Nghệ nhân Nguyễn Thị Bích Liên - Giữ đàn tính, hát then đến cuối đời

29/11/2022 - 05:55

PNO - U80 - độ tuổi mà nhiều người chọn nghỉ ngơi - nữ nghệ nhân Nguyễn Thị Bích Liên vẫn rong ruổi nhiều miền Tổ quốc cùng cây đàn tính. Những ngón tay thoăn thoắt, điêu luyện của bà vẫn “chiến đấu” bền bỉ với thời gian để âm nhạc truyền thống ngân vang.

Tiếng đàn bước ra từ “bóng tối”

Năm tháng đi qua nhưng ký ức vẫn ở lại trong nghệ nhân Nguyễn Thị Bích Liên. Tuổi thơ của bà có những niềm vui vụn vặt như bao đứa trẻ cùng trang lứa nhưng tiếng đàn, âm nhạc đã giúp khoảng trời ấy đặc biệt hơn rất nhiều. 
Bà lớn lên với tiếng đàn của cha - người đàn ông vĩnh viễn mất đi đôi mắt trong một tai nạn thời trẻ. Nhưng, ông chưa bao giờ bỏ cuộc, để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tốt nghiệp phổ thông, ông theo học chuyên ngành nhạc, rồi dạy tại Trường mù Sài Gòn (nay là Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu). 

Tiếng đàn ấy lại vượt hành trình hơn ngàn cây số để đến Thủ đô Hà Nội, tiếp sức cho nhiều học sinh khiếm thị. Lúc đó Nguyễn Thị Bích Liên mới gần 6 tuổi. Cô bé bắt đầu làm quen nhạc lý từ độ này. Mọi kiến thức đều được truyền tải qua mô tả của người cha. “Ngoài âm nhạc, cha là tấm gương cho chúng tôi khi phải chiến đấu với khó khăn, nghịch cảnh. Ông tối mắt nhưng sáng đời” - bà tâm sự.

Ban đầu, bà học đàn mandolin, sau đến piano. Thời điểm đánh được một số bản nhạc thiếu nhi đầu tiên, bà vui sướng khó tả được bằng lời. Từ hứng thú, bà yêu đàn, mê nhạc lúc nào chẳng hay. 

Những năm tháng chiến tranh ác liệt, tiếng đàn và âm nhạc đôi lúc giúp xoa dịu những nỗi sợ, tổn thương. Việc học đàn cũng giúp bà đằm tính, cẩn trọng hơn trong mọi việc. Anh trai được vào học tại Trường Quốc gia Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) còn bà chủ yếu học tại nhà từ cha, từ anh. Bà lớn lên với âm nhạc của Beethoven, Nicolas Chauvin… 

Khi đang say mê với nhạc Tây, một lần bà vô tình bắt gặp hình ảnh người Tày chơi đàn tính, hát then. Họ mặc áo dài duyên dáng, hát Bài ca Việt Bắc mộc mạc. Hình ảnh đó len lỏi vào tâm trí của bà và ở lại đến nay. “Đó là tình yêu khó thể lý giải. Tôi vẫn hay gọi là duyên” - bà nói.

Hát then là một thể loại dân ca tín ngưỡng của người Tày, Nùng gửi gắm những mong muốn, ước mơ tốt đẹp về mùa màng, thời tiết, sức khỏe… Trong hát then, đàn tính đóng vai trò quan trọng. Người hát then vừa hát, tự đệm, vừa múa…

Di sản thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2019. Nghi lễ then của người Tày, Nùng cũng là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Việt Nam

Ngày ấy, chuyện tìm hiểu thông tin không dễ như bây giờ nhưng bà vẫn cố gắng để phác họa được chân dung của “kẻ lạ” vừa bước chân vào cuộc đời mình.

Thời cuộc buộc bà phải dừng lại niềm đam mê với đàn, nhạc. Đất nước thống nhất, bà trở thành kỹ sư hóa học, rồi làm giám đốc một xí nghiệp dệt… khi về sống tại Cà Mau. 

Không bao giờ là muộn

Năm 2007, khi đã về hưu, bà quay lại TPHCM sinh sống. Sau mấy chục năm, tiếng đàn tính, giai điệu của hát then vẫn mê hoặc bà. Ước mơ chinh phục lại quay về. Câu lạc bộ Nắng Mới (Trung tâm Văn hóa - Thể thao Tân Bình) có chương trình tuyển học viên, không chần chừ, bà đăng ký học.

Nhờ có kiến thức nhạc lý vững, bà làm quen với đàn khá nhanh, chỉ trong 1 ngày đã bấm các phím đàn khá thạo. Đàn chỉ có 3 dây, khác biệt so với nhiều nhạc cụ bà từng kinh qua. Điểm khó khăn nhất là việc thuộc lời, nhớ tên các làn điệu bởi hát then ở mỗi vùng lại có điểm đặc trưng khác nhau. Chẳng hạn, hát then Cao Bằng nghe tha thiết; hát then Lạng Sơn tươi vui, rộn ràng; hát then Tuyên Quang dồn dập như thúc quân ra trận; hát then Hà Giang nhấn nhá từng tiếng; hát then Bắc Kạn như kể chuyện thì thầm… Chưa kể, ngôn ngữ của người Tày cũng rất khó học trong khi trí nhớ của bà không còn tốt như thuở đôi mươi. 

Nghệ nhân Bích Liên biểu diễn trong các sự kiện
Nghệ nhân Bích Liên biểu diễn trong các sự kiện

Thời điểm đó, điện thoại thông minh, máy tính, internet vẫn còn khá mới mẻ, thậm chí xa lạ với người lớn tuổi. Bà ký âm lại bằng từng nốt nhạc; viết lại lời để dễ nhớ, dễ thuộc hơn. Bà ra Bắc, tìm đến nhà nghệ nhân Bích Phượng, Kim Tuế… để “tầm sư học đạo”. Bà không ngại đường xa, cũng chẳng lo sức khỏe vì biết mình đang trong cuộc đua với thời gian, chỉ cần chậm một nhịp có thể thua cuộc. 

Các loại hình giải trí hiện đại như cơn bão quét vào đời sống của nghệ thuật truyền thống. Từ đam mê cá nhân, bà lại tự gánh thêm trách nhiệm để hát then, đàn tính được “sống”, đặc biệt giữa lòng đô thị lớn như TPHCM. Bà thừa biết đường đi không dễ nhưng nếu không đi sẽ không thành đường. 2 năm sau, bà trở lại giảng dạy cho các học viên Câu lạc bộ Nắng Mới, sau này đến Câu lạc bộ Dân ca Tây Bắc Hoa Ban, nhóm cộng đồng ở phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM. 

TPHCM không phải là cái nôi hát then nhưng vẫn có nhiều người muốn theo học. Trong khi người trẻ thích tìm hiểu sự mới lạ, người già lại có thêm thú vui để cuộc sống thêm màu sắc. Dù vì bất kỳ lý do nào, chỉ cần thêm 1 người học là thêm cơ hội để nghệ thuật truyền thống được giữ gìn.

Bà kể, dạy cho người trẻ rất dễ vì họ tiếp thu nhanh. Thử thách lớn nhất là dạy cho người lớn tuổi. “Với phần lớn người học lớn tuổi, tôi phải chỉ dẫn từng chút một. Đến tuổi này, nhiều người dễ tủi thân khi làm điều gì đó không tốt, không nhanh. Tâm lý chán nản cũng dễ xuất hiện. Vì thế, tôi không chỉ giảng dạy mà còn đóng vai trò như bạn bè để tâm sự, chia sẻ” - bà kể.

Cũng có người tìm đến đàn tính, hát then để quên đi những đổ vỡ trong chuyện tình cảm cá nhân. Vì lẽ đó, bà càng cố gắng giúp đời sống tinh thần của họ tốt hơn.

“Tôi may mắn có gia đình hạnh phúc êm ấm. Ở tuổi này, tôi cũng đi qua, chứng kiến nhiều khổ đau trong đời. Vì lẽ đó, sự đồng cảm, thấu hiểu cũng nhiều hơn. Đây còn là động lực giúp tôi không bao giờ bỏ cuộc trong mười mấy năm qua. Tôi chỉ mong tiếng đàn giúp họ có được chút niềm vui ở tuổi xế chiều” - bà tâm sự.

Bà không thể nhớ hết số lượng học trò vì đã từng dạy rất nhiều lớp, có khi chỉ vài người, có khi lên đến vài chục người. Những năm qua, nhờ mạng xã hội, bà kết nối được nhiều nghệ nhân (Bích Hồng, Chu Thạch, Xuân Hữu…) để học thêm kinh nghiệm. Ngoài ra, bà còn theo học tại Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, chuyên về đàn tính, hát then. “Việc trau dồi, học hỏi phải diễn ra liên tục dẫu ở tuổi nào. Làm thầy nhưng không có vốn nhiều thì một ngày nào đó sẽ cạn” - bà nói.

Dẫu lớn tuổi, bà vẫn theo dõi nhịp sống của những người trẻ. Những năm gần đây, bà rất thích thú khi thấy âm nhạc truyền thống bước vào các sản phẩm âm nhạc hiện đại. Bà nhen nhóm suy nghĩ một ngày nào đó những âm thanh từ đàn tính cũng có đời sống mới mẻ như thế. 

Dù vậy, giữa mong muốn và hiện thực còn khoảng cách rất lớn. Bà lý giải: “Việc sáng tác, hòa âm phối khí cần người có sự am hiểu sâu sắc. Hơn hết, sự kết nối giữa 2 thế hệ là vô cùng quan trọng. Tôi không thể tự nối liền nhịp cầu này, mà cần sự hỗ trợ. Có thể ước mơ đó sẽ khó thành hiện thực nhưng tôi vẫn sẽ làm những việc nên làm, hết sức, đến khi nào không được nữa thì thôi”.

Thành Lâm 

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI