Ngăn tình trạng bán hóa chất tràn lan

13/05/2025 - 06:52

PNO - Hiện nay, có rất nhiều loại hóa chất độc hại được dùng để phun, bơm cho các loại trái cây, rau, củ, quả, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Sáng 8/5, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi). Phát biểu thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình (tỉnh Trà Vinh) cho rằng, dự thảo luật đã cấm các hành vi sản xuất, kinh doanh trái phép hóa chất; sửa chữa, làm giả giấy phép, cung cấp thông tin sai lệch, sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc.

Nhưng hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội, thương mại điện tử, sàn giao dịch trực tuyến để rao bán hóa chất nguy hiểm, nhất là tiền chất ma túy, hóa chất dễ cháy nổ. Các hành vi này ẩn danh nên khó truy xuất, có nguy cơ xâm hại an ninh hóa chất và an toàn cộng đồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Do đó, ông đề nghị bổ sung vào mục những hành vi bị nghiêm cấm trong dự luật hành vi “lợi dụng nền tảng số, mạng xã hội, website, sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng cáo, rao bán, cung cấp hóa chất nguy hiểm trái pháp luật”, đồng thời giao Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Công an kiểm tra, xử lý vi phạm trên môi trường mạng.

Đại biểu Trần Khánh Thu (tỉnh Thái Bình) cho rằng, xyanua tồn tại ở các dạng khác nhau như khí, rắn, lỏng. Hóa chất này được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như thuốc trừ sâu, khử trùng, mạ điện, khai thác mỏ vàng, thậm chí trong y tế (giảm huyết áp, giãn mạch máu, hỗ trợ điều trị bệnh lao).

Trong luật hiện hành, việc mua bán xyanua phải có phiếu kiểm soát nhưng lại không quy định cụ thể cá nhân, tổ chức cần đáp ứng các điều kiện nào thì mới được mua, được sử dụng hóa chất này. Nghị định 113 của Chính phủ không quy định xyanua là hóa chất cấm mà chỉ quy định điều kiện quản lý.

Bên cạnh đó, theo bà, các quy định hiện hành cũng không yêu cầu người bán phải kiểm tra điều kiện của người mua mới được bán. Đây chính là lý do khiến việc mua bán chất xyanua diễn ra phổ biến, tràn lan, tiếp tay cho nhiều vụ đầu độc bằng hóa chất xyanua gây rúng động dư luận.

Vì vậy, bà kiến nghị bổ sung quy định doanh nghiệp muốn sản xuất, nhập khẩu xyanua thì phải đăng ký mục đích sử dụng, số lượng, cam kết các biện pháp quản lý rủi ro. Với những hợp chất xyanua bị cấm sử dụng rộng rãi, cần quy định chặt chẽ về đóng gói, ghi nhãn, khai báo vận chuyển, lưu trữ. Chất thải chứa xyanua phải được xử lý theo quy trình đặc biệt, nghiêm cấm xả ra môi trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Lê An (tỉnh Cao Bằng) góp ý, hiện nay, có rất nhiều loại hóa chất độc hại được dùng để phun, bơm cho các loại trái cây, rau, củ, quả, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Vì vậy, dự thảo luật cần bổ sung quy định “cấm sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất thuộc danh mục không được sử dụng để sản xuất, kinh doanh và bảo quản thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, thức ăn thủy sản, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, sản phẩm hóa chất, tiêu dùng”.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI