Né thuế khi bán nhà, đất: lợi bất cập hại

08/05/2022 - 14:40

PNO - Khi chuyển nhượng nhà, đất, nhiều người kê khai giá bán thấp hơn giá thị trường nhằm đóng thuế thấp. Báo Phụ Nữ TP.HCM đã trao đổi với luật sư Trần Minh Cường - Giám đốc điều hành Công ty Luật Solution & Partner - về tình trạng này.

Phóng viên: Theo quy định, khi chuyển nhượng bất động sản, người bán phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Để né thuế, nhiều người đã khai giá bán thấp hơn giá thực tế. Ông có nhận xét gì về việc này?

Luật sư Trần Minh Cường: Hiện nay, rất nhiều người né thuế bằng cách kê khai giá giao dịch thấp hơn giá giao dịch thực tế hoặc kê khai hai giá khác nhau trên hợp đồng công chứng và hợp đồng thực tế. Theo điểm đ, khoản 1, điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, các hành vi trốn thuế và có tình tiết tăng nặng sẽ chịu mức xử phạt hành chính từ 100 triệu đồng đến 4,5 tỷ đồng, bị phạt tù đến 7 năm tùy theo số tiền trốn thuế và tình tiết tăng nặng.

Người bán nhà, đất có thể gặp nhiều rủi ro khi né thuế mua bán nhà, đất
Người bán nhà, đất có thể gặp nhiều rủi ro khi né thuế mua bán nhà, đất

Việc ký hợp đồng không đúng giá trị thật chỉ có lợi cho bên bán (giảm thuế thu nhập cá nhân 2% trên tổng giá trị giao dịch cho bên bán), còn bên mua hầu như không được lợi gì. Nhưng khi bị phát hiện, tùy theo tính chất vụ việc, bên mua nhiều khả năng phải chịu trách nhiệm liên đới. Ngoài ra, nếu phát sinh tranh chấp, hợp đồng nhiều khả năng sẽ bị vô hiệu do có yếu tố gian dối. Do đó các bên cần hiểu rõ những rủi ro có liên quan khi mua, bán bất động sản (BĐS) theo phương thức này.

* Vừa qua, nhiều người dân phản ánh, họ bị ngành thuế trả hồ sơ do giá kê khai thấp hơn giá thị trường. Ngành thuế làm như vậy là đúng hay sai, thưa luật sư? 

- Kê khai và nộp thuế theo giá trị mua bán thực tế là trách nhiệm của các bên, theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, khái niệm “giá thị trường” hiện rất mơ hồ và không chính xác bởi thị trường luôn biến động. Hơn nữa, giá rao bán và giá “khớp lệnh” khác nhau, sẽ không thể có con số chính xác kể cả giao dịch qua ngân hàng. Việc một số nơi cào bằng các trường hợp mua bán thực tế, cụ thể như bán cắt lỗ (thấp hơn giá mua) hay ủy quyền theo pháp luật dân sự nhưng vẫn bị đóng thuế hai lần như “chuyển nhượng giả cách” là không phù hợp thực tế và quy định của pháp luật.

Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định người dân phải rao bán BĐS theo một con số cố định. Việc ngành thuế buộc người dân nộp thuế theo giá thị trường là áp đặt, chủ quan và người dân có thể khiếu nại, khởi kiện nếu thấy bất hợp lý. Ngược lại, nếu người đóng thuế có dấu hiệu vi phạm mà vẫn kiên quyết không điều chỉnh thì ngành thuế có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ. 

* Gần đây, cơ quan quản lý nhà nước liên tục chỉ đạo chống thất thu thuế trong chuyển nhượng BĐS. Theo ông, cần làm gì để công tác này đạt hiệu quả?

- Luật Việt Nam đã có quy định về xử lý vi phạm đối với tội trốn thuế nhưng thực tế, việc chống thất thu thuế chưa đạt hiệu quả như nhiều quốc gia khác. Hiện ở Việt Nam, hình thức sử dụng tiền mặt còn phổ biến. Chúng ta cũng cần có lộ trình phù hợp để tiến tới thanh toán qua ngân hàng.  

Bên cạnh đó, để người dân đồng thuận, cần xem xét lại các quy định về đất đai, nhất là các quy định về giá đất theo thị trường và giá đất theo bảng giá của Nhà nước để việc định giá trong giao dịch được thuyết phục. 

* Cảm ơn ông.

Bích Trần (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI