Nghe hồn dân tộc trong từng món cổ vật

03/09/2022 - 08:42

PNO - Phần lớn hiện vật ông Ung Thanh Dũng sưu tầm được trong 30 năm qua, có những bộ trị giá cả triệu USD, đều đã yên vị trong các bảo tàng từ Bắc chí Nam.

“Có lẽ vì xuất thân trong gia đình quân đội, nên cái chất nhà binh đã ăn sâu vào máu. Người ta chơi xe, chơi đồng hồ… tôi thì say mê những chiếc trống cổ, các vũ khí chiến đấu của cha ông - những món cổ vật ẩn tàng lớp lớp quá khứ bi hùng của dân tộc” - nhà sưu tầm Ung Thanh Dũng (hội viên Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam tại TP.HCM) chia sẻ.

Nhà sưu tầm Ung Thanh Dũng giới thiệu chiếc chân đèn từ văn hóa Óc Eo
Nhà sưu tầm Ung Thanh Dũng giới thiệu chiếc chân đèn từ văn hóa Óc Eo

Qua 30 năm theo đuổi cuộc chơi, nhà sưu tầm Ung Thanh Dũng cho biết mình được nhiều mà mất cũng không ít, nhất là lúc “lính mới tò he” toàn bị lừa mua đồ giả. Dần dần quen biết nhiều, tích lũy kinh nghiệm cùng cơ duyên đưa đẩy, ông đã sở hữu bộ sưu tập đồ sộ khoảng 2.000 hiện vật. Trong đó ông tự hào nhất là bộ sưu tập trống đồng và súng thần công, hỏa hổ.

Gần 50 khẩu súng thần công và hỏa hổ - mỗi món từ vài đến hàng trăm ký lô, chủ yếu thuộc triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn - cùng hơn 20 trống đồng hàng ngàn năm tuổi, và rất nhiều dao kiếm các triều đại đều được ông Ung Thanh Dũng gửi tặng lại các bảo tàng sau các chuyên đề trưng bày.

Theo ông, không hiếm người sưu tầm cổ vật, nhưng binh khí thì không phải ai cũng “dám chơi” và “biết chơi”. Vì “những súng, những đao, kiếm đó là từ chiến trường xưa - vật chứng những giai đoạn lịch sử khốc liệt thấm đẫm máu và nước mắt - không dễ vượt qua nghi ngại về tâm linh mà trân quý như bảo vật trong nhà. Càng hiếm người đủ kiến thức để nhìn ra giữa đống sắt vụn là những mảnh vũ khí ẩn chứa câu chuyện lịch sử nào đó…”, ông nói.

Ông Ung Thanh Dũng và khẩu súng tét nòng nổi tiếng cùng bộ sưu tập hỏa hổ
Ông Ung Thanh Dũng và khẩu súng tét nòng nổi tiếng cùng bộ sưu tập hỏa hổ

Ông Dũng nhớ như in lần “trúng độc đắc” khi vô tình nhìn thấy một khối kim loại hình dáng khó đoán định với phần thân nứt toác, hoen gỉ loang lổ, lăn lóc trong góc một tiệm đồ cổ. “Cầm lên, tự dưng tôi nổi hết da gà. Với kinh nghiệm nhà binh, chuyên ngành cơ khí, tôi tin rằng vật này không tầm thường. Hỏi thì chủ tiệm nói sắp thanh lý ve chai, tôi bèn mua ngay cục ve chai đó mà khấp khởi mừng thầm - mình gặp may rồi”, ông Ung Thanh Dũng kể.

Ông Dũng mang về, làm sạch, giám định thì đúng như phán đoán ban đầu. Đó là một khẩu hỏa hổ (súng thần công xách tay) được đúc bằng đồng đỏ pha thiếc hơn 200 năm tuổi. “Qua hình dáng, kích thước, tôi đoán rằng khẩu súng này phải thuộc về tầng lớp quan quyền ở triều đại Tây Sơn, vì súng đúc khá thô sơ, không có hoa văn. Nhưng chính vết nứt ở thân mới làm nên giá trị độc nhất cho khẩu súng. Chắc hẳn chiến trận đang hồi dồn dập, chủ nhân khẩu súng vội vã nạp đạn mà mắc lỗi, khiến nòng súng bị nghẹt mà nổ bung toác ra” - một thời gian ông có biệt danh “Dũng tét nòng” cũng từ khẩu súng đặc biệt này.

Cũng trong những dịp tình cờ, ông Dũng đã “cứu” khoảng 1.000 cái nồi đồng (được phán đoán là nồi cơm của quân Tây Sơn cơ động mang theo khi hành quân) khỏi số phận đồng nát, hay tìm được chiếc lẫy nỏ đi ra từ truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương cách đây 2.500 năm… Ông cũng từng bôn ba khắp nơi để tìm kiếm, lưu giữ những chiếc trống đồng ngàn năm tuổi mà theo ông chứa đựng cả nền văn hóa, tâm hồn, ý chí của một dân tộc.

Ông Ung Thanh Dũng vẫn lưu giữ rất nhiều giấy khen và bằng chứng nhận hiến tặng cổ vật của các bảo tàng.
Ông Ung Thanh Dũng vẫn lưu giữ rất nhiều giấy khen và bằng chứng nhận hiến tặng cổ vật của các bảo tàng.

“Có một loại đặc biệt gọi là trống chậu, vì nó chính là cái chậu đựng nước, nhưng khi úp lại thì thành trống đồng với biểu tượng hình mặt trời. Giai đoạn Bắc thuộc, quân đô hộ đã tịch thu hết các trống đồng, cấm dân ta không được rèn vũ khí lẫn đúc trống, hòng dập tắt tiếng trống hào khí thôi thúc tinh thần dân tộc. Ông cha ta đã linh hoạt biến hóa mượn chậu rửa mặt để che giấu chiếc trống đồng. Những chiếc trống chậu này rất hiếm, vì chỉ tồn tại trong một giai đoạn lịch sử nhất định, minh chứng cho ý chí quật cường, không khuất phục bất cứ sức mạnh, âm mưu đồng hóa nào của dân tộc ta từ ngàn xưa. Tôi vô cùng tự hào về lịch sử - văn hóa nước nhà. Niềm tự hào đó thôi thúc tôi tìm đến cổ vật, và mong muốn chia sẻ những câu chuyện, những giá trị lịch sử - văn hóa đến mọi người”, ông nói. Phần lớn hiện vật ông Dũng sưu tầm được trong 30 năm qua, có những bộ trị giá cả triệu USD, đều đã yên vị trong các bảo tàng từ Bắc chí Nam. 

Những năm gần đây, vì nhiều lý do, nhà sưu tầm Ung Thanh Dũng tạm gác lại cuộc chơi, nhưng căn nhà chứa đầy trầm tích lịch sử - văn hóa của ông ở quận 12, TP.HCM vẫn luôn mở cửa chào đón các đồng đạo đến hàn huyên, đặc biệt là các bạn trẻ muốn tìm hiểu thêm về lịch sử - văn hóa nước nhà.

Ông Ung Thanh Dũng công tác tại Bộ Tư lệnh Thông tin từ năm 1986. Đến năm 2012, ông về hưu và giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM từ năm 2015 đến nay. Ông đã tự nguyện hiến 130m2 đất để làm đường, tự bỏ tiền tráng nhựa 120m đường trước nhà, cũng như nâng cấp một số đường nhánh khu vực đường Ấp Đông 9 (hơn 1.400m). Ông còn giúp ổn định tư tưởng, hỗ trợ kinh tế một số hộ dân nhằm tạo đồng thuận trong việc di dời, giải tỏa để thi công mở rộng đường Ấp Đông 9.

Trong hai năm TP.HCM ứng phó với dịch COVID-19, ông Ung Thanh Dũng luôn là nòng cốt trong các tổ công tác phòng, chống dịch tại địa phương và được UBND TP.HCM khen thưởng. Đặc biệt, năm 2021, ông Ung Thanh Dũng được Thành ủy TP.HCM tặng bằng khen vì thành tích tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI