Nghi án làm giả giấy tờ tâm thần để trốn tội

18/07/2018 - 06:08

PNO - Ông Nguyễn Tuấn Sơn đã đưa đối tượng có lệnh truy nã về tội giết người đến, giới thiệu với ông Thân Thanh Phong để khám rồi cho nhập viện điều trị bệnh tâm thần và làm hồ sơ bệnh án đầy đủ cho đối tượng này.

Ngày 16/7, lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (H.Thường Tín, TP.Hà Nội) xác nhận với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM: bác sĩ Thân Thanh Phong, nguyên Phó trưởng phòng Chỉ đạo tuyến - cùng ông Nguyễn Tuấn Sơn - nguyên kỹ thuật viên trưởng khoa Dinh dưỡng của bệnh viện này - đã bị bắt giam để điều tra nghi án chạy giấy chứng nhận tâm thần nhằm trốn tội "giết người". 

Nghi an lam gia giay to tam than de tron toi

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Duy Đặng - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I - cho biết, vụ việc bị phát hiện vào tháng 11/2017 và hiện công an đang điều tra. Theo thông tin từ công an, ông Nguyễn Tuấn Sơn đã đưa đối tượng có lệnh truy nã về tội giết người đến, giới thiệu với ông Thân Thanh Phong để khám rồi cho nhập viện điều trị bệnh tâm thần và làm hồ sơ bệnh án đầy đủ cho đối tượng này.

Trao đổi với phóng viên, thượng tá Trần Mạnh Hùng - Phó chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội cho biết, cơ quan này đang thụ lý điều tra vụ án nói trên. Hiện nay đã khởi tố vụ án và các bị can để điều tra theo luật định. 

Ngày 12/6 vừa qua, cơ quan điều tra đã thông báo tạm giữ ông Phong và ông Sơn. Trong quá trình bị triệu tập, ông Phong phải nhập viện vì bị polyp trực tràng, đồng thời bị quai bị biến chứng, dẫn tới viêm tinh hoàn. Khi có lệnh tạm giam, ông Phong đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), được công an yêu cầu chuyển về Bệnh viện đa khoa H.Hà Đông điều trị.

Mặc dù cơ quan điều tra chưa có kết luận cuối cùng, nhưng Bệnh viện Tâm thần Trung ương I đã có nhiều cuộc họp nhằm chấn chỉnh, rà soát lại quy trình khám chữa bệnh của bệnh viện. Ông Dương Duy Đặng thông tin: “Quy trình làm hồ sơ, giấy chứng nhận tâm thần cho bệnh nhân đã được quy định rõ ràng. Bệnh nhân có giấy tờ giới thiệu từ địa phương, sau đó qua phòng khám bệnh, chụp ảnh và dán lên giấy tờ liên quan trước khi đưa vào khoa/phòng điều trị, làm hồ sơ bệnh án. Việc điều trị phải tiến hành trong vòng 30 ngày mới có chẩn đoán. Đa số bệnh nhân vào bệnh viện đều được chụp ảnh nhận dạng. Đây không phải là quy định bắt buộc của Bộ Y tế mà do bệnh viện tự đặt ra để bảo vệ trước nguy cơ lợi dụng giấy tờ của bệnh viện để làm việc phi pháp”.

Quy trình chặt chẽ là vậy, nhưng theo ông Đặng, việc thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, với quy định bệnh nhân vào viện phải có giấy giới thiệu từ địa phương, nhưng nhiều gia đình muốn đưa thẳng bệnh nhân vào bệnh viện cấp cứu, thậm chí vào đêm hôm, rạng sáng. Có bệnh nhân được đưa từ Sơn La, Điện Biên đến, không thể bảo họ quay về lấy giấy tờ mới cho nhập viện. Lại có những bệnh nhân từng phạm pháp nhưng có giấy tờ rất đầy đủ từ xã tới tỉnh, nên rất khó kiểm chứng thông tin bệnh nhân khi nhập viện.

Ông Đặng còn cho biết, nhiều bệnh nhân cố tình diễn như thật thì các bác sĩ sẽ khó phát hiện ngay. Vụ việc liên quan đến ông Phong và ông Sơn, phía bệnh viện không loại trừ khả năng không có tiêu cực, vì có thể vụ việc xảy ra ngoài ý muốn của bác sĩ. 

Bác sĩ bị bắt là con trai nguyên giám đốc bệnh viện

Ông Thân Văn Quang - nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, cha của bác sĩ Thân Thanh Phong - cho rằng, hành vi của bác sĩ Phong chỉ là sai quy trình khám chữa bệnh của bệnh viện. Lẽ ra phải đi theo đúng tuyến, từ xã lên huyện, lên tỉnh, có giấy giới thiệu mới vào viện điều trị thì bác sĩ Phong lại điều trị, cấp thuốc luôn cho bệnh nhân.

Nguyên nhân của việc này là do Nguyễn Tuấn Sơn đã dẫn bệnh nhân kia đến để nhờ “khám nhanh”, do cả nể nên bác sĩ Phong đã đồng ý khám, cấp thuốc. Tình trạng cả nể này vẫn thường xảy ra trong ngành y tế. Vào thời điểm ông Quang làm lãnh đạo bệnh viện, chưa từng xảy ra vụ việc nào đáng tiếc như vụ này.

Theo ông Quang, có tình trạng bệnh nhân sau khi gây án, hoảng loạn tinh thần nên khi vào viện, bác sĩ không nhận ra. Đã từng có lần, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân đã gây ra một vụ án ở chùa Hương rồi giả vờ bị tâm thần, điên loạn; bệnh viện phải lắp camera và theo dõi trong 2 tháng, mới xác định được người này giả bệnh.

Được biết, bác sĩ Phong nhận chức Phó khoa Điều trị cho bệnh nhân cao tuổi khoảng 1 năm nay. Trước đó, bác sĩ Phong làm Phó phòng Chỉ đạo tuyến và vừa bảo vệ xong luận văn thạc sĩ.

Nhóm Phóng Viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI