Nghĩ đến chuyện phân chia con cái khi ly hôn là tôi cảm thấy bế tắc

25/06/2022 - 09:00

PNO - Tất cả điều em lo ngại như: cha con rất quấn quýt, sự “thiệt hại” của anh ấy… đều có thể được giải quyết bằng sự tận tình và trách nhiệm của em và chồng cũ.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Cuộc ly hôn của em rất “ngắn gọn dễ hiểu”. Sau nhiều xung đột, vợ chồng em nhận ra không thể hòa hợp được nữa và chia tay trong êm đẹp. Anh nhường em chọn và phân chia mọi tài sản, em chọn chia đều.

Anh khuyên em lấy căn nhà, còn anh lấy những tài sản khác (anh chịu phần ít hơn). Mọi thứ êm thấm nhưng em luôn đau đầu phần chia con.

Tụi em có hai bé gái, đều dưới mười tuổi. Hai cháu rất thân nhau. Theo tinh thần chung là em sẽ nuôi một cháu, chồng em nuôi một cháu. Nhưng anh nói anh có điều kiện kinh tế, có thể nuôi cả hai để hai cháu sống cùng nhau. Hoặc, em có thể nuôi cả hai nếu em đủ điều kiện. Anh muốn hai cháu được sống chung “vì tách đôi sẽ làm bầu trời gia đình thực sự rách đôi trong mắt bọn trẻ”.

Em không thể ngờ một cuộc ly hôn êm thấm, không hề tranh giành nhưng lại có thể đau đầu đến mức này, chỉ vì việc cân nhắc chỗ ở của con. Nếu cố gắng, em vẫn có thể nuôi cả hai. Nhưng điều này có thể khiến chồng em “thiệt hại” vì anh vốn rất mê con, các con cũng quấn quýt bố. Việc giao cả hai cho anh thì em không bao giờ chọn. 

Em không biết nên làm thế nào, nên dựa vào đâu để quyết định. Xin chị cho em lời khuyên.

Thái An (Q.8, TP.HCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Thái An mến,

Chồng cũ của em rất sâu sắc khi cân nhắc vấn đề này. Đúng là việc phải sống xa anh/chị/em sau khi cha mẹ ly hôn khiến bi kịch chia cắt thêm nặng nề với các cháu. Nhưng ly hôn đã là một việc chẳng đặng đừng. Trong bối cảnh đặc biệt đó, ta chỉ có thể chọn phương án tốt nhất trong khả năng và điều kiện của mình…

Khi ly hôn, hẳn em cũng đã có những hình dung cơ bản về sự gắn bó giữa các thành viên sau này. Trong hình dung ấy, chắc chắn phải có những viễn cảnh về sự gắn bó dù không sống cùng nhau. Ví dụ, cha/mẹ sống ở nơi khác nhưng vẫn giữ kết nối với con bằng việc gặp gỡ, theo dõi, hỗ trợ con… 

Nói vậy để thấy, ta luôn có phương án để giảm mức độ mất mát khi phải sống xa người thân sau ly hôn, kể cả là việc con sống xa ba, hay chị sống xa em. Nhưng điều kiện tối quan trọng, là từng người lớn phải thật sự có trách nhiệm và tôn trọng, vun vén cho tình cảm của mình với các con.

Tất cả điều em lo ngại như: cha con rất quấn quýt, sự “thiệt hại” của anh ấy… đều có thể được giải quyết bằng sự tận tình và trách nhiệm của em và chồng cũ. Vậy, ta có thể bỏ qua lo ngại này. 

Việc em nên cân nhắc tiếp theo là khả năng nuôi dưỡng của em và chồng cũ, không chỉ về tài chính mà còn về thời gian, năng lượng… Em hãy thử hình dung với quỹ thời gian hiện tại (thậm chí có thể ít hơn nếu em còn phải cố gắng kiếm tiền để nuôi hai con), em có thể đảm đương nổi hai đứa trẻ hay không.

Chất lượng sống, bao gồm: điều kiện vật chất, sự gắn bó tinh thần với người nuôi dưỡng của hai cháu liệu có ổn không khi chỉ trông cậy vào mẹ. Mặt khác, nếu chồng em nuôi một cháu, thì liệu một mình anh ấy có đảm đương được các vấn đề tâm sinh lý của con gái?

Tất cả vấn đề này chỉ có em mới có thể giải đáp được, dựa trên hiểu biết của em về tính cách, lối sống của cả em và chồng cũ.

Quả thực, nếu các con được sống cùng nhau, được mẹ hoặc bố trực tiếp nuôi dưỡng toàn tâm toàn ý và được thường xuyên gặp gỡ, gắn kết với người còn lại… thì đó chính là một lựa chọn lý tưởng. Nhưng, ta cũng không để cái lý tưởng làm khổ mình nếu điều kiện không cho phép. Vậy lúc này, hãy quay về nhìn lại điều kiện thực tế của cả em và chồng cũ để đưa ra quyết định tốt nhất trong khả năng của mình, em nhé.

Em chỉ cần nhớ rằng, mọi thứ sẽ tốt đẹp nếu từng người thực sự có tình thương và trách nhiệm. Nghĩ vậy, em sẽ không quá áp lực.

Mong em có lựa chọn sáng suốt và sớm an vui.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn  

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI