Ngày mai trên bục giảng chúng tôi còn gì để nói với các em?

22/07/2018 - 20:02

PNO - Những đứa trẻ đã run rẩy toát mồ hôi cho kỳ thi quốc gia, để rồi ngẩn ngơ khi thật giả đảo lộn, vì sự giả dối coi thường pháp luật một cách trơ trẽn vô nhân chưa từng có trong lịch sử của đất nước này.

Có đôi lần vào dịp tết, thấy tôi thong dong ngồi cọ ly tách, giặt màn cửa, thi thoảng bày gói bánh tét làm mứt dừa với mấy bà cháu, em chồng cũng như em gái đều buộc miệng: “Làm giáo viên sướng hén, nghỉ tết sớm!”. Tôi chỉ cười. Có đôi lần vào những những ngày hè, mẹ con lôi nhau rong ruổi cả tuần ở quê hay dành dụm đi du lịch một chuyến. Người ta lại xuýt xoa: “Làm giáo viên sướng hén, có nghỉ hè!”. Tôi cũng chỉ cười. 

Ngay mai tren buc giang chung toi con gi de noi voi cac em?
 

Mỗi người, mỗi nghề đều có những cái khó riêng, ví như mỗi nhà mỗi hoa vậy. Tôi cười vì người ngoài không hiểu, nhưng vẫn thấy một niềm vui và hãnh diện nho nhỏ với nghề của mình.

Hè năm nay, mấy mẹ con cũng lại kéo nhau đi rong ruổi, vài người lạ hỏi: “Mẹ làm nghề gì?”. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, tôi chỉ cười không dám nói. Lần đầu tiên sao bao nhiêu năm, tôi có cảm giác mình không ngẩng cao đầu được nữa rồi. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm tôi cảm giác như mình có lỗi. Cái giả dối tráo trở đã len vào tận tủy xương, như sự di căn của một chứng ung thư thời kỳ cuối. Cho dù là một bác sĩ lành nghề cỡ nào cũng đâu thể khuyên người ta đừng đau, đâu thể khuyên người ta vững tin đằng kia là sự sống khi cái chết sờ thấy từng phút giây?

Có ai biết những người thầy như chúng tôi đang hoang mang không? 20 năm đứng trên bục giảng với tư cách người thầy và cũng ngần ấy năm tôi ngồi bên dưới với vị trí là trò. Tôi hiểu sâu sắc người thầy tác động như thế nào đến học sinh. Phải nói là chỉ sau ba mẹ mà thôi. Lòng tin của học sinh với thầy cô là một pháo đài thiết nghĩ bất khả xâm phạm. Những điều thầy cô nói ra tùy thuộc vào lứa tuổi có tác động rất lớn đến cuộc đời của một đứa trẻ. Giờ đây chính thầy cô còn hoang mang làm sao có thể dạy gì được cho học sinh của mình?

Đừng thử thách chúng tôi, e rằng thầy trò chúng tôi không đủ sức! Mỗi một ngày vào lớp những người thầy đã cố gắng hết sức mình dạy học sinh về sự trung thực, lẽ công bằng, là nỗ lực hết mình sẽ chạm đến vì sao.

Ngay mai tren buc giang chung toi con gi de noi voi cac em?
 

Những đứa trẻ non nớt của chúng tôi đã từng ngồi lắng nghe và mơ về một bức tranh đẹp đẽ. Những đứa trẻ của chúng tôi đã thức khuya dậy sớm, run rẩy toát mồ hôi cho kỳ thi quốc gia, kỳ thi lớn nhất suốt 12 năm đi học, để rồi chúng ngẩn ngơ khi thật giả đảo lộn, vì sự tham lam giả dối cậy quyền coi thường pháp luật một cách trơ trẽn vô nhân chưa từng có trong lịch sử của đất nước này và có lẽ cả nhân loại này cũng không đâu như thế!

Tri thức cá nhân là cái thứ tuyệt đối không thể gian trá được. Cội rễ của loạn lạc, bi kịch của xã hội, thảm họa của quốc gia chính là từ chỗ này mà ra. Bởi lẽ không có cái gì trên đời từ quyền lực khuynh đảo càn khôn hay tiền muôn bạc vạn có thể che lấp cho được một cái đầu rỗng tuếch? Vậy mà sự thật đó vẫn lừng lững diễn ra. Đừng nói rằng chấm thẩm định trên diện rộng cho 64 tỉnh thành là một quy trình bình thường. Nó là một sự sụp đổ lớn lao về lòng tin và lương tri. Khi không còn lòng tin và lương tri con người liệu rồi sẽ bấu víu vào đâu? Tôi thật tình không dám nghĩ!

Học sinh chúng tôi đi thi, chúng tôi không dám nhìn đồng hồ, không dám mở điện thoại, trong giấc ngủ còn chập chờn những nỗi lo âu. Bởi lẽ trên cả việc đặt chân vào trường đại học, đó chính là một cột mốc để khẳng định rằng các em đã cố gắng làm được hay không làm được gì trong suốt bao nhiêu năm. Nếu kết quả tốt là sự tự tin là cánh cửa thuận lợi. Nếu không tốt cũng là một thử thách một bài học để các em trưởng thành.

18 tuổi chạm phải một vòng xoáy cuồn cuộn trăm ngàn giá trị đảo lộn, trăm ngàn ngã rẽ chưa từng được dạy dỗ, các em sẽ ra sao? “Sao vậy hả cô, bỏ công chúng con đã cố gắng?”, “Tụi con phải tin vào đâu đây cô?”. Những câu hỏi ấy, chúng tôi phải trả lời làm sao?

Và ngày mai, khi tiếng trống khai trường giục giã, chúng tôi bước lên bục giảng còn điều gì để nói với các em?

Loan Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI