Nghịch lý bảng cấm

20/06/2015 - 07:56

PNO - PN - Có một nghịch lý về việc thực hiện các quy định ở nơi công cộng đang xảy ra hàng ngày: chỗ nào “cấm” điều gì thì ở nơi đó người ta vô tư làm ngược lại.

edf40wrjww2tblPage:Content

Con đường gần nhà tôi, dù có biển “cấm họp chợ” nhưng ngày nào cũng diễn ra cảnh mua bán tấp nập của một chợ tự phát. Người mua kẻ bán chẳng ai quan tâm đến biển cấm, chỉ đến khi lực lượng trật tự xuất hiện mới hối hả giải tán.

Nơi nào đề bảng “cấm đổ rác” thì nơi đó bị tập kết rác nhiều nhất, thậm chí che luôn cả cái bảng. Trong những công viên, chỗ nào có bảng “cấm giẫm lên cỏ” thì chỗ đó tập trung nhiều người đủ mọi thành phần thản nhiên vui đùa trên thảm cỏ xanh. Không khó để bắt gặp cảnh người ta thản nhiên câu cá ở những nơi được rào chắn cẩn thận, đề bảng to đùng “cấm câu cá”…

Dẫn ra một số ví dụ trên để thấy trong ý thức của nhiều người, cái bảng cấm chẳng mang ý nghĩa gì cả. Có người cho rằng, treo biển cấm mà không xử phạt thì không ai sợ. Nhưng xét cho cùng, đây là chuyện thuộc về ý thức tự giác của mỗi người, tấm biển chỉ mang tính chất nhắc nhở.

Nghich ly bang cam

Ảnh: Phùng Huy.

Tâm lý đám đông cũng ảnh hưởng khá lớn đến việc phớt lờ các quy định nơi công cộng vì “mọi người làm được, tội gì mình không làm". Có lần, tôi dẫn học sinh đi tham dự một buổi lễ ở quảng trường, dù ở chỗ các em ngồi có biển “cấm xả rác” nhưng sau khi tan lễ, các em vẫn để lại vô số bịch nước uống, khăn giấy, vỏ kẹo.

Tôi nhắc nhở một em đang đứng gần thì em điềm nhiên nói: “Các bạn vứt đầy chứ đâu phải mình em đâu, lát nữa có người dọn mà”. Câu trả lời của em làm tôi nhớ lại thời sinh viên, mỗi giảng đường đều có tấm biển “Đề nghị bỏ rác đúng nơi quy định” nhưng ít người quan tâm thực hiện, bạn bè tôi vô tư bỏ rác trong ngăn bàn, thậm chí bỏ cả thức ăn thừa bởi ai cũng nghĩ là sẽ có người dọn.

Các bậc cha mẹ cũng vô tình tạo thói xấu cho con trẻ. Ví dụ, khi con muốn đi vệ sinh nơi công cộng thì cho con “xả” ngay tại chỗ mà không cần đưa con đến nhà vệ sinh. Có ai dám chắc những em bé đó lớn lên sẽ không đứng “tiểu đường” ngay khi có thể. Trong một lần vào bệnh viện, thấy mấy em nhỏ đến thăm bệnh cười đùa ồn ào ở khu vực gắn biển “không làm ồn”, tôi nhắc nhở thì bị một bà mẹ trách lại vì "tội"… nhiều chuyện.

Những chuyện phớt lờ quy định nơi công cộng xảy ra hàng ngày ở khắp mọi nơi, ai cũng từng chứng kiến, thậm chí cũng đã vi phạm, nhưng khi nhắc đến thì cứ luẩn quẩn điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nguyên do, trong tiềm thức nhiều người, nơi công cộng thì đâu của riêng ai mà phải có trách nhiệm, đó là chuyện của thiên hạ. Hậu quả người nào gánh chịu mặc kệ, trừ mình ra là được.

HÀ LAM (TP. Đông Hà, Quảng Trị)

* Bài vở tham gia trên trang bạn đọc, vui lòng gửi về email: bandocphunu@gmail.com.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI