Nắng gắt, tia cực tím đang làm phỏng da

11/05/2020 - 15:00

PNO - Những ngày qua, thời tiết bắt đầu nắng nóng, nhiệt độ ngày càng tăng trung bình từ 35-40 độ C, ngoài những bệnh mùa nóng, nhiều người cũng mắc dị ứng da, phỏng da do ánh nắng mặt trời.

Phồng rộp da do tiếp xúc ánh nắng mặt trời

Bệnh nhân bị dị ứng phát ban do ánh nắng
Bệnh nhân bị dị ứng phát ban do ánh nắng

Anh T.K.M. (ở Q.5, TP.HCM) hành nghề xe ôm nên thường xuyên ở ngoài đường, nắng nóng khiến anh liên tục bị mất nước. Mặc dù đã trang bị hai áo dài tay, có quạt nhỏ chạy bằng pin nhưng anh vẫn thấy nóng rát mỗi khi về nhà. Gần đây, anh bị ngứa vùng cổ, gáy, ngực và hai bàn tay. Do nghĩ trước đó có ăn cá biển nên anh tự mua thuốc uống. Hai ngày sau, ngực, cổ bị nổi mụn nước li ti như mụn trứng cá, kèm theo đau, rát, khu vực tổn thương ngày càng lan rộng. Không thể chịu nổi, anh M. đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám mới biết mình bị dị ứng ánh nắng mặt trời.

Không nên tự ý đắp lá thuốc
Tuy những bệnh dị ứng ánh nắng mặt trời chưa có thuốc điều trị, bác sĩ chỉ điều trị triệu chứng, nâng đỡ nhưng nếu bệnh nhân biết được dị ứng sớm, tránh ánh nắng thì triệu chứng sẽ nhanh khỏi.

Không tự ý bôi hoặc uống thuốc không đúng liều lượng sẽ làm mỏng da, teo da… Một số trường hợp sẽ gây biến chứng phát ban mụn trứng cá, nhất là với những người lạm dụng quá nhiều thuốc có chứa corticoid.

Đặc biệt, người bệnh không nên tự ý đắp lá thuốc, băng kín vùng viêm da gây ra tình trạng viêm da tiếp xúc, làm da đỏ lên, mụn nước, bóng nước, nặng hơn sẽ bong da… thậm chí gây nhiễm trùng bội nhiễm, có thể để lại sẹo.

Anh nói: “Những năm trước chạy xe cũng bị nóng rát nhưng khoảng ba ngày là hết. Từ trước đến nay, tôi chưa từng mắc bệnh dị ứng ánh nắng và cũng lần đầu tiên nghe bệnh này. Ban đầu, tôi chỉ thấy ngứa thôi, không ngờ da bị nhiễm trùng”. Anh M. phải sử dụng cả thuốc uống và thuốc bôi. Ngoài ra, phải hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để điều trị cũng như tránh tái phát bệnh.

Tương tự như anh M., sau khi đi bơi ở hồ bơi về, chị P.T.N.D. (ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thấy vùng da ở vai, lưng, cổ, cánh tay, chân… đỏ lên từng mảng. Nghĩ mình bơi vào lúc 9g sáng nên bị cháy nắng, chị D. bôi kem dưỡng da. Chị không bị ngứa nhưng da tiếp tục nổi mẩn đỏ như phát ban. Thêm hai ngày, da mọc mụn to, sau đó vỡ ra nhiễm trùng, có dịch mủ. 

“Tôi đến Bệnh viện Da liễu khám, bác sĩ nói tôi bị phát ban đa dạng do ánh sáng. Theo bác sĩ, có thể trước đây tôi đã bị bệnh này một lần nhưng mụn chỉ nổi li ti rồi hết nên tôi không để ý. Lần này, gần như toàn thân của tôi đều bị nổi mụn nước rất đáng sợ”, chị D. chia sẻ. Mặc dù nhiễm trùng không quá nặng, nhưng chị D. phải chịu sạm da trong thời gian dài với nguy cơ để lại sẹo xấu.

Không may mắn như chị D., chị N.T.T.L. (ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) đến bệnh viện với nhiều mảng da phồng rộp, mặt bị viêm chân lông nặng, có nhiều mụn mủ lớn, da vùng cổ, mặt sưng tấy, đỏ như tôm lột do dùng kem trộn để dưỡng da. Theo chị L., người bán kem trộn cho chị khẳng định loại kem này vừa làm trắng sáng da vừa có tác dụng chống nắng nên chị tin dùng, bởi bôi lên da cảm giác rất mát. 

Tuy nhiên, chỉ hai buổi đi ngoài nắng, chị có cảm giác vùng mặt và cổ nóng rát ngày càng nhiều như bị kim chích. Thấy vậy, chị L. lấy lá nha đam tươi và trà đắp lên da để giữ mát, lúc này mụn nước có xẹp bớt nhưng vẫn cảm thấy nóng như mới vừa bỏng nước sôi. Đến ngày thứ tư sau khi đắp lá, mặt chị bị chảy dịch vàng, da bong từng mảng nhỏ, đến bệnh viện khám mới biết mặt đã bị nhiễm trùng. 

Dị ứng ánh nắng không thể xem thường

Theo bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, mùa nắng nóng, bệnh viện có tiếp nhận các trường hợp liên quan đến phỏng da, dị ứng da… do nhiệt độ; trong đó, dị ứng ánh nắng chiếm 10%, phụ nữ bệnh nhiều hơn nam giới. 

Bệnh gây ra bởi sự tiếp xúc trực tiếp với bức xạ của ánh nắng mặt trời trong thời gian nhất định. Thông thường, người bệnh chỉ bị triệu chứng thoáng qua, tuy nhiên nếu tình trạng nặng sẽ gây viêm da, tăng sắc tố sau viêm, da sẫm màu, dù phát hiện sớm cũng mất từ 1-3 tháng mới điều trị khỏi, nếu để lâu hơn vùng da dị ứng sẽ để lại vết thâm gây mất thẩm mỹ. Thậm chí, tiếp xúc lâu dài với ánh nắng mặt trời thì nguy cơ gây lão hóa da, ung thư da… rất cao.

Một số người nhạy cảm với ánh nắng chỉ cần tiếp xúc với ánh nắng khoảng 20 phút sẽ biểu hiện những phát ban ở ngoài da ngay. Một số loại da nhạy cảm với ánh nắng mặt trời đã được biết rõ như lupus ban đỏ, phát ban da cơ địa… nếu ra ánh nắng mặt trời bệnh sẽ nặng hơn.

Thông thường, người bệnh dễ bị nhầm lẫn phát ban với bệnh viêm da, tuy nhiên phát ban da do ánh nắng thường có biểu hiện ngay khi người bệnh đi ngoài nắng, da sẽ xuất hiện hồng ban trước, sau đó cảm giác nóng rát như kim chích, nổi mụn nước li ti… ở những vùng da phơi bày ra ánh nắng; còn viêm da sẽ nổi mụn trứng cá, mụn mủ, sẫm màu nơi viêm, nốt mụn tập trung ở vị trí vùng nang lông tuyến bã.

Theo bác sĩ Thảo, thường những bức xạ từ ánh nắng mặt trời dễ gây ra tình trạng phát ban là từ 11g đến 15g. Đặc biệt, những quốc gia nằm ở khu vực nhiệt đới thì từ 10g đến 16g, người dân nên hạn chế ra đường. Bên cạnh việc chủ động bảo vệ da bằng kem chống nắng, mọi người nên tìm nơi có bóng râm để trú nắng, đội nón rộng vành, mặc thêm áo khoác dài tay, trang phục che phủ vùng da. 

Nguy cơ ung thư da từ tia cực tím

Ngoài dị ứng da, phỏng da do tiếp xúc ánh nắng mặt trời, mọi người không nên chủ quan khi ra nắng, bởi dễ đối mặt với nguy cơ ung thư da từ tia cực tím. Theo bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức TP.HCM, bức xạ cực tím là thành phần trong ánh sáng mặt trời, trong đó tia cực tím có thể gây tổn thương ADN của tế bào da. 

Khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, da sẽ bị phỏng, khô, sạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm da lão hóa nhanh và có thể gây ung thư da. Ngoài ảnh hưởng xấu đến da, tia cực tím còn có thể gây ra các bất ổn cho mắt như cườm mắt.

Vì vậy, người dân nên hạn chế ra đường vào lúc nắng gắt, nhất là khoảng 10g đến 16g. Mặc trang phục dài tay, dài chân để che chở cho da càng nhiều càng tốt, dùng nón che phủ vùng đầu mặt. Sử dụng các sản phẩm chống nắng như kem chống nắng dạng bôi, dạng xịt để bảo vệ các vùng cơ thể không được quần áo che phủ như mặt, môi, cánh tay, bàn tay…

Thoa kỹ để che hết các vùng da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nếu phụ nữ dùng kem chống nắng kết hợp với mỹ phẩm thì thoa kem chống nắng trước và trang điểm sau. Khi cơ thể ra nhiều mồ hôi cũng nên thoa kem lại. 

Khi đi tắm biển, hồ bơi cũng nên dùng kem chống nắng và kính mát vì tia cực tím vẫn có thể xuyên thấu qua nước. Ngoài bề mặt nước ra, cát cũng có thể gây phản xạ tia cực tím. 

Lưu ý, sản phẩm dùng để chống nắng phải có chỉ số bảo vệ ánh nắng (SPF) từ 30 trở lên. Dùng kính mát có khả năng chặn tia cực tím (xem chỉ số ANSI được ghi trên bao bì).

Đặc biệt, da của trẻ nhạy cảm hơn người lớn nên hãy bảo vệ thật kỹ cho trẻ. Tuy nhiên, không nên quá e ngại tác hại của ánh nắng mà hạn chế các hoạt động ngoài trời của con em mình; chỉ cần bảo đảm thoa kem chống nắng đúng cách, cho trẻ chơi ngoài giờ nắng gắt, tận dụng bóng râm… Ngoài việc bảo vệ làn da, người lớn và trẻ nhỏ cần chú ý uống bù nước để tránh cơ thể bị mất nước quá nhiều.

“Chú ý khi trời nhiều mây không phải lúc nào cũng hạn chế tia cực tím vì một số trường hợp đám mây có thể phản xạ và tăng cường độ của tia cực tím. Tương tự, các tòa nhà kính, cửa sổ kính, kim loại cũng phản chiếu tia cực tím nên người dân nên cẩn trọng khi di chuyển trong nội thành”, bác sĩ Vũ khuyến cáo.

Phạm An

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI