Ngán như… họp phụ huynh học sinh

26/01/2015 - 10:42

PNO - PNO - Họp phụ huynh học sinh (PHHS) là một phần tất yếu của quá trình dạy và học, nhằm tạo ra sự kết nối trực tiếp giữa nhà trường, giáo viên (GV) và phụ huynh (PH). Thế nhưng, càng về sau, cả GV lẫn PH đều ngán ngẩm điều này;...

edf40wrjww2tblPage:Content

Đi họp là phải mang theo tiền

Mỗi năm học, có ít nhất 3 cuộc họp PHHS: họp đầu năm, họp kết thúc học kì 1, họp tổng kết năm học. Những cuộc họp này có đặc điểm chung “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”: công bố, đề xuất các khoản thu và… thu tiền.

Như một thông lệ, PH nghe con em về thông báo đi họp thì điều đầu tiên nghĩ đến là phải chuẩn bị một số tiền mang theo để đóng ngay tại lớp. Số tiền này ít nhất cũng phải vài trăm ngàn cho các khoản đóng góp trong và ngoài dự tính.

Mục đích chính của cuộc họp là để GV báo cáo tình hình hình dạy và học, phối hợp với PH nhằm tạo điều kiện để các em đạt kết quả học tập tốt nhất, lắng nghe nguyện vọng của PH để đề đạt với nhà trường…

Dần dần, mục đích chính này trở thành hoạt động thứ yếu, ưu tiên hàng đầu vẫn là chuyện tiền nong. Thầy cô, người trực tiếp đứng lớp, cầu nối giữa gia đình và nhà trường bất đắc dĩ trở thành báo cáo viên với các khoản phí đủ loại. Dù muốn hay không, cả hai phía vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ với nhà trường.

Nhiều khoản đóng góp theo quy định lẫn tự nguyện mà phụ huynh phải cắn răng móc ví, kí tên như quỹ trường, quỹ lớp, quỹ khuyến học, quỹ khen thưởng học sinh giỏi… được liệt kê rất chi tiết. Một số khoản thu trong đó mang danh nghĩa “được sự đồng thuận của Hội PHHS” nhưng thực chất chẳng mấy người biết cái Hội đó gồm những ai, do ai bầu ra, hoạt động thế nào… Tất cả đều rất chung chung.

Hội PHHS là cánh tay đắc lực của nhà trường, nhưng nó chỉ làm tốt nhiệm vụ liên quan tài chính. Các mặt khác liên quan chuyện học hành của các em thì hầu như vắng bóng Hội này. Học tăng tiết, các chuyến tham quan gắn mác “học ngoại khóa” thực chất do nhà trường quyết định tất cả.

Khoản phí phát sinh này tiếng là “thể theo yêu cầu của PHHS” nhưng thực chất có rất ít PH thẳng thừng từ chối. Người ta có quyền thắc mắc: Có hay không vấn đề lợi ích nhóm ở đây?

Tại một số trường, PH quen mặt Hội trưởng Hội PHHS thời gian dài vì vị này nắm giữ chức vụ ấy suốt mấy năm liền.

Ngan nhu… hop phu huynh hoc sinh

Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: nbkhiem.com.vn

Thầy cô cũng ngán họp PHHS

PH ngại đi họp đã đành, GV càng ngại thủ tục này gấp bội. PH có 1.001 chuyện để phản ánh, để phàn nàn, để nêu ý kiến. GV dù có nhận ra sự bất cập nào đó thì vẫn phải truyền đạt đầy đủ những nội dung nhà trường muốn thông tin cho PH; lắng nghe, ghi nhận, và báo cáo lại với nhà trường tất cả những gì PH mong mỏi, bức xúc.

Đó chỉ mới là cuộc họp trước tập thể PHHS. Chuyện PH đến dự họp kiểu cho có, đến thật trễ rồi về thật sớm, hút thuốc trong lớp, nói chuyện riêng gây mất tập trung và ồn ào khi GV đang chủ trì cuộc họp… trở nên bình thường mà bất cứ GV chủ nhiệm nào cũng từng trải qua.

PH nào không đến thì buộc lòng phải mời đến trường gặp riêng GV khi học lực hoặc hạnh kiểm con em họ có vấn đề. Cuộc gặp gỡ này cũng không dễ dàng gì nếu PH viện lí do công việc để thất hẹn. Thiếu sự hợp tác từ PH, GV chỉ biết trông chờ họ sắp xếp thời gian, tiếp xúc một cách bị động, vội vã.

Có những ông bố, bà mẹ có thói quen cử hẳn người giúp việc làm thay họ việc này suốt thời gian dài. Đôi khi, thầy cô phải tìm đến tận nhà mới gặp được PH. Từ những năm học cấp 2, đám bạn tôi có đứa còn bạo gan thuê mấy ông xe ôm hay bà bán chè trước cổng trường đóng giả cha mẹ nếu chẳng may bị mời PH. Thầy cô quen mặt những người này nhưng cha mẹ các em là ai thì mãi không thấy tới.

Năm tôi học lớp Tám, trong lớp có bạn Thịnh học cũng tương đối nhưng luôn xao nhãng bài vở, bị thầy cô bộ môn nhắc nhở rất nhiều lần vẫn không thay đổi. Trầy trật lắm, thầy chủ nhiệm mới mời được cha của Thịnh đến gặp. Không hiểu thầy tôi đã trao đổi điều gì mà ngồi dưới sân cờ, ngay trước văn phòng, tôi nghe giọng bác ấy sang sảng, tỉnh khô: “Thầy nói sao chứ hồi xưa tôi có học hành bao nhiêu đâu mà bây giờ cũng làm chủ cả như ai”. Bác ấy ra về, thầy tôi chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Vậy đó, áp lực người thầy không chỉ đến từ những chỉ tiêu được giao phải hoàn thành, áp dụng thông tư mới, quy định ngặt nghèo, cứ thay đổi xoành xoạch, mà còn đến từ những vị phụ huynh xem chuyện học của con em mình nhẹ tênh. Sĩ số mỗi lớp phải được đảm bảo duy trì, chuyện học sinh bỏ học mà PH thì buông lỏng càng khiến GV thêm đau đầu.

Những chuyện tôi đề cập trên đây tuy chưa phải là tất cả nhưng nó không còn là điều hiếm hoi hay xa lạ thời nay.

Làm thế nào để cuộc đối thoại giữa gia đình và nhà trường được thông suốt và liền lạc, không còn bị ám ảnh tiền nong hay sự chịu đựng lẫn nhau thì giáo dục sẽ có những đổi thay tích cực.

SONG THUẬN (P.Phú Thọ Hòa Q.Tân Phú, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI