Nghệ sĩ indie và “thời đại” mới

08/04/2022 - 07:40

PNO - Trong ba tháng đầu năm nay, nhiều dự án âm nhạc đã được giới thiệu đến khán giả, trong đó đa phần là của các nghệ sĩ indie (độc lập).

Các album liên tục ra mắt với nhiều chất liệu, thể loại, ý tưởng cũng như sự kết hợp thú vị. Có thể kể đến Lê Cát Trọng Lý cùng nghệ sĩ cello Nguyễn Thanh Tú đã “thính phòng hóa” các sáng tác của mình trong album Có dừng được không? Nghệ sĩ trẻ Cường Lê giới thiệu album đầu tay Đây là mơ?, một đĩa nhạc cho thấy tài năng trong lĩnh vực phối khí của anh. Mademoiselle ra mắt album thứ ba, As beautiful as the night pha trộn giữa folk và dream - pop dưới bàn tay nhào nặn của nhà sản xuất Martin Brown tại Úc. Mèow Lạc sau Rock Việt cũng phát hành album Rừng bê tông...

Các album được ra mắt gần đây
Các album được ra mắt gần đây

Chuyên trang phê bình âm nhạc uy tín của Mỹ Pitchfork mới đây đã chấm điểm hai album nhạc experimental (thể nghiệm) đến từ Việt Nam với con số khá ấn tượng: 7.5 cho Ngủ ngay ngày tận thế của nhóm nghệ sĩ Rắn Cạp Đuôi Collective và 7.8 cho Came của Trần Uy Đức. Album Chó ngồi đáy giếng của nhóm nghệ sĩ Mona Evie Collective cũng tạo được sự chú ý nhất định, khi nhà phê bình trước đó của Pitchfork cũng giới thiệu album này lên trang cá nhân.

Nếu trước đó, các nền tảng chia sẻ nhạc có phần thô sơ như soundCloud hay bandcamp được lựa chọn để giới thiệu các bản demo thì giờ đây nhờ sự hỗ trợ của các nền tảng như Spotify hay Apple Music, các dự án indie ngày càng chỉn chu, có sức hút và đến được với nhiều khán giả hơn. Nếu trước đó khán giả vẫn quen với những bài ballad quen thuộc, thì với cộng đồng indie, chất rock của Ngọt hay Mèow Lạc, ambient của Cường Lê, soul của Mỹ Anh… và giờ là nhiều dự án experimental; đã tạo nên sự đa sắc màu cho âm nhạc Việt Nam. 

Dễ thấy, điểm đặc biệt của nhạc indie ngày nay là đã… bớt indie, khi các nghệ sĩ trẻ tận dụng tối đa các mối quan hệ cũng như những yếu tố khác để biến dự án của mình thành một dấu ấn cá nhân không còn thô sơ như những ngày đầu. Ngoài ra, với sự tham gia của các hãng đĩa cũng như các ông lớn của ngành streaming, việc tiếp cận âm nhạc ngày càng dễ dàng, không chỉ cho riêng khán giả Việt Nam, mà còn quảng bá ra nước ngoài.

Nghệ sĩ gốc Việt Keshi nổi tiếng với phong cách lo-fi mới đây đã ra mắt album đầu tay tại Mỹ, và nhận được rất nhiều khen ngợi; trong khi đó, Mỹ Anh cũng đã được mời trình diễn tại Hàn Quốc cũng như festival âm nhạc Head in the clouds tại Mỹ.

Mademoiselle- Như một giấc mơ: 

 

Những thương hiệu như Hãng đĩa thời đại, LP Club phát hành các sản phẩm của nghệ sĩ dưới dạng CD và còn chờ phản ứng tiếp tục của khán giả, để ra mắt thêm dưới dạng cassette, đĩa than… phần nào thúc đẩy các sáng tạo nghệ thuật trong việc thực hiện một concept xuyên suốt.

Đối với các nền tảng streaming, cộng đồng nghe nhạc hiện nay đã được mở ra và phủ rộng khắp, khi không còn bị giới hạn bởi các rào cản ngôn ngữ. Những nghệ sĩ trẻ cũng rất linh hoạt trong ngôn ngữ sử dụng, khi bên cạnh tiếng Việt, họ cũng thực hành rất tốt mảng tiếng Anh (như Mỹ Anh, Mademoiselle…) hoặc dùng chất nhạc không cần phải hiểu, tôn trọng tối đa âm thanh với các âm thanh instrumental (như Trần Uy Đức, Rắn Cạp Đuôi Collective…)

Với sự phổ biến rộng rãi của các nền tảng streaming, cộng với khả năng làm nhạc, thể hiện nội dung dưới nhiều hình thức biểu đạt năng động khác nhau, các nghệ sĩ indie Việt Nam ngày càng chứng minh được tài năng của mình.

 

 

 

Ngô Minh 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI