Nghệ sĩ chưa sẵn sàng biểu diễn trực tuyến

24/08/2020 - 16:47

PNO - Nền tảng biểu diễn trực tuyến được áp dụng như hình thức cứu cánh trong thời dịch bệnh, nhưng nghệ sĩ, nhà sản xuất vẫn chuộng diễn trực tiếp với khán giả.

Dịch COVID-19 khiến mọi hoạt động biểu diễn bị ngưng trệ. Những mô hình biểu diễn trực tuyến đã bắt đầu phát triển trên khắp thế giới để thích nghi với tình hình thực tế. Tại Việt Nam, trong thời gian qua, một số nghệ sĩ, nhà sản xuất cũng thực hiện đêm nhạc và phát sóng trực tiếp trên YouTube, Facebook - những nền tảng cơ bản để duy trì tương tác với khán giả, hoặc ra sản phẩm mới. 

Cách đây vài ngày, ứng dụng Celuv chính thức ra mắt, đi theo mô hình Multi streaming network (MSN) của Hàn Quốc. Theo đó, các nghệ sĩ sẽ trình diễn và phát sóng, nhận thu nhập thông qua hình thức hoa hồng từ khán giả. Hàng tháng, 10 nghệ sĩ nhận hoa hồng nhiều nhất sẽ được tính lợi nhuận với giá trị giải thưởng cao. Các tiết mục cũng sẽ được đơn vị này đầu tư. Sự ra đời của Celuv đánh dấu bước tiến mới trong hoạt động biểu diễn trực tuyến chuyên nghiệp hơn.

Ca sĩ Hồ Ngọc Hà tổ chức buổi biểu diễn trực tuyến gần đây, thu hút nhiều khán giả xem trên YouTube, Facebook
Ca sĩ Hồ Ngọc Hà tổ chức buổi biểu diễn trực tuyến gần đây, thu hút nhiều khán giả xem trên YouTube, Facebook

Việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực biểu diễn trong xu thế hiện tại và tình hình dịch bệnh là tất yếu. NSND Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết: “Trong tình hình dịch bệnh, việc biểu diễn online cũng có thể giúp thu hút thêm khán giả khi nhìn ở mặt tích cực, bởi đây là kênh hoạt động khá hiệu quả trong thời điểm mọi thứ bị ngưng trệ”.

Song, theo anh và một số nghệ sĩ, nhà sản xuất, đây không hẳn là lựa chọn tốt. NSND Triệu Trung Kiên cho rằng, kinh phí đầu tư cho các vở diễn vẫn như cũ thì việc đưa lên nền tảng trực tuyến chỉ thay đổi về phương thức tiếp cận, không thể hy vọng tạo nên sự đột phá nào.

Đạo diễn Trần Vi Mỹ cũng khẳng định việc phát triển biểu diễn online trong thời dịch bệnh là điều hiển nhiên, thuận theo xu thế hiện tại và không thể phản bác. Tuy nhiên, việc này chỉ giải quyết nhu cầu tức thời, trong một thời gian ngắn. 

“Công việc của nghệ sĩ là biểu diễn, ca hát nhưng không thể thực hiện thì việc hợp tác biểu diễn online sẽ giải quyết nhu cầu giao tiếp khán giả, tìm niềm vui trong công việc sau một thời gian dài không làm gì. Tuy nhiên theo cá nhân tôi, việc biểu diễn live (trực tiếp - PV) lúc nào cũng tốt hơn. Vì đó là môi trường tồn tại thực của nghệ thuật” - anh nói.

Thực tế, việc đầu tư biểu diễn online ít tốn kém chi phí hơn so với biểu diễn có khán giả, theo đạo diễn Trần Vi Mỹ, con số chỉ bằng khoảng 1/10. Nhưng hiệu quả về mặt cảm xúc, điều quan trọng nhất để kết nối nghệ sĩ và khán giả, không cao.

“Ca sĩ khi hát không có khán giả thì hầu như "chất tình" luôn bị vơi đi. Bản thân họ không đẩy được cảm xúc, cũng không đo đếm được phản ứng của khán giả để điều chỉnh. Tình cảm của khán giả, sự giao hòa của nghệ sĩ với họ là điều không thể mua được bằng tiền, cũng không thể thay thế bằng một công nghệ nào đó” - đạo diễn Trần Vi Mỹ nói.

NS ƯT Hoài Linh, NS ƯT Thoại Mỹ, ca sĩ Ngọc Sơn
NSƯT Hoài Linh, NSƯT Thoại Mỹ, ca sĩ Ngọc Sơn, Dương Triệu Vũ và MC Đại Nghĩa giao lưu trong một chương trình biểu diễn trực tuyến gây quỹ phòng, chống dịch COVID-19

Theo NSND Hồng Vân, đã có một vài đơn vị đặt vấn đề với chị về việc biểu diễn online nhưng chị không đồng ý. Lý do lớn nhất tác động đến quyết định của nữ nghệ sĩ là việc biểu diễn online không đáp ứng được cảm xúc của nghệ sĩ. 

Nguyên nhân thứ hai, điều kiện cơ sở vật chất của các sân khấu đều rất hạn chế, ngay cả khi được hỗ trợ về máy móc, thiết bị thì vẫn rất khó thể hiện sinh động, hấp dẫn để thu hút khán giả. Chị cho biết, diễn kịch online giống kịch truyền hình nhưng không hấp dẫn bằng do truyền hình còn có nhiều góc quay, nhưng sân khấu thì không được như vậy.

“Tôi nghĩ mô hình sân khấu online không khả thi. Bản chất của bộ môn sân khấu là nghệ sĩ tương tác trực tiếp, tạo sự cộng hưởng với khán giả chứ không thể thông qua hình thức khác như màn hình điện thoại, máy tính. Với thực trạng sân khấu đang thoi thóp như hiện nay tại TPHCM, cần hết sức cân nhắc việc phát triển mô hình nhà hát, sân khấu online. Nếu mô hình này không khả thi, việc cố triển khai có thể tạo rủi ro, gây nguy hiểm đến sân khấu. Vì vậy, tôi không đồng tình với cách làm này”.

NSND Hồng Vân cho biết nhiều đơn vị đặt vấn đề biểu diễn online nhưng chị đều từ chối
NSND Hồng Vân cho biết nhiều đơn vị đặt vấn đề biểu diễn online nhưng chị đều từ chối

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho rằng việc biểu diễn online thực tế chỉ đáp ứng được mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn của đơn vị đầu tư, lẫn nghệ sĩ. “Chặng đường dài hơi hơn của sân khấu nằm ngoài những lợi ích đó. Tôi từng đi nhiều nơi, học hỏi nhiều kinh nghiệm từ sân khấu thế giới, chẳng hạn Broadway của Mỹ, không bao giờ họ mang lên nền tảng trực tuyến. Sân khấu ở nước ta vẫn còn chật vật trong nỗ lực kéo khán giả trở lại thì việc biểu diễn online chỉ khiến tình hình thêm khó khăn”.

Ông cho biết thêm, hiện vấn đề bản quyền tại Việt Nam vẫn chưa được thực hiện triệt để, vì thế, nếu có thể tổ chức biểu diễn online thì nhà sản xuất vẫn khó thể thu được tiền đúng với lượng người xem thực tế do thực trạng xem lậu, sau đó tuồn các bản ghi hình lên mạng. Điều này càng gây khó cho sân khấu. 

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, giữ nguyên cách thức làm như trước đây, biểu diễn sân khấu thì phải tương tác với khán giả vẫn là lựa chọn tối ưu nhất. Vài tháng qua, dù tình hình sân khấu có chững lại nhưng bằng cách vận hành linh động, sân khấu của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn vẫn vượt qua được. Anh cho biết vẫn đang sẵn sàng chờ đợi dịch bệnh được kiểm soát tốt để phát triển mạnh hơn biểu diễn sân khấu

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI