Nghệ An: Rừng mới trồng vài năm đã bị chặt trụi hàng ngàn m2

12/04/2021 - 14:03

PNO - Hàng loạt cây gỗ bị chặt hạ không thương tiếc trong khu vực rừng được khoanh nuôi bảo vệ vì chủ rừng "chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật". Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm cho rằng "diện tích rừng bị chặt chỉ bằng “bàn tay".

Ngày 12/4, ông Trần Thanh Hà - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nghĩa Đàn - Thái Hòa (Nghệ An) cho biết, đơn vị này đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Bùi Duy Thái (trú xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn), đồng thời hoàn thiện các hồ sơ liên quan để tham mưu cấp có thẩm quyền xử phạt về hành vi phá rừng trái pháp luật.

Khu vực rừng bị chặt phá nằm sâu trong rừng thuộc địa bàn thôn Hải Đồng (xã Nghĩa Lộc). Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộc Ngô Sỹ Cường cho biết đây là rừng tự nhiên nhưng được cấp sổ cho hộ dân. Khi nắm được thông tin, chính quyền xã này đã phối hợp cùng lực lượng chức năng vào kiểm tra hiện trường để có hướng xử lý.

Nhiều cây gỗ lớn bị chặt hạ
Nhiều cây rừng bị chặt hạ

Theo ghi nhận tại hiện trường, hàng loạt cây gỗ lớn, nhỏ đường kính chủ yếu từ 30-50cm đã bị cưa tận gốc. Nhiều gốc cây còn dấu vết mới bị chặt hạ, nhiều khúc gỗ dài 3-4m vẫn còn nằm ngổn ngang theo sườn núi.

Ngày 7/4, Hạt Kiểm lâm Nghĩa Đàn - Thái Hòa đã cùng lực lượng chức năng vào hiện trường đo đếm xác định diện tích và lập ô tiêu chuẩn để xác định trữ lượng.

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Nghĩa Đàn - Thái Hòa, diện tích rừng bị phá là 2.592m2, trong đó diện tích có rừng là 1.980m2, số diện tích còn lại được xác định chưa có rừng. Đây là khu vực rừng tự nhiên phục hồi sau nương rẫy, được quy hoạch đất rừng sản xuất và đã giao cho hộ gia đình quản lý.

Báo cáo của Hạt Kiểm lâm Nghĩa Đàn - Thái Hòa không nói rõ số lượng cây bị chặt hạ mà chỉ cho biết khu vực rừng bị chặt phá có trữ lượng 55,92m3/ha. “Qua đo đếm xác định trạng thái cây trồng chưa thành rừng, hoặc rừng tự nhiên chưa có trữ lượng” - ông Hà nói.

Nhiều cây có đường kính 30-50cm
Nhiều cây có đường kính 30-50cm

Làm việc với cơ quan chức năng, ông Bùi Duy Thái (chủ rừng) thừa nhận mình là người chặt hạ khu vực rừng trên. Ông Thái phân bua vì chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật nên nghĩ rằng rừng sản xuất thì được phép khai thác, chặt hạ để trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn.

“Một bên là rừng keo một năm bán được bao nhiêu tiền, còn bên này rừng mình được giao quản lý mà không có hiệu quả kinh tế nên người ta cứ nghĩ là được phép” - ông Hà nói.

Một khối lượng gỗ đã chặt hạ vẫn còn nằm ngồn ngang trong rừng
Một khối lượng gỗ đã chặt hạ vẫn còn nằm ngổn ngang trong rừng

Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Nghĩa Đàn - Thái Hòa cho hay các loại gỗ bị chặt hạ ở xã Nghĩa Lộc là các loài cây tiên phong ưa sáng mọc nhanh. Đơn vị đã tham mưu cho chính quyền địa phương xử phạt hành chính chủ rừng 37,5 triệu đồng.

Trả lời Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM về trách nhiệm của cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn cũng như chính quyền địa phương khi để ra rừng bị chặt phá, ông Hà nói rằng diện tích rừng bị chặt phá rất nhỏ nên chỉ xem xét nhắc nhở. “Diện tích vi phạm nó nhỏ, chỉ bằng diện tích một cái nhà ở dưới quê thôi, diện tích này trên rừng thì bằng "bàn tay" thôi nên chỉ nhắc nhở” - ông Hà nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI