc quan: “Trước, người dân Ngọc Lũ nhà tôi sáng cho lợn ăn xong, rửa chân tay, bỏ áo trong quần, lên xe con chạy thẳng về TP. Phủ Lý ăn bún cá rồi chạy về ngắm lợn. Nợ tiền tỷ nghe cũng khiếp, nhưng bà con ở đây quen rồi”. 

Hầu hết người dân Ngọc Lũ đã sợ cảnh “lợn ăn móng nhà”, không ai dám nghĩ đến phục hồi quy mô chăn nuôi như trước đây. Bà con quá ám ảnh về trận “bão giá” kinh hoàng năm 2017. Song, nhiều nhà cũng đang gây dần dần vài ba chục con. Ông Bính vung cánh tay cụt, quả quyết: “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây. Chúng tôi tính rồi, chẳng gì bằng nuôi lợn. Chỉ cần bình ổn được giá lợn, Ngọc Lũ sẽ vượt qua mọi dịch bệnh để tiếp tục chăn nuôi”. 

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI