TPHCM chuẩn bị sẵn sàng nếu số ca mắc COVID-19 tăng cao sau tết Nguyên đán 2022

10/02/2022 - 19:00

PNO - Theo nhận định của ngành y tế, vài ngày tới số ca mắc mới sẽ tăng nhưng các ca nặng, thở máy và tử vong sẽ giảm. Tuy nhiên, TP luôn chuẩn bị 1000 giường ICU và sẵn sàng kích hoạt lại hoạt động của các bệnh viện dã chiến trong vòng 24g.

 

TPHCM đang quyết tâm thực hiện tầm soát COVID-19
TPHCM đang quyết tâm thực hiện tầm soát COVID-19

Chiều 10/2, trong cuộc họp báo cung cấp thông tin phòng, chống COVID-19 tại TPHCM, thông tin về chiến lược và xử lý tình huống khi có ca bệnh COVID-19 tăng cao sau tết Nguyên đán trên địa bàn TPHCM, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, tết Nhâm Dần 2022 là năm toàn bộ người dân được hưởng tết trọn vẹn kể từ khi dịch bệnh xuất hiện. Để có được niềm vui này là sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TPHCM và hơn hết là sự tuân thủ các quy định phòng chống dịch của người dân thành phố.

Theo bà Mai, qua biểu đồ theo dõi của ngành y tế, nếu trước tết số ca mắc COVID-19 còn cao thì từ ngày 4 đến ngày 7/2 số người mắc bệnh chỉ còn 2 con số, đặc biệt ngày 5/2 chỉ còn 24 ca. 

Bà Mai nói: “Tuy nhiên, hôm nay, TPHCM ghi nhận 240 trường hợp, vài ngày tới theo nhận định của ngành Y tế số ca mắc mới sẽ tăng nhưng các ca nặng, thở máy và tử vong sẽ giảm do quá trình điều trị tốt”.

Liên quan đến việc sắp xếp lại bệnh viện trong tình hình số ca mắc ít và tử vong giảm, sở đã có văn bản trình UBND để tham mưu tiếp tục duy trì bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung, điều trị tại quận, huyện khu chế xuất, khu công nghiệp như Linh Trung, Khu Công nghệ cao và sắp xếp lại các bệnh viện chuyển đổi công năng, bệnh viện tách đôi như Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, An Bình, huyện Củ Chi, Lê Minh Xuân để các bệnh viện này phục hồi lại công năng và thành lập khoa điều trị COVID-19 trong bệnh viện.  

Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đề xuất tăng cường truyền thông để người dân thực hiện nghiêm quy tắc 5K trong phòng chống dịch của Bộ Y tế. Ngành Y tế tiếp tục tham mưu cho UBND TP tăng cường tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân. 

Bên cạnh đó, TPHCM đã có chiến dịch tiêm vắc xin mùa xuân từ 29 tháng Chạp đến 11g trưa 10/2, giai đoạn 1 của chiến dịch tiêm ngừa đã có hơn 13.000 người được tiêm vắc xin. Chiến dịch này được tiếp tục từ nay đến hết ngày 28/2 với nỗ lực để các đối tượng nguy cơ được tiêm mũi 3. 

“Ngành Y tế cũng kết hợp với ngành Giáo dục lập danh sách trẻ từ 5 đến 11 tuổi sẵn sàng để khi được Bộ Y tế hướng dẫn, chỉ đạo sẽ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ngay cho các cháu thuộc đối tượng này”, bà Mai cho biết.

Liên quan đến các Trung tâm hồi sức COVID-19, Sở Y tế đã trình UBND TP tạm ngưng hoạt động Bệnh viện Hồi sức COVID-19 để sắp tới Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, các Bệnh viện dã chiến số 6, 8, 12 cũng tạm ngưng hoạt động khi đã hoàn thành sứ mệnh. Chỉ duy trì hoạt động của các Bệnh viện dã chiến số 13, 14, 16. Riêng Bệnh viện dã chiến 14, 16 có trung tâm hồi sức với quy mô 600 giường ICU. 

Ngoài ra, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy duy trì mỗi bệnh viện 200 giường, đảm bảo TP luôn sẵn sàng 1000 giường ICU. Khi cần thiết, Sở Y tế sẽ kích hoạt lại hoạt động của các bệnh viện dã chiến trong vòng 24g.

Tính đến 18g ngày 10/2, TPHCM có hơn 515.816 ca mắc COVID-19. Hiện tại TPHCM đang điều trị cho 618 bệnh nhân, trong đó có 35 trẻ dưới 16 tuổi, 88 bệnh nhân nặng đang thở máy, 13 bệnh nhân can thiệp ECMO. Riêng các ca mắc Omicron trên địa bàn TP, bà Mai cho biết hiện TPHCM có 92 ca mắc Omicron và chưa có ca tử vong vì biến thể này.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI