Nghệ sĩ piano Bích Trà: Về với mẹ thôi…

28/01/2017 - 19:24

PNO - Trà học giỏi cả văn lẫn toán, có nhiều con đường tương lai rộng mở, song lại chọn âm nhạc.

1.

“Trà về rồi em ạ!”. Tôi nghe giọng NSND Trà Giang nói như reo trong máy, có một chút hớn hở khác lạ hơn so với những lần báo tin trước đây. Chẳng là hằng năm cứ mỗi lần “Trà về”, tôi cùng một số bạn bè thân quen lại có dịp đến nhà ăn cơm với chị. Sống và làm việc ở bên Anh nhưng từ nhiều năm nay, năm nào con gái chị - nghệ sĩ piano Bích Trà cũng về Việt Nam một lần, và lần nào cũng vì công việc, nhân tiện được  “hú hí” với mẹ ít ngày.

Lần này, Bích Trà tạm gác hết những bận rộn riêng tư, quyết định dành nhiều thời gian hơn để được ở bên mẹ.  Hạnh phúc tột cùng, nghệ sĩ Trà Giang xăng xái kêu người đến làm mới hoàn toàn nội thất căn hộ lâu nay vốn được chị trưng dụng như một xưởng vẽ của mình, thành nơi ở gọn gàng, xinh xắn làm “tổ ấm” riêng của hai mẹ con. Nơi ấy, chị đặt thêm một chiếc piano à coeur mới, còn bột màu, giá vẽ của “họa sĩ mẹ” thì được di tản lên gác xép hoặc ra... ban-công, ưu tiên dành toàn bộ không gian cho con gái.

Đây là cuộc sum vầy đúng nghĩa đầu tiên của mẹ con chị sau gần 30 năm, kể từ ngày Bích Trà đi du học. Hầu như năm nào, nghệ sĩ Trà Giang cũng mất nhiều tháng làm phim xa nhà, việc chăm con trông cậy vào chồng và người thân khiến chị luôn thấy “thiếu” con, thèm được gần con. Thế nhưng khi đến thời điểm mẹ quyết định rời trường quay, cũng là lúc Bích Trà rời mái ấm gia đình.

Ngày tiễn con gái đi Liên Xô, nghệ sĩ Trà Giang cảm giác như trái tim mình bị bóp nát. Trong con mắt người mẹ, cô con gái 14 tuổi của chị còn quá bé nhỏ so với cuộc sống một mình nơi xứ người đầy rẫy những bất trắc. Trà học giỏi cả văn lẫn toán, có nhiều con đường tương lai rộng mở, song lại chọn âm nhạc. Nghệ sĩ Trà Giang không muốn con gái theo nghề đóng phim của mẹ mà hướng con theo nghề âm nhạc của ba (nghệ sĩ violon, PGS-TS Nguyễn Bích Ngọc) để “được hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào các thành phần khác như làm phim”.

Ấy là khi Trà còn nhỏ, sau này, mỗi lần xem con tập đàn và biểu diễn, chị lại thấy xót xa. “Sự lao động của nghệ sĩ biểu diễn piano thật kinh khủng, bao nhiêu nốt nhạc trong đầu phải thuộc, còn phải chơi cho hay…” - chị thường than thầm như thế, nhưng khi nghe con gái bảo đó là công việc cô yêu, trái tim người mẹ mới dịu đi đôi chút. “Con bảo sung sướng hạnh phúc thì mình sung sướng hạnh phúc chứ thấy con vất vả, thương quá!” - chị hay chia sẻ với bạn bè.

Sau khi Bích Trà tốt nghiệp thạc sĩ ngành biểu diễn và sư phạm piano tại Nhạc viện Tchaicopxki, dẫu rất muốn con gái về sum họp song nghĩ đến tương lai xa của con,  chính ba mẹ đã hướng dẫn và hỗ trợ mọi mặt, giúp Trà qua Anh tiếp tục học nâng cao, mở rộng tầm nhìn ở một thế giới khác để phát triển sự nghiệp. Năm nào về nước, nghệ sĩ Bích Trà cũng có những buổi biểu diễn đặc biệt, tham gia dạy các lớp cao học (master class), truyền đạt những kinh nghiệm quý báu thu lượm được ở xứ người cho thế hệ đàn em.

2.

Lúc mẹ quay mặt đi giấu những giọt nước mắt tiễn đứa con duy nhất rời xa vòng tay người thân, Bích Trà mười bốn tuổi điềm tĩnh bước lên máy bay với tư thế của một người trưởng thành, tự tin bình an, nghĩ không cần phải bám víu vào ai để được hạnh phúc. Mười bốn tuổi thấy mình đã “hình thành con người” mà từ đó về sau vẫn không hề thay đổi. Mười bốn tuổi ra đời không có cảm giác bị hụt hẫng, không thấy mình ngơ ngác.

Mười bốn tuổi đã tự xác định không thể đi con đường nào khác ngoài âm nhạc. Bích Trà cho đó là vì mình may mắn gặp được những người thầy biết khơi gợi, cho thấy cái đẹp lung linh của môn nghệ thuật đang theo đuổi, để rồi một ngày cô chợt nghĩ, nếu mình chết đi mà chưa hiểu được hết những ngóc ngách cái tuyệt mỹ của nó thì thật uổng phí đời mình. Càng khám phá, càng thấy khó, càng thấy mênh mông nhưng cũng càng thú vị… Đó chính là vẻ đẹp đầy sức quyến rũ của âm nhạc mà nghệ sĩ Bích Trà luôn muốn lao tới để được tận hưởng nó.

Từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, chưa bao giờ Trà có cảm giác là con của người nổi tiếng. Trái lại, đôi khi còn thấy “phiền toái” khi mẹ đi đâu cũng bị phát hiện, ra chợ bị người ta bán đắt không dám cò kè trả giá. Nhưng Trà học được nhiều ở ba mẹ cách làm người và làm nghề. Làm người thì sống giản dị, biết đâu là giá trị thật, không cần thiết những thứ phù phiếm, không để vật chất làm chủ mình. Làm nghề thì đặt sự đam mê lên hàng đầu, đi theo sự thúc đẩy của bản năng nghệ thuật, không quan tâm đến danh vọng, không suy tính thiệt hơn về tiền bạc lẫn tiếng tăm.

Được hiểu biết trong nghệ thuật là thấy đủ, thấy hạnh phúc. Với Trà, thời gian là thứ cực kỳ quý hiếm, từ khi ba mất, Trà cảm giác mình có thể chết bất cứ lúc nào nên phải “cháy” hết mình với những gì mình thấy có giá trị. Cô biết ơn ba mẹ đã cho mình điều lớn nhất là một tình yêu không cần hồi đáp, không đòi hỏi con phải thế này, thế nọ và điều đó cho cô cảm giác được tin yêu, được tôn trọng.

Nghe si piano Bich Tra:  Ve voi me thoi…

Cuộc sống ở nước ngoài của Trà không hề dễ dàng, phải tự xoay xở mọi chuyện. Cô cho biết, tuy tốt nghiệp thạc sĩ loại giỏi ở cả hai nước Nga và Anh, song ở một nơi mà những thành tựu của âm nhạc cổ điển được xem là truyền thống và tinh hoa của nhân loại thì mình chẳng là gì cả.

Không phải chỉ là chuyện “ngày nào cũng học, học đến vã mồ hôi” mà còn phải tạo cho mình một đường đi riêng mới có thể trụ được. Sau nhiều năm nghiên cứu và kiếm tìm, “đường đi riêng” được Trà mạnh dạn khám phá và đã làm nên sự khác biệt cho cô, là “đào bới” và trình tấu những tác phẩm có giá trị nhưng chưa được ai biểu diễn. Ngoài bốn đĩa của nhiều tác giả, cô còn thu được sáu đĩa gồm những  sáng tác của nhà soạn nhạc Joachim Raff (Thụy Sĩ) cho hãng danh tiếng NAXOS, làm thành một bộ sưu tập (collection), đã được phát hành trên toàn thế giới.

3.

Nói rằng tạm “ra khỏi cái guồng công việc để về với mẹ, sợ nếu một ngày mẹ không còn khỏe…”, thế nhưng vừa về đến nhà, nghệ sĩ Bích Trà đã vội ngồi vào đàn, chuẩn bị cho buổi biểu diễn nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Nhạc viện TP, tham dự một đêm hòa nhạc tại Hồng Kông, rồi về trình tấu ở nhà hát TP cho một Quỹ từ thiện làm xe lăn cho người tàn tật… Trà gọi chuyến về  này là “tìm ngược về nguồn, khám phá châu Á” bởi cô đã lên kế hoạch đưa mẹ đi du lịch nhiều nước cũng như sẽ để ý “ngắm nghía” tìm sự hợp tác công việc lâu dài trong khu vực.

Ở bên mẹ là những ngày Trà sung sướng được trở về với tuổi thơ, được dịp làm nũng, được mẹ nấu cho ăn những món ngon. Mỗi lần nghe mẹ  âu yếm hỏi hôm nay con muốn ăn gì, Trà lại trêu “mẹ nói khẽ thôi, người ta nghe được thì xấu hổ, lẽ ra con phải nấu cơm cho mẹ”. Ngày về thọ tang ba, nhìn mẹ đơn độc, Bích Trà đã định ở hẳn Việt nam để được gần mẹ, nhưng rồi chính mẹ lại đốc thúc Trà trở qua Anh vì thấy con trăn trở,  không làm được việc gì ngoài đi dạy. Trà rất biết ơn mẹ vì dù rất muốn ở với con nhưng chưa bao giờ ngỏ ý bảo con về, còn đưa mẹ sang Anh thì mẹ lại không muốn.  

NSND Trà Giang thỉnh thoảng vẫn chạnh lòng khi thấy con gái cứ mải lo âm nhạc không để ý đến chuyện tình duyên nên Trà cũng trấn an: “Mẹ yên tâm, chắc chắn rồi con sẽ lấy chồng”. Trà tâm sự, lúc ra trường, vì muốn tìm đường đi nước bước cho nghề nên không để ý chuyện gì khác, bây giờ đã tìm thấy rồi nên tinh thần thơ thới, không còn quá vất vả như  xưa, nếu thành hôn, cũng sẽ sắp xếp được để vẹn toàn cả gia đình lẫn sự nghiệp. Nhưng Trà muốn cái gì cũng để tự nhiên, nó đến thì mình đón nhận, còn không đến thì thôi, không có gì phải ép, điều trước tiên là... yêu cái đã! 

Bởi cô không hề thấy thiếu hụt một khi đã có cuộc sống tinh thần đầy đủ và hạnh phúc. Trà không có sẵn một hình mẫu  nào về người bạn đời tương lai dù  trong lòng cô, ba là người đàn ông rất đặc biệt, vừa thành công ngoài xã hội, vừa là người chồng, người cha hết lòng thương yêu vợ con, không gia trưởng, tự nguyện làm thay mọi thứ trong nhà để hai mẹ con cô có được sự nghiệp riêng. Trà không tự đi tìm ai, nhưng người cuốn hút cô là người có trí tuệ, có nhân cách.

Năm nay, lần đầu tiên sau nhiều năm xa nhà, nghệ sĩ piano Bích Trà ăn tết cùng với gia đình. Lúc ở Anh, “ngày tết” chỉ đánh dấu bằng việc vài bạn Việt Nam rủ nhau đi ăn đồ Việt Nam, riêng Trà, canh giờ giao thừa gọi điện về chúc tuổi mẹ. Tết này không cần gọi điện, Trà sẽ ôm chặt mẹ như những ngày thơ bé, cùng thắp cho ba nén hương ngay đúng giờ khắc thiêng liêng, để thấy đi đâu cũng không ấm áp bằng về với mẹ. 

Nhà báo Cát Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI