Nếu làm ăn tại chỗ thuận lợi, dân sẽ không ly hương

11/02/2022 - 06:22

PNO - Nếu có thể vừa làm công nhân để có lương tháng ổn định, vừa tận dụng nguồn đất đai có sẵn để trồng trọt, chăn nuôi, nhiều người dân miền Trung sẽ chọn ở quê nhà, không phải tha hương.


Chọn ở lại quê nhà

Năm nay, ăn tết xong, ông Nguyễn Quang Trung - ở xã Cự Nẫm, H.Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, là công nhân hồi hương về từ tỉnh Đồng Nai từ cuối năm trước - chọn ở lại quê lập nghiệp. Được sự hỗ trợ của địa phương, đặc biệt là từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vừa hết tết Nhâm Dần, ông Trung đã được vay gói ưu đãi 100 triệu đồng.

Những ngày đầu năm Nhâm Dần, nhiều bạn trẻ từ TP.HCM về quê ăn tết đã đến Trung tâm Dich vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên - Huế để đăng ký tìm việc - ẢNH: THUẬN HÓA
Những ngày đầu năm Nhâm Dần, nhiều bạn trẻ từ TPHCM về quê ăn tết đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên - Huế để đăng ký tìm việc - Ảnh: Thuận Hóa

Ông khoe: “Gia đình có đất đai, cơ sở vật chất, nay được vay vốn, tôi làm nông theo mô hình vườn ao chuồng (VAC). Nếu trời cho, bốn tháng nữa, tôi sẽ bán lứa heo đầu tiên, ước tính lãi ròng 40 triệu đồng. Ở quê, nếu có vốn làm ăn, ai cần cù, siêng năng thì đều sống được”.

Chỉ tính riêng huyện Bố Trạch, đã có gần 200 gia đình vừa trở về từ các tỉnh, thành phía Nam có nhu cầu vay vốn làm ăn tại địa phương. Việc cho vay không cần thế chấp tài sản đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để bà con tự tạo việc làm ở quê nhà.

Chị Nguyễn Thị Hương Xuân - ở xã Phong Thu, H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế - một trong 40.000 người trở về tỉnh này trong đợt dịch giữa năm 2021 - từng làm công nhân may ở Q.Bình Tân, TPHCM. Hay tin Công ty may Scavi Huế đăng thông báo tuyển dụng 6.000 công nhân có tay nghề cao, chị nộp đơn và được tuyển thẳng vào làm với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng, làm theo ca.

Có lương cố định, lại làm thêm 5 sào ruộng và nuôi heo nên cuộc sống của vợ chồng chị dần ổn định. Ở công ty, chị Xuân được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, được hưởng các chế độ khi ốm đau, thai sản.

Ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, các công ty lớn như Vinatex Hương Trà (thị xã Hương Trà), Thiên An Phú (H.Phú Vang), Scavi Huế (H.Phong Điền) đều có chính sách đào tạo nghề miễn phí trước khi tuyển dụng. Trong bốn tháng qua, các doanh nghiệp này đã tuyển dụng được hơn 10.000 công nhân. Những trường hợp muốn trở lại làm nông sau khi hồi hương từ các tỉnh, thành khác đều được địa phương tạo điều kiện về vốn, kỹ năng nghề. Vợ chồng ông Nguyễn Lai - ở xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà - trước đây may da giày ở TPHCM, khi về quê tránh dịch, với tâm nguyện trở lại nghề nông, họ được địa phương cho đi học tập mô hình làm nông thuần hữu cơ.

Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết một trong những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương là nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dạy nghề cho người lao động ở nông thôn, trong đó bao gồm những người vừa trở về tâm dịch COVID-19. Việc dạy nghề nông phải gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và yêu cầu tái cấu trúc ngành nông nghiệp, việc dạy các nghề phi nông nghiệp phải gắn với quy hoạch sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. 

“Trong giai đoạn 2022-2025, ngành LĐTBXH tỉnh Thừa Thiên - Huế dự kiến đào tạo trên 15.000 lao động nông thôn, ưu tiên những người về từ các tỉnh phía Nam có nguyện vọng ở lại quê hương làm ăn lâu dài, trong đó có 2.000 lao động nông nghiệp và 10.000 lao động phi nông nghiệp” - ông Nguyễn Hữu Phước thông tin.

Anh Trần Ngọc Phục từ TP.HCM về TP.Huế để tránh dịch COVID-19. Sau tết, anh không muốn trở lại thành phố để tiếp tục công việc ở xưởng mộc nhưng hiện chưa tìm được việc làm phù hợp nơi quê nhà - Ảnh: Thuận Hóa
Anh Trần Ngọc Phục từ TPHCM về TP.Huế để tránh dịch COVID-19. Sau tết, anh không muốn trở lại thành phố để tiếp tục công việc ở xưởng mộc nhưng hiện chưa tìm được việc làm phù hợp nơi quê nhà - Ảnh: Thuận Hóa

Tăng cường kết nối người lao động với nhà tuyển dụng

Sau tết, anh Nguyễn Ngọc Phương - ở thôn Hiền Hòa 2, xã Vinh Hiền, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế - vẫn dùng dằng việc đi hay ở. Nếu tiếp tục vào lại TPHCM làm công nhân da giày, anh Phương sẽ có thu nhập 10 triệu đồng/tháng nhưng đổi lại, anh phải xa gia đình, sống trong phòng trọ chật chội quanh năm. 

Anh Phương bộc bạch: “Theo mình, lãnh đạo địa phương nên có những buổi gặp mặt đồng hương từ TPHCM về quê để nắm rõ tâm tư, nguyện vọng. Bản thân mình sẵn sàng làm việc ở quê để được gần vợ con dù lương thấp, nhưng phải ổn định, lâu dài. Hiện tại, gia đình mình có hơn 2ha mặt nước, nếu được tuyển làm công nhân, mình sẽ tranh thủ thời gian rảnh nuôi thêm tôm”.

Ông Hoàng Văn Vy - Chủ tịch UBND xã Phú Diên, H.Phú Vang - cho biết trong dịp tết Nhâm Dần, có khoảng 2.500 người từ TPHCM, tỉnh Bình Dương về xã ăn tết. Qua khảo sát, phần đông có nguyện vọng được ở lại quê để lập nghiệp, chỉ khoảng 60-70 người có nguyện vọng trở vào Nam. “Chúng tôi ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của họ rồi báo cáo với Phòng LĐTBXH H.Phú Vang để cơ quan này kết nối người lao động với doanh nghiệp, ngân hàng, đáp ứng nguyện vọng của bà con” - 
ông nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Lê Đức Lộc - Phó chủ tịch UBND H.Phú Vang - thông tin UBND huyện đang lên kế hoạch hỗ trợ cho hơn 8.000 người có nguyện vọng được làm việc tại địa phương. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đóng ở huyện này không nhiều, lĩnh vực sản xuất không hợp với tay nghề của người lao động. “Chúng tôi đang nỗ lực tìm các nhà máy, doanh nghiệp thiếu lao động trong tỉnh để giới thiệu cho công nhân. Thậm chí, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện về mặt bằng để các doanh nghiệp, nhà máy tổ chức đào tạo nghề, sản xuất ngay trong huyện” - ông Lê Đức Lộc nói.

Vừa qua, Sở LĐTBXH tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trình UBND tỉnh chương trình “Hành động thực hiện đồng bộ công tác giải quyết việc làm do tác động của đại dịch COVID-19 trong tình hình mới” với chỉ tiêu 100% người lao động trở về địa phương được đào tạo nghề nghiệp, chuyển đổi nghề nghiệp, sớm có việc làm, ổn định cuộc sống. Trong quý I/2022, có 30 doanh nghiệp ở tỉnh này cần tuyển dụng với số lượng gần 10.000 người.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ vào ngày 5 và 20 hằng tháng, tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thị, tổ chức phiên giao dịch việc làm theo chuyên ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Trung tâm này cũng mở cổng thông tin điện tử “Việc làm Huế” để kết nối ứng viên với nhà tuyển dụng.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình, qua thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có hơn 20.000 người lao động làm việc cho các doanh nghiệp tại TPHCM và các tỉnh phía Nam mong muốn sớm có được việc làm ổn định ở quê nhà. Để giải quyết việc làm và tạo sinh kế cho số này, trung tâm đã kết nối với nhiều nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh và tỉnh lân cận để giới thiệu việc làm cho người lao động. Trung tâm cũng đã đề nghị chính quyền cấp xã tổng hợp, báo cáo nhu cầu tìm việc của người lao động để phân chia thành nhóm ngành, sau đó giới thiệu việc làm.  

 Thuận Hóa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI