Nghệ sĩ và ký ức không quên về một thời mưa bom bão đạn

30/04/2024 - 09:23

PNO - Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng ký ức về những năm tháng sống, chiến đấu và sáng tác ở chiến khu của nhiều văn nghệ sĩ vẫn như mới hôm qua. Một thời để nhớ của bao người chính là ngày tháng không quên từ chiến trường lửa đạn…

Hát trong bão lửa

Đường Trường Sơn năm 1971.

3g sáng, nữ nghệ sĩ Lê Thiện (Nghệ sĩ ưu tú - NSƯT Lê Thiện) cùng các nghệ sĩ Thanh Tùng, Minh Châu, Minh Nguyệt và một số diễn viên của đoàn ca múa miền Nam thức giấc, cùng hành quân theo bộ đội. Họ như trở thành những “chiến sĩ Đường 9 Nam Lào thực thụ” với nhiệm vụ biểu diễn phục vụ đồng bào và chiến sĩ. Mỗi ngày hành quân trên đường Trường Sơn, đoàn cố gắng phải đến được 1 binh trạm và tổ chức biểu diễn phục vụ đơn vị.

Nghệ sĩ ưu tú Lê Thiện thời trẻ tại chiến trường - Ảnh nhân vật cung cấp
Nghệ sĩ ưu tú Lê Thiện thời trẻ tại chiến trường - Ảnh nhân vật cung cấp

“Thuận lợi thì có được bãi đất trống với các chiến sĩ ngồi vây quanh. Không thì chia nhau ra chui vào hầm, vào hang đá, các nơi bộ đội ta trú ẩn làm nhiệm vụ mà diễn. Một lần tôi đang say mê hát Bài ca may áo thì nghe cái rầm, cả người bị hất gọn vào giao thông hào cách chỗ biểu diễn 4m. Lúc được kéo lên, nhìn lại mới thấy một đoạn giao thông hào nát bấy, thì ra là bom từ trường nổ. Đúng nghĩa thoát chết trong gang tấc” - NSƯT Lê Thiện hồi tưởng.

Bà cũng không bao giờ quên lần cùng đồng đội cầm theo cây guitar thùng vào phục vụ tại hầm phẫu thuật của một trạm quân y. “Tôi và Minh Nguyệt hát bài Người thương mến của nhạc sĩ Hoàng Việt, nhưng phải 3 lần cất tiếng, 2 đứa mới hát được vì cứ nghẹn lại. Khóc không kìm được khi nhìn thấy những vết thương các chiến sĩ phải chịu. Có những đồng chí bị thương nặng đến mức bác sĩ có thể nói luôn được giờ ra đi…” - NSƯT Lê Thiện xúc động.

Sự khốc liệt của chiến trường càng thôi thúc người nghệ sĩ - chiến sĩ hăng hái mang lời ca tiếng hát làm tăng chí khí người ra trận. “Nhóm 3 người - tôi, anh Thanh Tùng và Minh Châu - chuyên diễn trích đoạn cải lương Đường lên tuyến trước (tác giả Nguyễn Vũ). Đạo cụ chỉ có 1 cái võng, sân khấu dã chiến không micro, không ánh sáng, nhưng cũng kể được một câu chuyện hài hước và đầy chí khí về những con người chỉ muốn xông pha ra trận. Cứ thế, diễn suốt các binh trạm. Mấy anh bộ đội đâu có nhớ tên mình là Lê Thiện, cứ kêu chị Hiền hoặc y tá Hiền - vai diễn mình đảm nhận” - NSƯT Lê Thiện nhớ mãi.

Người nữ nghệ sĩ năm ấy đã dấn thân vào chiến trường, không quản khó khăn nguy hiểm vì “mình là người miền Nam (NSƯT Lê Thiện quê ở Bình Định - PV), phải đóng góp cho công cuộc giải phóng miền Nam”. Cho đến khi cơn sốt rét ác tính ập đến, Lê Thiện phải trở ngược ra Bắc trên võng cáng của đồng đội.

Câu chuyện về một thế hệ “tiếng hát át tiếng bom” của một thời từng được nhà văn Nguyễn Thanh Hương viết trong tiểu thuyết Hát trong bão lửa (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2021). Đó là đoàn văn công miền Bắc đã đến với Trường Sơn, những tiếng hát hùng tráng vang lên lúc trong hang đá, khi trong rừng thẳm, bên bờ suối, trên đồi cao... Khán giả là những chiến sĩ, thương bệnh binh, y bác sĩ; có lúc là một tiểu đoàn, một đại đội, nhưng có khi chỉ có 1-2 người. Những bài hát hào hùng vang lên giữa rừng Trường Sơn, nâng đỡ tinh thần nơi tiến tuyến: Anh vẫn hành quân, Vì miền Nam, Chào em cô gái Lam Hồng, Cô gái mở đường...

Còn mãi với ngày sau

Dưới mưa bom bão đạn, các văn nghệ sĩ vẫn xông pha chiến đấu và sáng tác. Những năm tháng không quên còn lại mãi trong những thước phim tài liệu được ghi lại từ chiến khu bưng biền. Đạo diễn Việt Linh mãi khắc ghi cảnh quay dân công tải đạn trên vùng trắng (trong phim tài liệu Đường ra phía trước của Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Hồng Sến, vào năm 1969).

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn năm 1963 - Ảnh nhân vật cung cấp
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn năm 1963 - Ảnh nhân vật cung cấp

“Mọi người đang chuyển đạn thì máy bay ào đến, ba đẩy nhanh tôi xuống mương, đoàn dân công cũng tản ra, nằm rạp trong tiếng kêu nháo nhác. Chỉ riêng chú Tư đứng “sung sướng”: “Tuyệt lắm! Tiếp tục chạy đi!”. Chú Tư hét, lao lên mô đất cao, liên tục lia máy từ trời xuống đất, từ đất lên trời…” - đạo diễn Việt Linh viết trong tập tạp văn Kẻo tro bay mất (Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành). Năm ấy chị mới 16 tuổi.

Trong ký ức của chị, “chú Tư” - NSND Hồng Sến là người quyết liệt, như một “hiệp sĩ” với chiếc máy quay, ông đã làm tất cả vì nghệ thuật và sự thật. Đường ra phía trước được trao huy chương Vàng Liên hoan phim quốc tế Mát-xcơ-va và trở thành một trong những phim tiêu biểu của xưởng phim Giải Phóng. Đạo diễn Việt Linh kể, đêm nghe đài Hà Nội báo tin phim đoạt giải và khán giả Mát-xcơ-va 2 lần đứng dậy vỗ tay trước cảnh những con trâu quỳ xuống để tải đạn và đoàn dân công chạy dưới mưa bom, đạo diễn Hồng Sến cùng những người làm phim đã rơi nước mắt. Họ đã dấn thân cho những thước phim quý giá, vừa chân thực vừa nghệ thuật.

Hồi ấy, quay phim nhiều thử thách, giữ phim càng gian nan. Phòng chiếu thiết kế vải đen che kín bên trong vách ngăn bằng tre, dựng phim thủ công với các cuộn phim 16mm. Phim dựng xong phải mang đi giấu ở hầm bí mật. Không khí trong rừng ẩm thấp, phải đổ gạo rang vào các túi để hút ẩm. Trong chiến khu, việc dành một phần gạo để bảo vệ phim cũng có nghĩa là mọi người đã sẻ bớt phần ăn của mình. Từ trong gian khó, hiểm nguy, những thước phim quý giá đã được ghi lại, gìn giữ bởi những trái tim yêu nghệ thuật.

Nhớ về những năm tháng sống và chiến đấu thuở đôi mươi, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn kể, một đêm tháng 8/1963, ông hành quân từ căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam đến dự trại học sáng tác âm nhạc tại Xóm Rẫy (Tây Ninh). Trên dòng Vàm Cỏ Đông, mưa lất phất, gió thổi lạnh lẽo. Xa xa, những ngọn đèn vàng tỏa ra từ vùng địch chiếm đóng. Tiếng pháo thì văng vẳng trên đầu. Những tưởng chúng sẽ bóp nghẹt mọi suy nghĩ, nhưng không, hình ảnh các mẹ/các chị… đưa người qua sông lại hiện hữu trong ông rõ ràng, rành mạch.

“Hò khoan, chúng em khua mái chèo/ Ðưa các anh qua dòng sông lạnh lẽo/ Ðường hành quân các anh đi khắp nẻo/ Vì quê hương mà anh chẳng ngại gian lao…”. Bài hát Qua sông đã ra đời như thế. Ca khúc theo đường giao liên vượt dãy Trường Sơn ra Bắc. Sau đêm giao thừa năm 1965, từ vùng giải phóng của tỉnh Bình Dương, ông nghe ca khúc vang lên từ Đài tiếng nói Việt Nam. Nhạc sĩ bất ngờ, nghèn nghẹn.

Chiến tranh khốc liệt. Không chỉ ở chiến trường, ngay trong sáng tác âm nhạc cũng có những cuộc chia ly. Tác phẩm trở thành dấu gạch nối giữa người ra đi và người ở lại. Năm 1968, khi tham gia chiến dịch Mậu Thân đợt 1, ông về trú ở vùng ven Sài Gòn. Sau khi nghe lời chúc tết của Bác Hồ, bốn bề tiếng súng vang rền. 5g sáng, Đài phát thanh Giải Phóng mới đưa tin về cuộc tổng tiến công. Lòng ông bồi hồi khó tả. Ông nghĩ phải viết gì đó cho thời khắc lịch sử này. Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn (sau này đổi tên là Bài ca nữ tự vệ Sài Gòn) bắt đầu hình thành. Khi ca khúc còn dở dang, ông được lệnh trở về căn cứ, tại đây gặp gỡ nhà thơ Lê Anh Xuân. Những tâm hồn yêu nghệ thuật tìm được điểm giao để nhà thơ Lê Anh Xuân tiếp tục viết lời cho ca khúc. Nhưng tác phẩm chưa hoàn thành, ông lại được lệnh tham gia đợt 2 của cuộc tổng tiến công Mậu Thân tháng 5/1968. Khi nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn hoàn thành ca khúc cũng là lúc nhận tin nhà thơ Lê Anh Xuân hy sinh.

Còn Bài ca nữ tự vệ Sài Gòn qua Thông tấn xã Giải Phóng theo đường điện tín để đến được miền Bắc, rồi vang lên trên cả nước. Âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn luôn tồn tại niềm tin mãnh liệt về ngày đất nước hòa bình, độc lập như trong đoạn kết của Qua sông, rằng: “Rồi mai đây làng quê ta bừng sáng/ Ðón anh về mừng chiến thắng reo vang”. Âm nhạc đã mang ước mơ này đi khắp các mặt trận để rồi 30/4 năm ấy, non sông Việt Nam nối liền một dải.

Trong mưa bom bão đạn của chiến tranh, khi ra đi chiến đấu vì Tổ quốc, họ - những thanh niên ngày ấy luôn xác định rõ: một là bị tù đày, hai phải nằm lại với đất mẹ. Lằn ranh sự sống - cái chết lúc nào cũng mỏng manh. Nhưng không vì đó mà nghệ thuật mất đi đất sống, ngược lại, càng sinh sôi mạnh mẽ để hun đúc tinh thần cho những người con đất Việt chiến đấu ngoan cường.

Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ

Bức họa Xuân trong hầm pháo Điện Biên của họa sĩ Phạm Thanh Tâm - Ảnh tư liệu
Bức họa Xuân trong hầm pháo Điện Biên của họa sĩ Phạm Thanh Tâm - Ảnh tư liệu

Trong hành trình về nguồn Điện Biên Phủ mới đây, những người làm báo đã được thưởng lãm bức tranh sơn dầu Xuân trong hầm pháo Điện Biên của cố họa sĩ, đại tá Phạm Thanh Tâm (tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ). Đó là bức vẽ hình ảnh một buổi biểu diễn trong hầm pháo với nghệ sĩ là 4 cô văn công và khán giả là 10 chiến sĩ. Căn hầm sáng rực với sân khấu biểu diễn là khoảng không gian nhỏ được mở ra giữa 2 càng pháo.

Trong ấn phẩm Trang sử vàng Điện Biên Phủ (Nhà xuất bản Thời Đại), họa sĩ Phạm Thanh Tâm - người cựu binh của Đại đoàn 351 lúc sinh thời đã kể về bức họa mà ông dày công phác thảo bố cục nhiều lần, vẽ nhiều bức khác nhau nhưng lại rất ít khi nhắc tới này. Bởi vì, 2 ngày sau chương trình biểu diễn ấy, hầm pháo bị tấn công và các chiến sĩ đều hy sinh. Bức họa Xuân trong hầm pháo Điện Biên ở lại mãi với thời gian, để người sau được nhìn thấy dư ảnh bi hùng vang vọng của một thời.

Nhóm PV VHVN

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEnhanvattacphamvi /strCate=nhanvattacpham

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvandevi /strCate=vande

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsangtacvi /strCate=sangtac

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATErubikvanhoavi /strCate=rubikvanhoa
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvanhoavi /strCate=vanhoa