Ngẩng đầu lên và bước đi em!

08/12/2024 - 17:33

PNO - Nghe lời cô, tôi cắn răng vượt lên khó khăn để tiếp tục học. Cuối cùng, tôi đã thực hiện được ước mơ của mình.

Cô Nguyễn Thị Hoa, cô giáo dạy ngữ văn suốt 4 năm cấp II là người vô cùng quan trọng trong cuộc đời tôi. Tôi không gọi cô là cô giáo cũ, bởi với tôi, cô đã và luôn dạy dỗ tôi suốt đời.

Tuổi thơ tôi vô cùng vất vả, vì ba tôi bệnh và không có việc làm. Mọi gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai gầy của mẹ. 4 người nhà tôi sống chui rúc trong căn phòng tập thể chật hẹp, ẩm ướt và tăm tối quanh năm. Có lẽ, với sự nhạy cảm của một cô giáo dạy văn, cô Hoa đã luôn động viên tôi cố gắng học hành. Cứ như thế, cô quan tâm ân cần như người mẹ hiền. Nhờ có cô động viên, tôi từng ngày cảm nhận được niềm vui học tập.

Cô Nguyễn Thị Hoa và tác giả chụp năm 2009  - Ảnh do nhân vật cung cấp
Cô Nguyễn Thị Hoa và tác giả chụp năm 2009 - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tôi có một tật xấu là hay so vai, rụt cổ mỗi khi đứng gần người lớn. Thói xấu ấy hình thành từ cuộc sống vất vả trong gia đình. Năm tôi học lớp Chín, ba mẹ tôi hay cãi nhau và tôi thường là đối tượng bị trút giận. Mỗi lần như thế, tôi hay bất giác rụt cổ, so vai lại vì sợ bị đánh vào đầu.

Tôi thường mang khuôn mặt nặng nề, mắt sưng húp mỗi ngày lên lớp và trở nên ít nói. Mỗi tiết học của cô Hoa, tôi thường lơ đãng nhìn ra cửa sổ. Một hôm, cô gọi tôi ra ngoài, hỏi vì sao dạo này không tập trung học tập. Tôi im lặng trước câu hỏi của cô. Cô đưa tay về phía tôi.

Trong vô thức, tôi rụt cổ lại, mắt sợ hãi nhìn cô rồi bật khóc. Đôi tay cô dừng lại giữa chừng và đôi mắt cô nhìn tôi chan chứa. Tôi kể với cô những ấm ức bấy lâu kìm nén trong lòng, nói với cô có lẽ em sẽ không đi học nữa. Cô lau nước mắt cho tôi. Lời của cô vẫn còn in đậm trong tôi đến tận bây giờ: “Ngẩng đầu lên và bước đi em!”.

Mỗi ngày đến lớp sau đó, cô Hoa đều tìm cách gặp để động viên tôi, khi thì đưa cho tôi sách ôn thi vào cấp III, khi thì mua cho tôi cuốn vở, cây viết. Tôi đậu vào cấp III với số điểm cao và nhận thêm công việc giao đá cho các công ty gần nhà ngoài giờ học, ki cóp từng đồng lẻ để nuôi dưỡng ước mơ. Trên đường đến trường hay lúc đi học về, tôi vẫn hay gặp cô Hoa. Mỗi khi tôi chào, cô luôn vẫy tay và mỉm cười.

Bước chân vào giảng đường đại học, tôi lại thêm vất vả, chạy như con thoi giữa việc học và làm thêm. Có lần, tôi bị ăn chặn tiền công làm gia sư. Tối ấy, trên đường về, tôi mệt mỏi gần như gục ngã. Tôi gọi điện cho cô, tâm sự với cô những chuyện buồn, tổn thương của mình. Cô hỏi tôi: “Giờ Hằng còn hay rụt cổ như con rùa nữa không?”. Tôi bật cười: “Không, cô ạ. Em sửa tật xấu ấy rồi”. Cô lại nói: “Vậy thì Hằng ơi, sao phải khóc nữa, ngẩng đầu lên và bước đi em!”.

Cô Nguyễn Thị Hoa trong một tiết học ngữ văn năm 2017, trước khi cô nghỉ hưu - Ảnh do nhân vật cung cấp
Cô Nguyễn Thị Hoa trong một tiết học ngữ văn năm 2017, trước khi cô nghỉ hưu - Ảnh do nhân vật cung cấp

Nghe lời cô, tôi cắn răng vượt lên khó khăn để tiếp tục học. Cuối cùng, tôi đã thực hiện được ước mơ của mình - trở thành cô giáo dạy văn giống như cô Hoa. Nơi tôi làm việc là Trường THCS Hà Lộc, cũng là một trường cấp II, thuộc thị xã Phú Thọ.

Giờ cô Hoa đã về hưu. Thỉnh thoảng ghé thăm cô, được nghe cô nói chuyện, tôi lại có cảm giác mình như bé lại, giống như cô học trò nhỏ năm nào say sưa nghe cô giảng bài. Cô thường rưng rưng mỗi khi nhìn tôi chào ra về. Mỗi lần như thế, tôi chỉ muốn vòng tay ôm cô thật chặt.

Tôi thì thầm: “Cô ơi, giờ em đã có thể bước vững chãi trên con đường mình đã chọn. Cây xương rồng mọc trên vùng đất khô cằn sỏi đá, không chỉ mọc những cái gai, mà còn nở ra những bông hoa thật đẹp, phải không cô?”.

Thu Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI