Khi nông dân phải thuê lại đất của mình

22/04/2022 - 06:32

PNO - Nếu không mạnh tay xử lý những khu công nghiệp bỏ hoang thì nghịch lý về sử dụng đất sẽ còn kéo dài, gây lãng phí lớn cùng nhiều hệ lụy đi theo.

Từ nhiều năm nay, nhiều địa phương ồ ạt thu hồi đất sản xuất để làm khu công nghiệp (KCN) hoặc làm các dự án nhưng lại chậm xây dựng cơ sở hạ tầng khiến nhiều khu đất bị bỏ hoang. Ở một số nơi, khi thu hồi đất, đại diện chính quyền và doanh nghiệp đều hứa ưu tiên cho người dân sở tại làm việc khi KCN hoàn thành. Chờ mãi chẳng thấy dự án nhúc nhích, con em nhiều hộ bị mất đất sản xuất buộc phải vất vả đi làm thuê ở các KCN xa nhà, xa quê.

KCN Hòa Hội treo hàng chục năm, bỏ hoang hàng trăm ha đất - Ảnh: Đình Phùng/BVPL
KCN Hòa Hội "treo" hàng chục năm, bỏ hoang hàng trăm ha đất - Ảnh: Đình Phùng/PLVN

Tình trạng trên xảy ra phổ biến từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có giải pháp giải quyết triệt để. Để thu hút đầu tư và “chạy đua” thành tích, nhiều địa phương ồ ạt lập đề án thành lập KCN nhưng chưa tính đến khả năng thu hút đầu tư hay hiệu quả kinh tế. Phát triển nóng đã khiến nhiều nơi phải bỏ hoang đất đai, gây lãng phí, KCN bỏ hoang trở thành “điểm nóng” về tệ nạn xã hội trong khi người dân có đất bị thu hồi để làm KCN phải thất nghiệp. 

Trớ trêu hơn, ở một số nơi, nông dân phải đi thuê lại đất của mình (đã bị thu hồi làm KCN) để canh tác. Có nơi cho người dân thuê khoảng 10ha đất với giá 40 triệu đồng/vụ để… trồng dưa hấu. Điển hình, KCN Hòa Hội (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) rộng hàng trăm héc-ta vẫn là một bãi đất hoang, trong khi người dân ở đây không có đất canh tác, cuộc sống vô vàn khó khăn. 

Theo kết quả giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị, doanh nghiệp trong KCN, cụm công nghiệp, khu du lịch sử dụng chưa đến 50% diện tích đất thuê và có nhiều sai phạm. Chẳng hạn, tại KCN Nam Đông Hà, có 9 dự án chưa sử dụng đất xây dựng giai đoạn 2 với diện tích 79.001m2, có 10 dự án sử dụng đất không đúng mục đích đầu tư với diện tích 12.330m2. Dư luận nghi ngờ rằng, có hiện tượng ồ ạt xin đầu tư KCN, sau đó lấy lý do hoạt động không hiệu quả để chuyển đổi công năng sử dụng đất. 

Xuất phát từ tình trạng lãng phí đất đai KCN tại nhiều địa phương, năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh giảm chỉ tiêu đất KCN ở 15 tỉnh, thành phố. Tổng diện tích quy hoạch đất KCN đề xuất giảm là 18.228ha; trong đó, tỉnh Thanh Hóa giảm 4.327ha, tỉnh Quảng Bình giảm 2.020ha, tỉnh Nghệ An giảm 4.175ha, tỉnh Khánh Hòa giảm 566ha, tỉnh Bình Định giảm 1.242ha...

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị tăng 4.644ha diện tích quy hoạch KCN của 9 địa phương, giúp các địa phương chủ động đón làn sóng chuyển dịch đầu tư sau đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, việc điều chỉnh này sẽ có tác động rất lớn đến định hướng phát triển kinh tế, xã hội các địa phương. Vì vậy, cần cân nhắc, đánh giá thêm. Bộ này cũng cảnh báo, việc điều chỉnh giảm quy hoạch đất KCN theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ gây vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, tiềm ẩn nguy cơ gây tranh chấp, khiếu kiện, gây khó cho các địa phương trong thu hút đầu tư vào các KCN.

Trong khi chờ hai bộ trên nhất trí về mặt chủ trương, nên chăng, cần kiên quyết thu hồi đất, loại bỏ các KCN không hiệu quả, không thu hút được dự án, nhà đầu tư. Ðối với các dự án sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc sau 24 tháng sử dụng đất không đúng tiến độ, địa phương cần tính toán trả lại tiền cho nhà đầu tư phù hợp giá trị đầu tư. Hoặc sau 12 tháng không thực hiện, địa phương có thể gia hạn tới 24 tháng, sau đó nếu không thực hiện thì thu hồi, không bồi thường giá trị đầu tư.

Nếu không mạnh tay xử lý những KCN bỏ hoang thì nghịch lý về sử dụng đất sẽ còn kéo dài, gây lãng phí lớn cùng nhiều hệ lụy đi theo.

Nguyễn Kim Yến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI